Danh tiếng của Oklahoma trong lĩnh vực ẩm thực nổi lên từ năm 2007 khi tạp chí Fortune tuyên bố đây là thủ phủ của đồ ăn nhanh tại Mỹ với số lượng người tiêu thụ hamburger và đùi gà cao nhất.
Do đó, Oklahoma hẳn nhiên không phải là cái tên mà mọi người nghĩ tới đầu tiên khi muốn thưởng thức những món ăn "chậm" như phở Việt Nam.
Gọi là đồ ăn "chậm" bởi nước dùng của món phở được ninh từ xương bò suốt 1 giờ và công việc chính của người đầu bếp là canh chừng để hớt bỏ phần chất béo trong nước.
"Sạch" là từ được nghe nhiều nhất khi mô tả về những món ăn trong khu người Việt sôi động ở Oklahoma. Theo Smithsonian, tại đây có một khu ẩm thực châu Á gồm 20 tòa nhà với ít nhất 30 nhà hàng Việt.
"Mỗi tuần mẹ tôi lại làm một mẻ phở mới. - Vi Le ở nhà hàng Mr. Phở nằm ngay trung tâm khu ẩm thực kể - Công việc này rất lâu. Bạn phải ninh xương, vớt chất béo, rồi lại tiếp tục ninh.
Nhưng sau khi đã gạn được nước dùng thật trong, bạn bắt đầu thêm cách nguyên liệu vào, từng thứ một, mỗi thứ có hương vị riêng của nó. Đầu tiên là bánh phở, sau đó là thịt bò thái mỏng rồi đến rau thơm, chanh, rồi tương ớt. Các hương vị xếp thành tầng, giống như món mỳ ý vậy".
"Mọi nguyên liệu có trong đó đều rất dễ nhận ra" - Mai McCoy, cùng nhà hàng, nói thêm. Cả Mai và Vi đều sang Mỹ từ khi còn bé.
Vuong Nguyen, một đầu bếp trẻ người Việt tiếng tăm bậc nhất thành phố, cũng khẳng định tương tự: "Phải ăn từng thứ một. Không hòa lẫn chúng với nhau trong cùng một bát".
Món phở có mặt tại nhiều cửa hàng Việt Nam ở Oklahoma. Ảnh: Yelp |
Cộng đồng người Việt Nam có mặt ở Oklahoma từ 40 năm trước và hiện nay thế hệ thứ hai, thứ ba của họ đã gây dựng được cuộc sống tương đối ổn định và khá giả.
Từ một cửa hàng với vài kệ bán mỳ gói châu Á, nay siêu thị Super Cao Nguyen của đôi vợ chồng Tri Luong và Kim Quach đã trở thành một siêu thị châu Á lớn, tấp nập cả ngày và đông nghẹt vào dịp cuối tuần với lượng khách hàng nói ít nhất 20 ngôn ngữ khác nhau từ trong và ngoài bang đến mua sắm.
Hai Luong - Con trai của ông Tri Luong - giải thích rằng cha mình đã thêm từ "Super" vào trước từ Cao Nguyên sau khi thấy tên của các siêu thị bán lẻ tiếng tăm khác như Super Walmart và Super Target.
"Có những người vào đây và rơi nước mắt vì tìm thấy một sản phẩm từ quê nhà mà họ đã không được thấy nó suốt nhiều năm", Hai nói.
Quầy bánh trong siêu thị cho ra lò một nghìn chiếc mỗi ngày. Chỉ 3 USD là khách hàng có một chiếc bánh mỳ gồm chả lụa, giăm bông, phô mai, pate, rau củ. "Ở Việt Nam, đồ ăn phải dễ dàng vận chuyển. Đó là cách bánh mỳ ra đời" - Remy Luong, con út của ông Tri Luong, nói.
Khách hàng đến Super Cao Nguyen còn có thể tìm thấy trứng vịt lộn, nước chanh leo hay cá trâu, một loại cá lớn ở Mỹ.
"Chúng tôi có 55.000 mặt hàng và từ anh em đến cha mẹ tôi tất cả đều cố gắng. Chúng tôi đều là những người đam mê ẩm thực. Chúng tôi ăn, ngủ, mơ đều về đồ ăn", Remy nói.
"Khi bố mẹ tôi đến nơi ở đầu tiên tại Fort Smith, bang Arkansas, nhà cửa gần như dột nát. Cha tôi sáng đi tách vỏ hàu còn đêm làm trong nhà máy gà.
Sự chăm chỉ làm lụng đã giúp họ mở được một cửa hàng nhỏ ở đó và cuối cùng là mua một siêu thị ở Oklahoma", Remy nói. Anh, Hai, anh trai là Ba Luong và cha mẹ họ cùng quản lý siêu thị này.
"Mẹ tôi vẫn phụ trách về nông sản" - Hai kể và thêm rằng một số thứ như mướp đắng hay tía tô do các phụ nữ trong vùng tự trồng. "Việc nghỉ ngơi không có trong DNA của cha mẹ tôi".
Ở nhà hàng Lido bên cạnh, khách hàng có thể thưởng thức bún bò Huế, đùi ếch sốt và thịt lợn kho nước dừa. Lido là nhà hàng Việt đầu tiên có thực đơn bằng tiếng Anh trong khu người Á này nhưng Remy cho hay hiện vào bất kỳ nhà hàng nào, khách cũng có thể được ăn phở ngon.
"Ở Oklahoma, các bạn không bao giờ gọi đủ thức ăn", Remy nói. "Ở đây có ba thứ mang mọi người lại gần với nhau: bóng đá, thức ăn và gia đình".
"Gia đình gần như là hơi thở đối với tôi" - Vi Le nói. Khi chồng Vi, một người đàn ông Kavkaz, tán tỉnh cô, anh đã chiếm được tình cảm của gia đình người Việt này nhờ thích ăn các món mà mẹ cô nấu. Lễ cưới của họ là một bữa tiệc tối gồm 10 món ăn Việt Nam, trong đó có vịt và cơm chiên.
Bên trong siêu thị Super Cao Nguyen. Ảnh: Smithsonian |
Vi, tư vấn viên của một hệ thống bệnh viện lớn, cho hay đối với cha mẹ cô, tự mình kiếm ra tiền và có một công việc không phụ thuộc vào bất kỳ ai là một điều tuyệt vời. "Cha tôi luôn như thế. Kiếm được một đôla thì tiết kiệm 70 xu" - Cô nói.
Có thể vì từng trải qua cuộc sống cơ hàn nên người Việt ở Oklahoma đã vươn lên và thành công tại quê hương mới của họ. Ban Nguyen, chủ một chuỗi quán ăn sáng, đến Oklahoma 5 năm sau khi đặt chân tới Mỹ với vốn tiếng Anh bằng không.
"Tôi nghĩ tôi giống người Mỹ hơn người Việt, giống người Oklahoma hơn bất kỳ nơi nào khác. Nhưng đầu tôi vẫn suy nghĩ bằng tiếng Việt, và tất nhiên, cả về ẩm thực.
Các con tôi thi thoảng khó chịu vì tôi muốn ra ngoài ăn món Á trong khi chúng thích ăn Cheesecake Factory hay một nhãn hiệu lớn nào đó của Mỹ" - Anh nói.
Nhiều người Việt dù thuộc thế hệ thứ hai, sinh ra ở Mỹ, bày tỏ nỗi lo sợ rằng con cái họ sẽ không thấu hiểu được những hy sinh của cha mẹ chúng để có được cuộc sống như hôm nay.
"Tôi sợ chúng sẽ không thích đồ ăn Việt. Con trai 6 tuổi của tôi sẽ ăn huyết còn con trai hai tuổi thì xị mặt khi ăn phở" - Mai kể.
"Thế hệ này không thích ăn phở lắm" - Vuong Nguyen, đầu bếp, chủ nhà hàng châu Á trong khu vực, nói.
Vuong lớn lên với bà. "Tất cả những gì bà tôi làm là nấu ăn. Bà nấu suốt ngày. Sáng sớm bà thức dậy và làm cá. Khi tôi dậy thì bữa sáng đã bày sẵn. Khi tôi ăn sáng, bà lại hỏi tôi muốn bữa trưa ăn gì" - Nguyen kể.
Anh sớm học được bí quyết nấu ăn từ bà và thêm hai năm rưỡi học nghề tại một nhà hàng nổi tiếng trước khi trở thành đầu bếp. Anh sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại để tạo ra các món ăn truyền thống của Việt Nam.
Năm ngoái, Nguyen đã khai trương cửa hàng riêng ở ngay phía bắc khu ẩm thực châu Á. Tuy nhiên, anh sẽ không ở Oklahoma lâu nữa mà dự kiến mở rộng hoạt động của mình và một trong những điểm dừng đầu tiên sẽ là Việt Nam