Trước đó, GS. NSND Trần Bảng bị ngã, phải nhập viện cấp cứu và phẫu thuật thay khớp. Ngoài ra, ông còn sốt cao, phải nằm viện vì điều trị viêm phổi.
Sau khi GS. NSND Trần Bảng qua đời, trên trang cá nhân NSƯT Trần Lực thay ảnh đại diện màu đen để tưởng nhớ người bố quá cố. Nhiều bạn bè, anh chị em nghệ sĩ, diễn viên… cũng đã gửi lời chia buồn đến gia đình nam nghệ sĩ.
'Ông trùm' chèo Trần Bảng - bố NSƯT Trần Lực qua đời ở tuổi 97. |
GS. NSND Trần Bảng sinh năm 1926, quê ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, là con trai nhà văn Trần Tiêu và cháu gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột.
Ngay từ nhỏ ông đã say mê văn chương, kịch nghệ nước ngoài. Hai mươi tuổi, ông đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo nhiều thứ tiếng.
GS. NSND Trần Bảng là đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo. Ông được mệnh danh là ''ông trùm chèo'' bởi có công đầu phục dựng lại chèo cổ và phát triển chèo mới.
Ngoài vai trò đạo diễn, ông còn chấp bút nhiều kịch bản chèo như: Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng, Chuyện tình 80 năm, Máu chúng ta đã chảy..
Bên cạnh đó, GS. NSND Trần Bảng còn viết một số sách nghiên cứu về chèo như: Khái luận về chèo, Kỹ thuật biểu diễn chèo, Chèo - Một hiện tượng sân khấu dân tộc...
Khi sinh thời, ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa 1 (1957).
Những đóng góp của GS. NSND Trần Bảng đã được đông đảo khán giả ghi nhận. Năm 1993, ông được phong hàm Giáo sư và danh hiệu NSND. Bên cạnh đó, GS. NSND Trần Bảng vinh dự được Nhà nước trao tặng: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 5 (2017).