Người già có nhiều thời điểm phải hạn chế đi lại, nên phòng ngủ dành cho người già phải có thêm các chức năng sinh hoạt thông thường khác như xem ti vi, nghe đài, bàn hoặc ghế đọc sách … và nếu có phòng vệ sinh trong phòng thì càng tiện dụng. Sàn nhà tuyệt đối không thiết kế kiểu giật cấp (không chỉ trong phòng của người già, mà không giật cấp cả những khu vực sinh hoạt chung).
Phòng vệ sinh dễ gây trơn trượt nên có tay vịn gắn tường để tăng độ an toàn khi sử dụng. Cửa thông phòng có ô kính để dễ quan sát từ bên ngoài hoặc đập vỡ để mở chốt cửa bên trong khi cần thiết là một gợi ý tốt. Gỗ tự nhiên hoặc sàn laminate (gỗ công nghiệp) sẽ đem lại cảm giác ấm chân cho người già.
Đồ đạc và đồ dùng trong phòng nên cố định để tạo sự quen tay cho người già, phòng khi mất điện buổi tối hoặc phòng trường hợp ốm đau, không minh mẫn khi không có con cháu ở nhà. Đồ nội thất nên làm bằng gỗ tự nhiên, hoặc gỗ nhân tạo có vân và màu gỗ tự nhiên sẽ đem lại cảm giác gần gũi, thân thiện hơn là những vật liệu mới.
Màu sắc trong phòng chỉ nên dùng những gam màu nhẹ, trung tính, có thể dùng màu trầm nhưng phải thể hiện nét tĩnh lặng chứ không phải cảm giác u buồn. Ánh sáng trong phòng cần chiếu sáng đầy đủ tất cả các khu vực, đặc biệt lưu ý chiếu sáng lối đi và thiết kế công tắc đèn bật được cả hai vị trí: ở gần cửa vào phòng và ngay đầu giường trong tầm với tay khi nằm.
Nếu phòng có ban công, việc tạo một không gian xanh với nhiều loại cây sẽ giúp người già có thêm thú vui. Tránh bố trí cây xanh ở trong phòng, vì ban đêm cây sẽ hô hấp làm giảm lượng ô xy phòng phòng nếu cửa phòng đóng kín.
Một điểm cần lưu ý nữa, nếu trong gia đình có cả ông bà và thời gian ngủ hay thức của cả ông bà lệch nhau, thì nên bố trí ông bà nằm hai giường riêng biệt. Và nếu tách được thành hai khu vực hoặc hai phòng riêng là tốt nhất để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của nhau do lệch đồng hồ sinh học trong sinh hoạt.