Theo Smithsonianmag, tuổi thọ trung bình của con người ngày càng tăng nhờ vào y học hiện đại, dinh dưỡng thực phẩm và những cải tiến khác. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí ngày một trầm trọng, đặc biệt ở các nước châu Phi và châu Á, cướp đi thời gian sống của con người từ 1,5 năm đến nhiều năm.
Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch và các chất phát thải khí nhà kính. |
Nghiên cứu tiến hành trên 42 quốc gia cho thấy tuổi thọ con người giảm 1-2 năm do hít các phân tử bụi bị ô nhiễm. Tại Mỹ, hạt phân tử bụi ảnh hưởng đến 4 tháng tuổi thọ con người. Ở Bangladesh và Ai Cập, nơi lượng ô nhiễm cao hơn nhiều, các phân tử bụi lấy đi 1,8 năm tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Kỹ thuật Cockrell tại Đại học Texas, Austin, đã thu thập dữ liệu và nghiên cứu toàn bộ hạt bụi mịn rất nhỏ, nhỏ hơn 30 lần so với chiều rộng của tóc người, tồn tại trong không khí. Họ kiểm tra mức độ phơi nhiễm của những hạt này ở 185 quốc gia, sau đó tính toán tác động của ô nhiễm lên tuổi thọ. Kết quả cho thấy 90.000 người Mỹ và 1,1 triệu người Ấn Độ chết sớm hơn một năm do ô nhiễm không khí. Ngoài ra, các hạt bụi này tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí. Con người hít sâu hạt bụi vào phổi sẽ làm tăng tỷ lệ đột quỵ, đau tim, các bệnh về hô hấp.
Vì thế, nhiều nước chú trọng đến biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Các nhà nghiên cứu tính toán số lượng người sống thọ nếu hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm. Cụ thể, Ai Cập nếu cải thiện được các vùng đất bị ô nhiễm, trung bình tuổi thọ con người thêm 1,3 năm. Tại châu Á, nếu hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, con người có thể sống thọ hơn 1-1,5 năm.
Theo NewYork Times, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường là từ nhiên liệu hóa thạch và các chất phát thải khí nhà kính. Con người nên chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ. Đây cũng là một trong những cách giải quyết biến đổi khí hậu, giúp con người sống khỏe mạnh và lâu dài.