Tuy nhiên, tiềm năng nông nghiệp chúng ta vẫn chưa thể phát huy hết khi mà số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ có chưa đầy 1% doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực được coi là xương sống của nước nhà. Đây là số liệu vừa được công bố tại Diễn đàn “Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Bộ NN&PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức
Nhiều vướng mắc
Tại diễn đàn, đại diện Bộ NN&PTNT, một nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến không thể lấy kinh tế hộ gia đình làm hạt nhân mà phải lấy hợp tác xã (HTX), DN làm xương sống. Tuy nhiên thời gian qua, phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún. DN và HTX đều chậm phát triển, sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp.
Thực tế cho thấy, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ, năm 2014 chỉ chiếm dưới 1% (với 3.844 DN) trong tổng số DN được điều tra. Đến năm 2015, số DN nông nghiệp tiếp tục giảm xuống chỉ còn 3.640 DN. Trong khi đó, quy mô của các DN nông, lâm, thuỷ sản chủ yếu là nhỏ và vừa, chiếm hơn 96,5%, trong đó có khoảng 50% DN có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động).
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa TH True Milk cho biết: Chăn nuôi bò sữa trong nông hộ quy mô 5 - 7 con thì chất lượng sữa sẽ không đảm bảo mà phải sản xuất tập trung quy mô lớn mới cho hiệu quả. Tuy nhiên, DN muốn đầu tư vào nông nghiệp cần phải có đất để xây dựng chuồng trại, lắp đặt máy móc... nhưng việc thuê đất sản xuất rất phức tạp.
Đó là chưa kể đến quá trình cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh cùng lĩnh vực. Đó là việc DN nhập sữa bột về pha thành sữa nước để giá thành thấp hơn và quảng cáo nhập nhèm là sữa tươi làm ảnh hưởng đến uy tín của các DN làm ăn nghiêm túc. Do vậy, cả DN và NTD đều rất cần sự can thiệp của Nhà nước trong khâu minh bạch chất lượng sản phẩm. Muốn giải quyết được các bất cập trên, Nhà nước cần xây dựng chiến lược quốc gia về sản phẩm nông nghiệp và phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Cùng quan điểm với bà Hương, nhiều DN cho rằng, thực trạng hiện nay không ít nông dân được giao đất, tuy nhiên họ không muốn làm ruộng nhưng lại không muốn cho DN thuê mà để hoang. Trong khi đó, DN muốn có diện tích khoảng 100 ha phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua đất làm dự án, trong khi nguồn vốn không dư dả nên khó có điều kiện mở rộng sản xuất.
Cần cụ thể hóa chủ trương, chính sách
Theo đại diện của VCCI, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do sự thiếu vắng DN với vai trò dẫn dắt, hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm nông sản. Mặc dù, chính sách chung tạo hành lang pháp lý cho DN phát triển đã có nhưng còn nhiều bất cập. Hơn nữa, kinh doanh nông nghiệp vốn khó thu lợi nhuận cao, thời gian thu hồi vốn dài, lại đối mặt với nhiều rủi ro nên khó tạo sức hút lớn với DN. Để thực sự kéo các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần có bước đột phá, trước hết là đột phá trong thủ tục tiếp cận vốn tín dụng và các chính sách ưu đãi khác.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, cần triển khai các giải pháp như: Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, nhất là các DN liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, DN chế biến, sản xuất giống, vật tư và các DN sử dụng nhiều lao động ở nông thôn. Đặc biệt, cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển theo các nghị quyết của Chính phủ; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho DN và người dân...