PGS.TS Vũ Quang Hiển: Giáo dục lịch sử để kiến tạo tri thức nền tảng

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Giáo dục lịch sử để kiến tạo tri thức nền tảng

PGS.TS Vũ Quang Hiển - nguyên giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với độc giả về sự kiện lịch sử quan trọng này.

Thời cơ

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, nhân dân Việt Nam căn bản hoàn thành nhiệm vụ chiến lược “Đánh cho Mỹ cút”. Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Paris làm so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam thay đổi có lợi cho cách mạng. Nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách duy trì bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn. Do vậy, cuộc chiến tranh ở miền Nam chưa kết thúc. Khả năng hòa bình thi hành hiệp định ngày càng bị thu hẹp và biến mất. Cả thế giới đều thấy rõ, Mỹ và chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Paris, là lực cản cho sự thống nhất nước Việt Nam.

Ngày 9/8/1974, Tổng thống Richard Nixon phải từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ do cuộc “khủng hoảng lòng tin” đang tràn ngập nước Mỹ, mà trực tiếp là do vụ bê bối Watergate được đưa ra ánh sáng, làm cho tình hình nội bộ nước Mỹ rối loạn. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu “hoang mang, dao động trước sự thất thế của Richard Nixon”.

Trong tình hình chiến trường, quốc tế và nước Mỹ có những biến chuyển mới, ngày 30/9/1974, Bộ Chính trị họp Hội nghị bàn về nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước. Đợt 1 họp đến ngày 8/10/1974. Bộ Chính trị tập trung phân tích tình hình quốc tế, đánh giá thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mỹ đã thất bại trong âm mưu độc chiếm Đông Nam Á, phải xoay sang bắt tay, thỏa hiệp để chia quyền lợi và vùng ảnh hưởng với đối thủ của mình, tìm cách chặn bước tiến của cách mạng Việt Nam, kéo dài tình trạng chia cắt nước Việt Nam.

Ở thời điểm này, Việt Nam không chỉ là vấn đề đối đầu giữa hai hệ thống thế giới, mà về khách quan còn là đối thủ quan trọng phải khuất phục trong sự tính toán chiến lược của những thế lực khác nhau muốn tranh giành Đông Nam Á. “Âm mưu của họ rất nguy hiểm, nhưng lúc này chưa ai sẵn sàng, chưa ai làm nổi”. Mỹ đang rút ra, trước mắt muốn giữ tình hình miền Nam ổn định trong một số năm để chính quyền Sài Gòn có thể tiếp tục đứng vững và Mỹ có thời gian vượt qua những khó khăn trong nước. So sánh lực lượng trên chiến trường đang có lợi cho cách mạng.

Để xác định quyết tâm chiến lược, Bộ Chính trị thận trọng cân nhắc vấn đề Mỹ có mang quân trở lại miền Nam hay không? Bản chất của Mỹ rất ngoan cố, nhưng sau những chuỗi dài thất bại, ý chí xâm lược rã rời, đây là lúc Mỹ đang phải rút ra khỏi Việt Nam, mà đã ra thì việc quay lại không phải dễ. Ngoan cố bám giữ miền Nam đến cùng là một việc, mà quay trở lại miền Nam một lần nữa là một việc khác. Bộ Chính trị kết luận: “Mỹ không có khả năng quay lại miền Nam”, đồng thời khẳng định “dù Mỹ có can thiệp trở lại trong chừng mực nào thì chúng cũng không xoay chuyển được tình thế, và ta vẫn thắng”.

Trên cơ sở phân tích toàn diện, Bộ Chính trị chỉ rõ quân và dân Việt Nam đang có thời cơ, đây là thời cơ thuận lợi nhất để hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ. Bộ Chính trị nhấn mạnh: Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác.

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Giáo dục lịch sử để kiến tạo tri thức nền tảng ảnh 1
PGS.TS Vũ Quang Hiển. Ảnh: NVCC

Chúng ta nhất định chiến thắng

Với tinh thần kiên quyết chớp thời cơ, Bộ Chính trị xác định quyết tâm động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân đội Việt Nam Cộng hòa, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của đối phương cũng như tất cả các thành thị khác, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất đất nước. Bộ Chính trị chỉ rõ: Ngay từ thời điểm này phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975 - 1976.

Từ ngày 8/12/1974 đến ngày 7/1/1975, Bộ Chính trị họp đợt 2, tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuộc họp sắp kết thúc thì các lực lượng vũ trang cách mạng giải phóng thị xã Phước Long và toàn tỉnh Phước Long (6/1/1975). Trận trinh sát chiến lược Phước Long cho thấy, khả năng đối phó rất hạn chế của Mỹ và sự suy yếu của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Bộ Chính trị đi sâu phân tích so sánh lực lượng trên chiến trường, khẳng định “thế của địch ngày càng xấu, lực của địch ngày càng suy”, và quyết định “phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”. Bộ Chính trị nêu rõ “phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”. Để đảm bảo thắng lợi, phải làm hết sức mình để tăng cường lực lượng, đảm bảo đầy đủ về nhu cầu vật chất, kỹ thuật cho chiến trường; làm thật tốt công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội, trong nhân dân, động viên toàn quân, toàn dân nêu cao ý chí “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”.

Bộ Chính trị khẳng định: “Trận quyết chiến chiến lược này là một sự nghiệp trọng đại. Nó sẽ đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn... Đảng ta quyết làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang đối với dân tộc và nghĩa vụ quốc tế cao cả... Chúng ta nhất định thắng”.

Mùa Xuân năm 1975, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam tập trung thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở đầu bằng đòn tiến công chiến lược trên chiến trường Tây Nguyên. Quân đội Việt Nam Cộng hòa tháo chạy hoảng loạn.

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Giáo dục lịch sử để kiến tạo tri thức nền tảng ảnh 2
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu - Cà Mau tham quan bảo tàng và gian trưng bày về chiến thắng 30/4.

Kiến tạo tri thức nền tảng

Trong khi quân đội Sài Gòn đang tháo chạy khỏi Tây Nguyên, Bộ Chính trị nhận định cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường Tây Nguyên đã phát triển thành tổng tiến công chiến lược. Chưa bao giờ quân đội và nhân dân Việt Nam có đầy đủ điều kiện và thời cơ to lớn như lúc này. Thời cơ chiến lược đã chín muồi. Đó là lúc thế và lực của cách mạng đã được chuẩn bị đầy đủ để đánh đòn quyết định cuối cùng; là lúc chính quyền của Tổng thống G. Ford bị Quốc hội Mỹ khước từ mọi yêu cầu viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa, ngăn cấm mọi dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam; là lúc bộ máy điều hành chiến tranh của Nguyễn Văn Thiệu lâm vào cảnh hỗn loạn về chính trị, bế tắc về quân sự và liên tiếp phạm những sai lầm về chỉ đạo chiến lược. Ngày 18/3/1975, theo đề nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Chính trị quyết định hoàn thành kế hoạch 2 năm giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Bộ Chính trị chỉ đạo hai đòn tiến công chiến lược trên các chiến trường Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn - Gia Định. Phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự, nhằm tranh thủ thời cơ thuận lợi, mà về mặt đối ngoại, việc thực hiện phương châm này có tác dụng ngăn chặn triệt để khả năng can thiệp bằng mọi biện pháp từ bên ngoài trong bối cảnh quốc tế phức tạp lúc bấy giờ.

Ngày 21/4/1975, khi các binh đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tập trung tới mức áp đảo, hình thành thế bao vây và ngày càng siết chặt quanh Sài Gòn, Mỹ ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đưa Trần Văn Hương lên thay, đề nghị ngừng bắn và thương lượng. Ngày 22/4/1975, Tổng thống Pháp kêu gọi các bên ở Việt Nam ngừng bắn, mở rộng các cuộc thương thuyết để chấm dứt chiến tranh.

Ngày 26/4/1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố, vạch rõ âm mưu của Mỹ muốn duy trì một chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không có Thiệu, đòi phải xóa bỏ chính quyền Việt Nam Cộng hòa, công cụ của chủ nghĩa thực dân mới, xóa bỏ bộ máy chiến tranh, bộ máy kìm kẹp và đàn áp nhân dân ở miền Nam. Bản tuyên bố kêu gọi nhân dân và chính phủ các nước yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, kể cả nhân dân Hoa Kỳ, hãy ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam. Cùng ngày, các binh đoàn chủ lực của Việt Nam bắt đầu vượt qua các tuyến phòng thủ vòng ngoài để tiến vào nội đô Sài Gòn, chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa lâm vào nguy kịch.

Tối ngày 27/4/1975, Dương Văn Minh được đưa ra thay cho Trần Văn Hương với yêu cầu hòa bình thương lượng. Nhưng đã quá muộn. Mọi nỗ lực cứu vãn chế độ chính trị Sài Gòn đều không có khả năng và không còn thích hợp nữa. Quân đội và nhân dân Việt Nam kiên quyết tiêu diệt những hy vọng cuối cùng của những thế lực muốn giữ chính quyền Việt Nam Cộng hòa để vớt vát quyền lợi.

Trong tình thế tuyệt vọng, 10 giờ 15 phút ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh thông báo cho quân đội Sài Gòn ngừng bắn và đồng thời cũng muốn phía cách mạng làm như vậy để chuyển giao chính quyền có trật tự. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các lực lượng vũ trang cách mạng tiếp tục tiến quân theo kế hoạch “với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”.

Khi các binh đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khóa chặt mọi cửa ngõ ra vào Sài Gòn, trong hai ngày 28 và 29/4/1975, bầu trời Sài Gòn được bỏ ngỏ để Mỹ có thể dùng máy bay trực thăng chở nốt những người “di tản” và những người Mỹ còn sót lại ở Sài Gòn mà không bị tiến công.

Thực hiện sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, linh hoạt và kiên quyết của Đảng, quân đội và nhân dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; từng bước phân hóa, cô lập kẻ thù, kết hợp với tổng tiến công và nổi dậy, làm tan rã quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, quét sạch cơ đồ thực dân mới của đế quốc Mỹ, rửa sạch nỗi nhục mất nước, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, được phát triển lên đỉnh cao mới dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng nghệ thuật kết thúc chiến tranh đặc sắc. Tinh thần đó, khí phách đó không chỉ là nguồn sức mạnh truyền thống, mà còn là nội dung giáo dục lịch sử để kiến tạo tri thức nền tảng của những thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam đang lớn lên.

“Mùa Xuân đại thắng để lại nhiều bài học quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đó là bài học bám sát thực tiễn, đánh giá chính xác khả năng phát triển của tình hình để xác định quyết tâm chiến lược chính xác; chủ động giải quyết vấn đề thời cơ, xác định đúng và kiên quyết chớp thời cơ hành động kiên quyết và kịp thời; động viên đến mức cao nhất chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để giành thắng lợi…..”. - PGS.TS Vũ Quang Hiển

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.