Hằng tháng hai bác gửi biếu bố mẹ tôi dưới quê ít tiền, tôi biết đấy coi như là tiền công tôi đi giúp việc, nhưng hai bác không nói thế. Tôi cũng biết ơn vì thái độ này. Hai bác có bảo, tôi cứ ở lại nhà với hai bác và anh chị, đến tuổi bác gả chồng cho.
Tôi ít chữ, học hành không đến nơi đến chốn, cho nên được như thế cũng là ấm tấm thân, bố mẹ tôi rất yên tâm khi gửi tôi lên thành phố.
Ở đây tuy công việc luôn chân luôn tay, nhà có trẻ sơ sinh nên lắm việc vặt, nhưng vẫn còn sướng hơn ở quê khối. Không nắng gió, không lấm bùn, tôi thay da đổi thịt từng ngày.
Có người mới gặp tôi ở nhà bác lần đầu, vài tháng sau đã ngỡ ngàng nói trông tôi rất khác. Tôi cũng cảm nhận là như vậy. 20 tuổi, da tôi trắng, môi tôi hồng, dáng người thanh cao khỏe mạnh.
Có nhà người bạn của hai bác tôi, họ có anh con trai, 40 tuổi rồi nhưng chưa vợ. Anh ấy diện mạo không đến nỗi nào, phải cái chân thọt, đi cà nhắc.
Nghe nói anh ấy bị tai nạn giao thông từ cách đây rất lâu nên chân bị tật. Bù lại, anh ấy giỏi giang buôn bán, là người biết kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền.
Gia đình anh ấy có ý xin tôi về làm dâu. Lúc ấy tôi cũng đã 22, ở với nhà bác họ được mấy năm rồi. Con của chị họ tôi cũng đã lớn, nên hai bác hỏi ý tôi thế nào. Thân gái quê, chưa yêu ai bao giờ, nay lại có mối thành phố để ý muốn cưới nên tôi cũng ưng. Bố mẹ tôi ở quê mừng hết biết.
Thế là tôi đi làm dâu, làm vợ. Tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc hòa đồng với cách sinh hoạt của nhà chồng, bởi dù sao tôi cũng quen với thành phố được mấy năm. Gia đình nhà chồng đều làm ăn buôn bán. Cho nên khi tôi về cũng phải đỡ đần họ.
Tính tôi nhanh nhẹn, cởi mở, dễ bắt chuyện nên được cho ra trông cửa hàng. Khách ra khách vào cũng vui. Tiền hàng tôi đưa chồng hết, anh là người quản lý. Một năm sau tôi sinh con đầu lòng. Sau ấy hai năm lại sinh đứa nữa.
Nhìn ngoài thấy gia đình tôi rất hạnh phúc. Tôi cũng nghĩ số mình thế là sướng rồi. Chỉ mỗi một điều, chồng tôi vì yêu vợ quá nên rất hay ghen.
Hồi mới cưới tôi đã biết anh có tính này nhưng tình cảm vợ chồng lúc mới mẻ, còn ngọt ngào lãng mạn nên cũng dễ bỏ qua. Nhưng dần dà tôi bắt đầu thấy mệt khi cứ phải dỗ dành anh. Tôi không dỗ nữa thì anh càng tin là tôi thay lòng đổi dạ.
Anh hay khó chịu, nhắc nhở thái độ tôi với khách. Tôi chỉ hơi cười nói anh đã cho rằng thiếu chính chuyên, nhưng bán hàng mà mặt đâm lê thì ai người ta mua bán với mình.
Khổ cho tôi là đã hai con nhưng trông cứ hơ hớ, phây phây. Thực ra tôi cũng ý thức được rằng chồng hơn mình nhiều tuổi, trong khi anh đã xế chiều rồi thì tôi vẫn hừng hực sức xuân. Song vẻ ngoài là như vậy, chứ tôi chưa bao giờ để tâm chuyện chồng héo vợ tươi dù chỉ trong ý nghĩ.
Chồng lại hay tự ti vì cái chân bị tật, nên anh cứ so bì, dù không rõ ràng, nhưng anh thường nói xéo, mỉa mai, bóng gió so sánh mình với “thằng khác” rồi kết luận rằng “thế bảo sao mà cô không thích nó”.
Càng ngày thói ghen của anh càng leo thang đến độ tôi khó thở. Ở đâu làm gì tôi cũng có cảm giác đang bị anh trông chừng. Đêm đến anh hay dằn vặt, dỗi hờn tôi.
Chẳng biết nghe ai nói ra nói vào mà anh nhất định rằng tôi bớt tiền hàng cho trai, siết chặt tôi về tài chính, anh trở nên chặt chẽ trong chuyện chi tiêu đến mức tôi không còn nhận ra anh.
Tôi mệt óc đã đành, nhưng sợ nhất là thái độ ghen tuông của anh có thể làm hình ảnh tôi méo mó trong mắt hai đứa con đang mỗi ngày mỗi lớn.
Hôm trước không hiểu anh vô tình hay cố ý nhắc cho tôi nhớ về “gốc gác” của mình. Anh không quên nhấn mạnh rằng nhờ có anh mà tôi được đổi đời, cho nên tôi đừng “ăn cháo đá bát”. Tôi đau lòng lắm.
Tôi đâu có quên mình là đứa nhà quê, đúng là khi lấy anh tôi cũng nghĩ nhiều đến chuyện đổi đời, nhưng tình nghĩa vợ chồng bao năm cùng hai đứa con đã ra đời chẳng lẽ không đủ cho chúng tôi gắn bó hơn ngoài lý do vật chất?
Anh nói thế là anh coi thường tôi và tình cảm của tôi quá rồi. Chẳng lẽ tôi tỉnh lẻ, lấy chồng thành phố, ước muốn xây dựng một cuộc sống bình thường, hạnh phúc lại là sai?