Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ bằng văn hóa đọc

GD&TĐ - Có một thực tế là bấy lâu dư luận xã hội nhiều lần lên tiếng về tình trạng giới trẻ ngày càng tỏ ra thờ ơ, lãnh cảm với việc đọc sách, khiến cho văn hóa đọc đứng trước nguy cơ mai một. 

Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ bằng văn hóa đọc

Điều đáng nói nữa là mặc dù đã có nhiều giải pháp, thế nhưng dường như cái khoảng trống văn hóa đọc của giới trẻ vẫn là khoảng cách lớn đang rất cần sự chung tay lấp đầy để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

Sách nhiều mà vẫn thiếu

Đúng là không thể phủ nhận rằng, chưa bao giờ trên thị trường sách cho trẻ em lại phong phú như hiện nay. Cùng với phụ huynh, giáo viên là đối tượng có ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa đọc của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, cả hai đối tượng này đều không có sự quan tâm đúng mức tới việc đọc sách của các em.

Theo kết quả điều tra mới đây của Trung tâm văn học trẻ em, có tới 80% giáo viên không còn đọc sách thiếu nhi khi họ đã trở thành người lớn; có tới 72% giáo viên tiểu học và THCS thừa nhận họ hầu như không gợi ý cho học sinh của mình nên đọc sách gì ngoài những tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường, cách lựa chọn một cuốn sách hay hoặc cách đọc sách... 79% phụ huynh không cùng đọc sách với con… Vì thế, họ cũng không biết con em mình đang đọc và quan tâm tới sách gì.

Bên cạnh đó, trẻ em hiện nay có quá ít thời gian để đọc sách. Ngoài thời gian học tập ở trường, hầu hết các em đều phải lao vào học thêm lớp này, đến lớp khác. Có nhiều gia đình, vì mong muốn con cái được “đổi đời” nên họ đã dồn lên tất cả áp lực học hành vào đầu trẻ.

Một lý do không thể không nói tới, đó là những hoạt động xã hội kích thích việc đọc sách của trẻ em hiện nay chưa được chú ý thỏa đáng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự lấn át ồ ạt của nhiều nguồn giải trí khác nhau đã dẫn tới “nguồn giải trí” từ văn học không còn chiếm ưu thế nữa. Dường như văn hóa nghe - nhìn đang có nguy cơ lấn dần văn hóa đọc.

Cần giữ “lửa” tình yêu với sách để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Có thể nói “văn hóa đọc” đang đứng trước nguy cơ bị mai một, bởi chính những khoảng trống, lỗ hổng trên. Vì thế để giữ “lửa” tình yêu với sách cho trẻ em, công việc vô cùng cần thiết lúc này phải lấp đầy chính những khoảng trống ấy bằng sự chấn chỉnh nghiêm khắc, kịp thời của các cơ quan chức năng trong hoạt động xuất bản để mang lại cho trẻ thơ những cuốn sách bổ ích.

Cùng với đó là sự quan tâm từ chính những người viết sách, làm sách cho thiếu nhi để tạo ra những tác phẩm lôi cuốn tuổi thơ. Nhất là khi mà khoa học, công nghệ ngày càng phát triển thì việc truyền “lửa” đam mê đọc sách càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời cũng nhằm tôn vinh giá trị của sách trong đời sống xã hội và tôn vinh người đọc, người sáng tác, sưu tầm, lưu trữ... Đây thực sự là động lực, là nền tảng hết sức quan trọng trong việc định hướng văn hóa đọc cho tương lai của đất nước.

Hy vọng rằng bằng tinh thần cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội chúng ta sẽ nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống trong văn hóa đọc của giới trẻ và khơi dậy niềm đam mê thói quen đọc sách, giúp thế hệ trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách, nhằm gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa của nhân loại, tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ