Thắp sáng ước mơ
Con đường ngoằn nghèo dẫn vào lớp học của ông Đặng Tiến Dũng xóm 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê chạy dưới những tán cây xanh cổ thụ. Căn nhà cấp 4 đơn sơ giữa đồi núi chỉ rộng 30m2 với những bộ bàn ghế cũ và bục giảng đặt ở góc nhà. “Học sinh tôi nhiều lắm, từ lớp 2 cho đến ôn thi đại học. Bọn chúng ở gần có, xa có. Đứa xa thì ở lại ăn, ngủ trong nhà luôn. Trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ mình dạy học nhưng giờ thì không thể rời bỏ được, vắng học trò một hôm là nhớ lắm!” - đó là câu chuyện chào khách đầu tiên ông Dũng muốn truyền đạt.
25 năm qua, lớp học của ông luôn duy trì và lan đến nhiều nơi của vùng sơn cước. Học không được, thi không đậu, muốn đậu đại học, phụ huynh 3 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang đều cho con đến với lớp học tại nhà của ông. Mang tiếng là dạy học sinh, nhưng chưa một lần được gọi bằng thầy, bởi ông không cho phép trò mình gọi ông bằng thầy, mà chỉ xưng bằng ông. “Tôi chỉ mới học lớp 9 và chưa có bằng cấp ba, không có nghiệp vụ sư phạm, tôi chỉ là người dạy theo sở thích và tâm huyết, tôi truyền sự ham học đến với các bạn trẻ”, ông Dũng lập luận.
Bên cốc nước chè xanh, ông Dũng ngược về năm tháng trước đây bằng những câu chuyện. Ông sinh năm 1957. Khi sinh ra, ông cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lên 5 tuổi, sau một trận sốt, ông bị liệt một chân. Bố mẹ tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho ông nhưng không được. Do vậy, từ nhỏ, ông không thể tự đến trường như bạn bè mà phải nhờ bố (mẹ) cõng.
Tuy khuyết tật nhưng ông Dũng ham học và học giỏi. Nhưng học hết lớp 9 ông phải nghỉ học. Ông Dũng nhớ lại: “Nghỉ học dở chừng nhưng nhờ biết chữ, lại tính toán nhanh nhẹn nên tôi được xã mời lên làm cán bộ đoàn và công tác thống kê. Làm được một thời gian, huyện lại điều lên làm đo đạc cho huyện. Xong dự án, về làm bưu điện xã”. Thấy chàng trai hiền lành, tháo vát, một cán bộ cùng cơ quan giới thiệu cô em gái Phạm Thị Hồng cho ông Dũng. Cuối năm đó họ làm đám cưới. Một năm sau, đôi vợ chồng trẻ có đứa con gái đầu lòng Đặng Thị Ngọc Hà. Niềm vui cứ thế nhân lên thêm 3 lần nữa với những đứa con ngoan hiền.
“Thời đó, nghèo khổ nhưng 4 đứa con tôi, đứa nào cũng ham học. Đêm nào, mấy bố con cũng chong đèn học cùng nhau, cái gì chúng không hiểu tôi hướng dẫn. Nhờ thế, đứa nào cũng học tốt. Nhiều người thấy thế nên gửi con đến nhờ kèm hộ. Họ gửi đứa nào, tôi nhận đứa đó. Kèm cặp con mình học thế nào thì tôi dạy cho con họ như thế. Đứa nào đến học cũng đều tiến bộ”, ông Dũng kể.
“Cho đến năm 1994, có 3 học sinh lớp 9 thi không đỗ cấp 3 đã tìm đến xưởng gỗ của tôi học nghề. Nhìn ba cậu nhóc, tôi ân cần khuyên, các con muốn học nghề, trước hết phải học lên cấp 3, không được bỏ học. Chúng gật đầu đồng ý. Sau đó cả 3 đứa đều đậu cấp 3 với số điểm khá cao rồi dần học lên đại học. Duyên nghề của tôi bắt đầu từ đó” – ông Dũng chia sẻ.
Sau thành công của lứa học trò thi chuyển cấp đầu tiên, lại có thêm những đứa trẻ trong làng, trong xã thi lên cấp 3, ôn thi đại học tìm đến ông. “Hữu xạ tự nhiên hương”, ông không mở lớp, không mời chào nhưng kể từ đó, rất nhiều phụ huynh tìm đến gửi con cho ông. Muốn ông chuyên tâm cho việc dạy học nên có bao nhiêu sào ruộng họ thay nhau đến cấy cày và gặt hái.
Không nhận là thầy!
Ở lớp học của ông Dũng, học sinh nhiều lứa tuổi, từ lớp 2 đến ôn thi chuyển cấp và đại học. Mỗi ngày, có hàng chục học sinh ngồi học ở nhà ông. Ông không phân lớp mà phân loại học sinh theo trình độ để kèm cặp. Riêng ôn thi cuối cấp, ông dạy 3 ca/3 lớp/ngày. Học sinh ở xa, ông cho ở lại nhà. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, ông không thu học phí.
Ngoài lớp học ở nhà, ông còn có lớp học ở thị trấn Hương Khê với hơn 20 học sinh. Lớp này được dạy tại gia đình một em, phụ huynh chuẩn bị đầy đủ bàn, bảng cho thầy. Lúc rảnh, ông lại chạy xe máy hoặc đón xe buýt một mình lên dạy các em. Ở lớp học này, người dạy và người học như bạn bè. Họ vui vẻ, thoải mái với nhau đến kỳ lạ, không lúc nào ngớt tiếng cười.
Theo ông Dũng, phương pháp tốt nhất là tự học, để các em học với nhau trước khi mình tham gia. Ông đã biến lớp học nhỏ của mình thành sân chơi cho các em tự tìm kiến thức. “Không phải ngẫu nhiên mà hàng nghìn học sinh theo học. Trong mọi vấn đề, điều cốt lõi là đi đúng trọng tâm, đặc biệt là giữa người thầy và học trò phải gần gũi, xem nhau như bạn, việc học sẽ dễ dàng hơn”, ông giáo làng nói về phương pháp của mình.
Đến thời điểm này đã có hàng trăm học sinh được ông kèm cặp đậu vào các trường đại học. Em Hồ Sỹ Hào, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh chia sẻ: Ông tạo được môi trường học tập tốt, vừa học thầy, vừa học bạn, mang tính chất trao đổi, cùng khám phá nên rất thích thú. Vì nhà xa nên nhiều hôm em ở lại ăn, ngủ ở nhà ông luôn. Năm ấy, em thi chuyển cấp đạt kết quả cao, được vào lớp chọn. Sau này em thi vào Học viện Công an không đạt kết quả, em cũng đã trở lại tìm ông. Em vừa hỏi bài nhưng quan trọng hơn là em tìm môi trường để học. Học ở nhà ông em cảm thấy có thêm động lực và quyết tâm. Sau đó, em đã đỗ vào Học viện Công an nhân dân”.
Hiện tại, ông Dũng có khoảng 200 học sinh đang theo học. Với ông, dạy học đã thành nghiệp rồi, không dứt được nữa.