Nhà khoa học trẻ giỏi
“Được lọt vào “mắt xanh”của vị giáo sư chuyên ngành chăn nuôi nổi tiếng thế giới như giáo sư James E. Pettigrew (Trường ĐH Illinois-Mỹ) là một may mắn”- PGS.TS Chế Minh Tùng cho biết. Thông thường, thời hạn nộp đơn cho khóa học tháng 8 là vào tháng 1 nhưng đến tháng 3 Tùng mới nộp. Biết là quá trễ nhưng vẫn cứ làm liều, mà liều hơn là chọn một trường đại học công lập hàng đầu của Mỹ với yêu cầu rất cao. Nhưng hai tuần sau, Tùng được nhận vào chương trình nghiên cứu của giáo sư James E. Pettigrew.
Bất ngờ hơn, ông còn sẵn lòng hỗ trợ thêm mọi chi phí cho anh nếu phía Việt Nam không thể tài trợ thêm. Những ngày tháng học tập tại Mỹ, thành công liên tiếp đến khi Tùng lần lượt đạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như Giải thưởng nhà khoa học trẻ toàn cầu, Giải thưởng học giả trẻ, Giải thưởng sinh viên sau đại học xuất sắc… Cuối cùng, anh nhận được học bổng sau tiến sĩ trị giá hơn 340.000 USD của Trường đại học Illinois.
Không ngẫu nhiên mà có được những may mắn ấy, bởi với Tùng “đã làm gì là phải làm đến nơi đến chốn, làm tốt nhất có thể, dồn hết sức và tâm trí của mình để đạt hiệu quả cao nhất”. Hoàn thành chương trình sau tiến sĩ tại Trường đại học Illinois danh tiếng, bỏ lại nhiều lời mời gọi từ các trường đại học- tập đoàn lớn ở Mỹ, Chế Minh Tùng trở về Trường đại học Nông Lâm TP.HCM để truyền đạt tất cả những gì học được ở môi trường tiên tiến cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Công tác tại Trường đại học Nông Lâm TP.HCM với vai trò là giảng viên, trưởng Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Chế Minh Tùng đã nghiên cứu và xuất bản nhiều công trình, bài báo khoa học về chăn nuôi có giá trị.
Trại gà nuôi bằng thảo dược
Đam mê lĩnh vực chăn nuôi và nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề tồn dư kháng sinh trong vật nuôi gây hại cho sức khỏe con người, Tùng đã lập trang trại để nghiên cứu thức ăn trong chăn nuôi và xây dựng quy trình chăn nuôi không sử dụng kháng sinh. Nhóm nghiên cứu của anh đã và đang nghiên cứu ứng dụng quy trình chăn nuôi gà trên cơ sở khoa học nghiêm ngặt; từ khâu vệ sinh chuồng trại, dinh dưỡng, sử dụng vắc-xin… cho đến các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng gà.
Sinh viên thực tập ở trại gà nuôi bằng thảo dược |
Bên cạnh quy trình chăn nuôi theo khoa học, Tùng đã nghiên cứu và sản xuất thành công công thức “thức ăn tập ăn cho gà”. Gà cũng như con người, phải có thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng, có như thế thì gà con mới không bị “stress” khi mới nhập chuồng và sinh trưởng tốt ở giai đoạn đầu đời. Thức ăn phù hợp và đủ dưỡng chất cho gà con trong tuần đầu sau khi nở sẽ giúp gà có sức đề kháng cao và giảm tỉ lệ hao hụt đáng kể. Nhờ thức ăn tập ăn này mà ở trang trại gà của Tùng, mỗi đợt nuôi tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 2% .
Ngoài việc cho gà ăn thức ăn chuyên biệt, Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa của Tùng còn nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ thảo dược để sử dụng trong chăn nuôi gia súc gia cầm. Các sản phẩm này được tạo ra từ việc trộn các loại thảo dược như húng chanh, húng quế, nghệ, gừng, tỏi… theo một tỉ lệ nhất định. Gà ăn thảo dược sẽ có sức đề kháng tốt và cho năng suất cao. Những chú gà trong trang trại của thầy Tùng, nếu không may mắc bệnh cũng được chữa trị bằng thảo dược và hoàn toàn nói không với kháng sinh.
Những chú gà thảo dược trong trang trại thầy Tùng có chất lượng thịt rất thơm, độ dai vừa phải và được đánh giá rất ngon. Tùng kể vui, nhiều người sau khi ăn gà thảo dược thường hỏi: “Ngoài nuôi bằng thảo dược, anh có cho gà tập thể dục không, mà trong cùng một giống gà nhưng gà anh nuôi lại có thịt chắc và thơm thế?”.
Hiện nay, trại gà thảo dược của Chế Minh Tùng đã lên đến hàng ngàn con. Ngoài việc nghiên cứu các giải pháp thay thế kháng sinh để áp dụng ở trại, Tùng dự định sẽ chuyển giao nghiên cứu ứng dụng này ra các trang trại chăn nuôi bên ngoài, để cải thiện môi trường chăn nuôi ở Việt Nam; hướng tới một ngành chăn nuôi hiệu quả, an toàn và bền vững.
Không chỉ đam mê nghiên cứu, thầy Tùng còn âm thầm xây dựng một câu lạc bộ nghiên cứu khoa học và học thuật cho sinh viên; giúp sinh viên cọ xát thực tế, nâng cao chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Nhà khoa học tâm huyết với ngành chăn nuôi này cũng rất “máu mê” với chuyện viết lách, PGS.TS Chế Minh Tùng còn là phó tổng biên tập Tạp chí Nông nghiệp và phát triển của Trường đại học Nông Lâm TP.HCM.