(GD&TĐ) - Sắp bước sang tuổi 70, NSƯT Kim Cúc vẫn nhanh nhẹn, giọng nói vẫn như có lửa ở bên trong, vẫn nhiệt huyết khi nói về nghề. Những khán thính giả thân thuộc của Đài tiếng nói Việt Nam đều biết đến Kim Cúc qua chương trình Đọc truyện đêm khuya. Nhưng có một điều mà không phải ai cũng biết bà cũng chính là một trong hai phát thanh viên có vinh dự đọc Bản tin chiến thắng đầu tiên trong ngày lịch sử 30 tháng 4 trọng đại của đất nước.
Duyên nghiệp với nghề phát thanh
Duyên cớ nào mà một cô gái quê gốc Nam Định lại gắn bó với Đài tiếng nói Việt Nam? Bà cười hồn hậu và nhớ lại: Hồi nhỏ Kim Cúc vốn rất mê văn chương và may mắn có chất giọng khá truyền cảm cảm nên ngay từ hồi lớp 10 (bây giờ là lớp 12) cô nữ sinh đã được mời tham gia cộng tác với Đài phát thanh Nam Định. Rồi “Có những lần theo bố lên Hà Nội, đi qua Quán Sứ, bố đều chỉ: đây là Đài tiếng nói Việt Nam con ạ. Lúc đó tôi đã mơ màng tự hỏi, bao giờ mình được bước chân vào đây nhỉ? Rồi những ngày tháng chăm mẹ tại Bệnh viện Việt Đức ngó nhìn thấy cơ quan Đài tiếng nói Việt Nam cạnh đó tôi vẫn nuôi ước ao của mình…”.
NSƯT Kim Cúc |
Sau khi học hết phổ thông lúc bấy giờ vì nhiều lý do mà Kim Cúc không được học ở trường ĐHSP mà đáng lẽ ra cô đã được theo học. Vốn có năng khiếu biểu diễn nghệ thuật nên Kim Cúc tham gia đoàn văn công Hữu Ngạn và sau này là Đoàn văn công Liên khu Ba. Những ngày tháng ấy là thời gian cô được hát, được múa, được đóng kịch phục vụ các đơn vị bộ đội, gian nan nhưng thật vui bởi được cống hiến ngoài chiến trường. Vì có chất giọng truyền cảm nên mỗi sáng Kim Cúc đều được phân công đọc báo cho cả đơn vị cùng nghe và cô rất hào hứng với nhiệm vụ này. Đến năm 1967, khi đang chuẩn bị tiết mục chuẩn bị lên đường đi phục vụ cho các chiến sĩ đường 9 Nam Lào thì Kim Cúc được gọi đi đọc một bản tin chiến thắng cho quân đội trên phòng thu của Đài tiếng nói Việt Nam. Sau này khi ước mơ thuở nhỏ đã trở thành sự thực Kim Cúc mới biết lần đọc tin đó là thử thách để mình có thể trở thành phát thanh viên của Đài tiếng nói Việt Nam. Cô diễn viên đoàn văn công có ngờ đâu rằng, cái tin chỉ kéo dài chừng 1 phút ấy đã thay đổi cuộc đời mình khiến ước mơ từ thuở nhỏ của cô thành sự thật.
Một ngày sau khi lên đài đọc bản tin, Kim Cúc được cấp trên yêu cầu bàn giao lại công việc tại đoàn văn công và nhận nhiệm vụ mới. “Kể từ đó tôi gắn bó với công việc tại phòng thu, đều đặn suốt cả thời gian dài lọc cọc đạp xe từ năm giờ sáng, cần mẫn làm việc cho tới tận tối. Có những lần có công việc đột xuất phát thanh viên phải làm việc tới sáng. Dù vất vả nhưng tất cả mọi người đều hăng say để thi đua với tiền tuyến”.
Vinh dự đọc bản tin chiến thắng đầu tiên
Bà chính là một trong hai người đọc bản tin chiến thắng 30/4/1975 đầu tiên trong những giờ phút thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Bà hồi tưởng lại: “Ca trực hồi đó thường phân công một PTV nam và một PTV nữ, hoặc hai PTV nữ của hai miền đất nước cùng đảm đương nhiệm vụ đọc tin trên sóng phát thanh. Khi có tin chiến thắng của quân dân ta hay tin máy bay B52 bị bắn rơi ở khu vực nào chúng tôi có nhiệm vụ đọc trực tiếp xen giữa các chương trình đã thu băng sẵn. Hôm ấy, tôi và chị Kim Túy cùng ca trực. Mặc dù đến giờ phát bản tin trưa, vừa thu xong một phần băng thì anh Trần Trọng Trủy - người nhận và biên tập tin của ca trực đó quăng vội chiếc xe đạp chạy ào vào phòng reo lên: “Chiến thắng rồi! Giải phóng Sài Gòn rồi!” và dúi bản tin vào tay chúng tôi “Hai chị vào đọc đi tin chiến thắng đi!”. Hai chị em tôi ôm chầm lấy nhau sung sướng, chị Túy nói với tôi trong niềm xúc động rưng rưng: “Em ơi, thế là chị sắp được về với má chị rồi!” Rồi tôi và chị Túy chạy như bay xuống tầng hầm, nơi đặt hệ thống truyền và phát thanh trực tiếp. Hai chị em cùng nhắc nhau phải đọc thật bình tĩnh. Thường ngày tôi vẫn là người đọc trước bản tin nhưng với tin Sài Gòn giải phóng nên chị Túy là người đọc trước. Chị Túy đứng trước micro, bắt đầu cất giọng đọc. Giọng chị thật truyền cảm. Vừa đọc, chị vừa nắm chặt tay tôi không rời. Chưa bao giờ tôi thấy chị đọc truyền cảm đến thế. Khi vừa dứt bản tin, chị chuyển ngay sang để tôi đọc lần thứ hai. Tôi cũng phải nắm tay chị Túy để giữ bình tĩnh để cố gắng. Bản tin ấy chỉ ngắn chừng một phút nhưng tôi không thể quên được giây phút vô cùng hạnh phúc ấy. Tôi nhớ như in bản tin được phát đi sau 15 phút ngay khi Sài Gòn được giải phóng: Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Vào hồi 11g30, quân ta đã tiến vào giải phóng Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu, Dương Văn Minh đã phải đầu hàng vô điều kiện, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc Dinh Độc lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Bản tin ngắn ngủi mà chúng tôi cảm thấy sức nặng tới ngàn cân. Quân dân cả nước đã đợi chờ tin chiến thắng này suốt bao năm ròng. Niềm sung sướng dâng lên tột độ trong tôi thế là đất nước đã độc lập, kẻ thù đã phải khuất phục trước sức mạnh của dân tộc ta!” - Gần 40 năm sau ngày đọc bản tin ấy, khi kể lại phát thanh viên Kim Cúc vẫn bồi hồi xúc động…
NSƯT Kim Cúc (bên phải) và PTV Kim Túy cùng đọc bản tin đầu tiên trong ngày chiến thắng |
Vì sao bà không chia sẻ điều này sớm hơn, bà tâm sự: “Đối với chúng tôi đây là một công việc thường ngày của một phát thanh viên cũng giống như nhiệm vụ của một chiến sĩ trong thời chiến vậy. Khi cấp trên giao nhiệm vụ mình đều cố sắng hết sức để hoàn thành bởi vậy nó bình lặng như bao công việc khác.
Tôi kể ra điều này để muốn khẳng định rằng Đài Tiếng nói Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ tốt của mình đó là nhanh chóng, kịp thời truyền đi tin tức thông tin cho cả nước ngay sau niềm vui chiến thắng chứ không phải tới 18 h chiều ngày hôm đó bản tin mới được phát đi. Bản tin mà chúng tôi đọc đầu tiên được đọc thẳng không qua thu âm nên nhiều người trong đài cũng không biết và mọi người thường nhớ tới bản tin mà chị Tuyết Mai (một trong những giọng đọc rất hay của đài) đã đọc được thu thanh và phát lại nhiều lần trên sóng sau đó. Sau này, một số người nghe được bản tin trưa hôm đó và một số cựu chiến binh từ Nam ra Bắc có nói với tôi là họ nghe giọng nữ miền Nam và sau đó giọng Bắc là tôi đọc bản tin trên Đài TNVN, chỉ sau khi quân ta tiến vào dinh Độc Lập khoảng 15 phút. Trong tài liệu viết về sự kiện lịch sử trọng đại ngày 30/4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng ghi rõ: "Tại Tổng hành dinh, sau khi nhận tin Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện, tôi chỉ thị cho Cục Tuyên huấn thuộc Tổng Cục Chính trị điện ngay cho Thông tấn xã và Đài TNVN kịp thời loan tin thắng lợi và viết thông báo chiến thắng. Chỉ 15 phút sau, Đài đã ngừng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại những dòng tin phấn khởi mà muôn triệu con tim Việt Nam đang đón đợi: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng". Như vậy, bản tin vào trưa ngày 30/4 mới được coi là bản tin đầu tiên về chiến thắng vĩ đại này.
Hơn 45 năm gắn bó với nghề, NSƯT Kim Cúc vẫn vẹn nguyên tình yêu với nghề. Dường như công việc thân quen mà rất đỗi giản dị đã ăn vào máu thịt của người phát thanh viên. Giờ mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn gắn bó với công việc của đài tuần hai buổi phát thanh trên sóng cùng với công việc giảng dạy cho các em sinh viên của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh về phát thanh. Với phát thanh viên Kim Cúc được làm công việc mà mình say mê chính là niềm hạnh phúc.
Châu Anh