“Bỗng dưng sinh bệnh”?
Cuối giờ làm việc, trong khi đồng nghiệp lục tục rời nhiệm sở về đón con hoặc chợ búa, cơm nước thì anh Nguyễn Phi Hùng (Công ty Vật liệu cách điện Hòa An) vẫn nấn ná rủ rê bạn bè tụ tập. Nhiều đồng nghiệp khen anh Hùng số hưởng, không phải cập rập lo cho gia đình… Chỉ có đám bạn thân là biết nguồn cơn vì sao anh Hùng hay vin chuyện “phải làm thêm ” để không về nhà.
Căn bệnh nói nhiều của vợ anh càng ngày càng trầm trọng từ ngày có thêm đứa con thứ hai. Hầu như ngày nào đi làm về, anh cũng không được yên tĩnh mà luôn phải nghe vợ chê trách đủ thứ chuyện.
“Trong mắt vợ, chả hiểu sao tôi cứ như đứa trẻ con, không lỗi nọ thì cũng chứng này, tật kia khiến cô ấy không bao giờ bằng lòng. Giờ cứ nhìn sắc mặt vợ mà đoán nhạc hiệu chương trình ca cẩm” .
Sau mười năm chung sống, anh Hùng ngày càng cảm thấy chán nản. Tình yêu của người đàn ông dành cho vợ chuyển dần thành sự e ngại và xa lánh. “Đến nói chuyện với vợ tôi cũng ngại, chỉ một thái độ vô tư hay nói hớ một câu là cô ấy túm lấy vặn vẹo, đả kích ngay…” - anh Hùng than thở.
Nghe chị em đồng nghiệp cùng phòng chuyện trò, bàn tán rôm rả, anh Ngô Cường (Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà) thường lỉnh ra quán cà phê ngồi. Mọi người trách anh thiếu sự hòa đồng, anh nhăn nhó: “Tại sao đàn bà thích nói thế nhỉ? Chuyện gì cũng thành chủ đề nói cả tiếng không chán. Hết chuyện ngoài đường, ngoài chợ đến chuyện công việc. Chưa xong chuyện thời trang, giá cả thị trường lại đến kể tội chồng con, mẹ chồng, anh em, bạn bè. Ngay cả đến hàng xóm nhà mình cũng chẳng bỏ qua. Nói ở công sở chưa chán hay sao mà về nhà có chút không gian yên tĩnh cũng cứ bắt chồng phải nghe?”.
Nói nhiều vì… ai?
Có phải phụ nữ nói nhiều hơn đàn ông không? Nếu câu hỏi này được đặt ra, chắc chắn sẽ có gần 100 % câu trả lời: “Đúng vậy”! Nhưng nguyên nhân nào khiến họ nói nhiều, câu trả lời không đơn giản.
Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, trước hết, phụ nữ thường là người quán xuyến mọi việc to nhỏ trong gia đình. Họ cũng không mấy lúc hài lòng với biết bao “sự cố” do chồng con gây ra. Nhắc nhở, uốn nắn mãi không được thì những lời nhẹ nhàng sẽ biến thành sự kêu ca, gắt gỏng là lẽ đương nhiên. Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, khu vực não bộ liên quan đến ngôn ngữ của giới nữ lại mạnh hơn phái nam đến 12% diện tích.
Trong khóa học “Tử huyệt ngôn từ”, chị Thanh Hòa ( Hoàn Kiếm - Hà Nội) chia sẻ: “Suốt ngày quần quật, vun vén vì chồng vì con, chẳng khác gì ô sin không lương. Thế mà hễ đề nghị chồng chia sẻ việc nhà, bàn bạc chuyện học hành của con hay chuyện này chuyện kia là chồng lờ tịt đi, chả hào hứng gì. Nhà chung, con chung mà khi cáu còn quăng vào mặt vợ: “Sao cô lắm điều thế? Cô ngừng lải nhải đi có được không? Ở nhà mà như bị đày ải... “Nghe chồng thốt ra câu gằn hắt ấy, nhiều lúc ức muốn chết...”.
“Đừng bao giờ nghĩ vợ mình phải hy sinh tất cả cho gia đình là việc đương nhiên. Nam giới nếu biết nghĩ và sống có trách nhiệm sẽ hiểu được vợ mình thay đổi nhanh chóng đến mức tiêu cực là vì gánh nặng tâm lý và áp lực do chính chồng mình gây ra. Đàn ông nếu cho rằng mình hoàn thành nghĩa vụ kiếm tiền xây nhà là đủ thì sai lầm.
Thời nay, phụ nữ cũng gánh vác công việc ngoài xã hội, cũng phải làm việc, kiếm tiền. Nếu họ phải gánh vác một mình việc xây tổ ấm, nuôi dạy con cái thì không tránh khỏi quá tải, kiệt sức. Một người ngập trong cả núi công việc không tên đòi hỏi sức lực, thời gian, tâm huyết trí tuệ của họ mà không được san sẻ thì chuyện họ bất mãn, kêu ca, bực giận, “lắm mồm” là điều tất yếu…” – chuyên gia Lê Anh Hùng - Tổ chức Trí tuệ Tự nhiên Obraha phân tích.
Chữa bệnh nói nhiều
Người phụ nữ nói nhiều hơn người con gái khi yêu vì thời đang tìm hiểu nhau hai người ít gặp nhau, người con gái cũng không có mấy vấn đề phải bộc lộ sự khó chịu, lại được cưng chiều nên họ luôn đáng yêu trong mắt đàn ông.
Khi về làm vợ, làm mẹ, nhiều ông chồng luộm thuộm, cẩu thả, không chia sẻ việc nhà, vợ phải nhắc nhở, thúc giục sẽ gây ác cảm, khó chịu cho bạn đời.
Khi có con, người phụ nữ phải dạy bảo con, nhắc đi nhắc lại để con ghi nhớ từng việc nhỏ, hình thành được nền nếp, thói quen tốt. Người mẹ là người thầy đầu tiên của con. Nói nhiều là đương nhiên. Đó là dạng thay đổi được chấp nhận.
Theo Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai - Giám đốc Công ty Tâm lý học ứng dụng (TP Hồ Chí Minh): Phụ nữ ở dạng nói nhiều theo kiểu tám chuyện thì đàn ông không thích là đúng. Phụ nữ nói từ chuyện trong nhà ra đến ngoài đường đủ mọi thứ thì rất khó được chấp nhận. Ông chồng dễ tính có yêu vợ đến đâu cũng không muốn vợ ngồi chờ mình về đến nhà để giải tỏa mọi mối quan tâm không cần thiết với mình. Sự chia sẻ này gây hiệu ứng tiêu cực cho người bạn đời.
Đưa ra lời khuyên, Chuyên gia Lý Thị Mai cho rằng: Đàn ông vốn dĩ đã không thích nói nhiều, lại càng dị ứng khi phụ nữ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện cũ, nhất là liên quan đến lỗi lầm của họ.Thế nên người vợ phải cẩn thận. Nói cái gì? Nói như thế nào và nói vào thời điểm nào để chồng hiểu mình, cảm thông, trân quý mình hơn là điều nằm trong nghệ thuật ứng xử của người vợ. Đừng để tật nói nhiều, nói những lời lẽ thách thức, coi thường mang tính sát thương làm chồng tổn thương, tức giận dẫn đến ngán ngẩm, chán ghét mình.
Chuyên gia tâm lý cũng khuyên các ông chồng có vợ “nói như cái máy” hãy nghiêm túc nhìn lại bản thân, điều chỉnh, sửa bỏ những thói quen xấu, bất lợi cho hạnh phúc gia đình (gia trưởng, hút thuốc, nghiện bia rượu, cẩu thả, bừa bãi…). Hãy cùng thể hiện trách nhiệm và tình yêu thương để người vợ không rơi vào hội chứng “lắm điều”.