Không đau, không ám ảnh sao được khi chứng kiến những hình ảnh tàn bạo, những cú đánh, tát, đạp lên thân thể những đứa trẻ gầy yếu, không thể tự vệ từ chính những người được phụ huynh hàng ngày vẫn gọi bằng hai chữ; giáo viên.
Nhìn hình ảnh và sự thù hận được bà Linh- một người có chuyên môn và nghiệp vụ sự phạm ném về phía những đứa trẻ gây thơ qua lưỡi dao sắc lạnh, qua những tiếng gầm thét mỗi ngày, tôi không hiểu sao bà ấy vẫn có thể niềm nở tươi cười đón và giao trẻ mỗi khi cha mẹ chúng đón về.
Áp lực, sự căng thẳng trong việc chăm sóc nuôi dạy trẻ của giáo viên mầm non là điều không ai phủ nhận. Nhưng không thể vì lý do đó để biện minh cho những hành vi và cử chỉ đậm chất bạo lực dành cho trẻ như vậy. Điều đáng lên án hơn, day dứt hơn chính là sau những nụ cười chào đón học sinh đến lớp, khi cánh cổng trường đóng lại, lớp học bỗng dưng trở thành địa ngục của trẻ.
Sự dối trá nảy mầm và hình thành ngay từ chính nơi yêu thương được gieo hạt là “cái tát”, là điều rất đau lòng với các cán bộ quản lý giáo dục. Nơi đáng lẽ những đòn roi tàn bạo trên không thể hiện hữu, thay vào đó là sự yêu thương, là các giá trị Chân- Thiện- Mỹ mới khiến ta phải trở trăn, suy nghĩ.
Bất giác, tôi nhớ đến lời người chị - cô Nguyễn Thị Thanh- nguyên tổ trưởng tổ mầm non Quận 12 từng nói: Ở môi trường giáo dục bậc mầm non này, nếu không yêu trẻ và có tâm thì đừng làm. Bởi nếu làm giáo dục chỉ vì đồng tiền, thiếu đi sự yêu thương con trẻ, không sớm thì muộn anh cũng sẽ “bán rẻ”lương tri của mình. Ngẫm thấy rất đúng.
Có lẽ, bà Linh đến với môi trường giáo dục theo con đường ấy. Vì chỉ khi bà ấy “bán rẻ” lòng nhân ái, lương tri của mình cho đồng tiền, bà mới lạnh lùng chĩa lưỡi dao sắc lạnh về phía học trò, gõ lưỡi dao thiếu lương tri của một con người lên đầu học sinh mình, ngay giữa lớp học.
Nơi đáng lẽ ra, mỗi ngày đến trường là một ngày vui của trẻ chứ không phải chịu đựng sự đọa đày về thể xác lẫn tâm hồn.
Lưỡi dao sắc lạnh cảm xúc, tình thương này sẽ là vết cắt ám ảnh lớn nơi các em |
Xã hội hóa giáo dục là một chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục. Việc huy động nguồn lực, các thành phần từ xã hội không chỉ giảm tải áp lực cho ngành, mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho phụ huynh, mà còn xây dựng được kênh giám sát chất lượng giáo dục rất tốt.
Tuy nhiên, mặt trái cùng những tồn tại của nó cũng ít nhiều mang lại những hệ lụy khi yếu tố lợi nhuận trong đầu tư giáo dục nơi ít người ngày càng lộ rõ.
Đặc biệt, khi tính lợi nhuận ấy lại thiếu một cơ chế giám sát, kiểm tra và quản lý chặt chẽ, thì những sự vụ bạo hành trẻ như Mầm Xanh sẽ vẫn còn.
Chén cơm chỉ có nước tương chan, canh chỉ có nước, bữa ăn sáng chỉ là những cọng mì nát nồng hơi mốc… Khẩu phần ăn nghèo nàn, thiếu dưỡng chất của trẻ tại lớp học có tên Mầm Xanh là minh chứng rõ ràng nhất cho kiểu làm giáo dục thiếu tình thương và cái tâm với học trò mình, khi mà con đường họ lựa chọn không vì học sinh mà vì lợi nhuận.
Ở đây tôi không bàn nhiều đến sự xuống đáy lương tri của những người được gọi là cô giáo ở chốn địa ngục mang tên Mầm Xanh. Nhưng sự rệu rã niềm tin của phụ huynh với các trường mầm non tư thục, nhóm lớp, với cô giáo mầm non sau hàng loạt sự việc bạo hành trẻ bị phanh phui là điều có thể nhìn thấy.
Trước và sau những vụ việc trẻ bị bạo hành ở các nhóm lớp tư thục, bản thân tôi đã nghe rất nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non như mình từng chia sẻ: gửi trẻ chủ yếu để họ trông con giúp mình thôi, tin gì nổi những lời nói sáo rỗng kiểu: cháu chơi ngoan, ăn giỏi của giáo viên…
Nghe phụ huynh nói, thật sự tôi rất đau lòng bởi những cố gắng không mệt mỏi của toàn ngành giáo dục suốt những năm qua trong việc xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện đã đổ sông, đổ bể.
Nhưng làm sao trách họ được khi những hành vi bạo lực với trẻ em vẫn và đang ngấm ngầm tồn tại dưới không ít mái trường tư thục. Tại buổi họp khẩn với 24 quận, huyện chiều ngày 27/11, bà Nguyễn Thị Thu- Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng phải thốt lên đầy cảm thán; Họ có phải con người hay không, có nhân tính hay không?
Câu hỏi của vị Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng là sự bức xúc của hàng triệu người sau khi xem clip bạo hành trẻ tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh. Và chắc chắn một điều, những con người ấy không có nhân tính. Bởi nếu có nhân tính, họ đã không hành xử một cách man rợ với chính học sinh của mình như vậy..
Vết thương thể xác rồi sẽ lành theo năm tháng. Nhưng sẽ ra sao khi những đứa trẻ bị bạo hành mang những tổn thương tâm lý nặng nề sau những trận đòn thù. “Vết sẹo” tâm lý ấy đến lúc nào mới được xóa nhòa nơi tiềm thức các em là câu hỏi đau đáu không lời đáp...
Lưỡi dao vô tri, sắc lạnh cảm xúc mà bà Linh hướng về học sinh của mình không chỉ là nhát cắt, cắt nát niềm tin của phụ huynh, mà nó còn là “vết cắt” ám ảnh cả một đời người. Tội ác ắt sẽ phải trả giá, nhưng ám ảnh ấy, ai sẽ là người xóa bỏ cho các em?