Nông dân điêu đứng vì hoa rớt giá

GD&TĐ - Như những năm trước vào dịp Rằm tháng Chạp, trước và sau Tết Nguyên đán, giá hoa các loại tăng rất cao do nhu cầu tiêu dùng khiến không ít người dân “đổi đời”. 

Nông dân điêu đứng vì hoa rớt giá

Thế nhưng, năm nay giá hoa ly vẫn chỉ dao động ở mức từ 9.000 -21.000 đồng/cành tuỳ loại; hoa cúc, hoa hồng giá 1.800 - 3.000 đồng/bông, violet giá 1.800 - 2.200 đồng/cành… Đây là giá bán lẻ tại các chợ dân sinh, còn thực giá nông dân bán tại ruộng rẻ hơn nhiều, khiến nhiều nông dân trồng hoa đứng ngồi không yên...

Lỗ nặng vì... hoa ly

Những ngày này đến thăm vựa hoa lớn nhất của đất Hà thành (phường Tây Tựu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới cảm nhận được nỗi buồn của người trồng hoa. Những năm trước, nhiều nông dân Tây Tựu đã làm chủ được công nghệ trồng hoa ly nên chất lượng hoa đẹp, được thị trường đón nhận. Năm nay, nhiều nhà vườn nơi đây đã đầu tư loại hoa ly đỏ 7 tai, bông đại, cánh dày, hương thơm với số vốn đầu tư lên tới 200 triệu đồng tiền giống/1 sào, dự kiến bán đúng dịp Tết Nguyên đán sẽ được 70.000 đồng đến 80.000 đồng/cành.

Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, giá hoa rớt thảm hại, hiện các chủ vườn chỉ bán được hơn 20.000 - 22.000 đồng/cành, nông dân lỗ tới gần 200 triệu đồng/sào. Ông Nguyễn Khắc Cường – người trồng hoa lâu năm ở Làng Đăm vẻ mặt buồn rầu cho biết: Tết này nhiều nông dân Tây Tựu mất Tết vì lỗ tiền tỷ. Biết thua lỗ nặng, nông dân vẫn phải ăn ngủ bên ruộng hoa để chăm sóc và cắt bán.

Mặc dù đã xuống giống, 2 sào hoa ly đón Tết Nguyên đán, 2 sào hoa ly đón Rằm tháng Giêng... nhưng do thời tiết thay đổi bất thường nắng nóng dài ngày nên toàn bộ diện tích hoa đón Tết Nguyên đán của gia đình chị Nguyễn Thị Hoà ở Làng Đăm (Tây Tựu) đã nở sớm gần 1 tháng so với dự kiến. Chị Hoà cho biết: Người trồng hoa ly năm nay gặp “hạn nặng”, không chỉ chuyện hoa nở sớm do nắng nóng mà họ còn gặp “đại nạn” hơn nữa do tin đồn được loan truyền trên mạng xã hội khuyến cáo không nên thắp hương bằng hoa ly vì có nghĩa là... ly biệt và mùi hoa ly độc nên giá đột ngột giảm sâu khiến người dân đã lỗ nay lại càng thêm lỗ nặng.

Ôm từng bó ly vừa cắt từ dưới ruộng lên, chị Nguyễn Bùi Thu Thuỷ – người trồng hoa ở Thôn 3 - Tây Tựu buồn rầu nói: “Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay gia đình tôi trồng ly muộn hơn gần một tuần mà vẫn bị nở sớm. Năm ngoái còn gỡ gạc được chút ít, vì hoa chỉ nở khoảng 50% nhưng năm nay thì coi như mất Tết. Cả gần 5 sào ly tôi đang phải cắt vội để bán gỡ gạc lấy vốn. Công chăm sóc mấy tháng trời cộng với tiền phân bón coi như mất trắng”.

Phải đổi mới để thích ứng

Có thể nói, hiện diện tích trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn Hà Nội đang có khoảng 3.000ha với 50 vùng sản xuất tập trung, quy mô 20ha trở lên/vùng. Trong 5 năm trở lại đây, chủng loại hoa của thành phố cũng đã thay đổi đáng kể, trong đó diện tích trồng hoa ly, hoa hồng chất lượng cao đã đạt trên 300ha. Nhiều vùng hoa chất lượng cao, đầu tư công nghệ cho thu nhập tới cả tỷ đồng/ha.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, sản xuất hoa của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, dòng hoa cao cấp đáp ứng được 20%, còn lại vẫn phải nhập từ các tỉnh, do đó chưa thể khẳng định do phát triển ồ ạt dẫn tới rớt giá. Trồng hoa vẫn là một nghề đem lại thu nhập cao cho nông dân, hơn hẳn các loại cây trồng khác nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về thời tiết và giá cả thị trường. Trong tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường đang là trở ngại lớn cho việc phát triển trồng hoa. Muốn thích ứng với nó, không có cách nào khác, nông dân cần phải nâng cao ứng dụng công nghệ trong trồng trọt và sản xuất hoa.

Để một vùng hoa phát triển ổn định, ngoài việc tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cao vào trồng trọt và sản xuất, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng mối liên kết giữa nông dân - nhà khoa học - doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ... mới cho hiệu quả. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, Hà Nội nên khuyến khích thành lập liên minh các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất hoa chất lượng cao để các thành viên có cơ hội trao đổi, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật cũng như lên lịch sản xuất cho khớp với nhu cầu của thị trường hiện nay...

Hai năm trở lại đây, thời tiết thất thường, hoa ly cùng nhiều loại hoa khác tại làng hoa Tây Tựu và các làng hoa ngoại thành Hà Nội đều nở trước Tết đến cả tháng, khiến các hộ dân thiệt hại nặng nề. Để không lâm vào cảnh nợ nần, nhiều hộ nông dân trồng hoa chấp nhận cắt bán những luống hoa ly nở sớm, mong gỡ gạc lấy lại vốn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ