Trở lại Bệnh viện T.Ư Huế lần này để tham gia chương trình tôn vinh người hiến thận tự nguyện là dịp thật đặc biệt với mẹ con anh Trần Thanh Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình). Anh Sơn là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện ghép thận tại Bệnh viện T.Ư Huế cách đây 13 năm.
Bị suy thận giai đoạn cuối, cuộc sống của anh chỉ còn tính từng tháng, từng ngày với những đợt chạy thận liên tục. Nhưng rồi tất cả đã thay đổi sau ca phẫu thuật ghép thận đầu tiên do đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên của bệnh viện trung ương Huế cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, quả thận do mẹ hiến tặng đã thay đổi cuộc đời của anh Trần Thanh Sơn.
Còn Ông Phan Xuân Thành, bệnh nhân may mắn được Bệnh viện T. Ư Huế thực hiện thành công ca ghép thận năm 2002, cho biết: “Khi bị suy thận tôi phải đi chạy thận mỗi tuần 3 lần.
Lúc đó, tôi đã rất tuyệt vọng, vì ngoài tiền phải chạy thận hàng tháng, tôi không biết mình sẽ sống được bao ngày nữa với vợ, con…
Lúc đó, tôi cũng không bao giờ nghĩ có chuyện ghép thận. Nhưng sau đó, được các bác sĩ bệnh viện cho biết sẽ triển khai chương trình ghép thận, tôi đã may mắn trở thành bệnh nhân được ghép.
Giờ đây sức khỏe tôi đã ổn định và được sống bên gia đình thân yêu của mình. Có được ngày hôm nay, tôi rất cảm ơn người đã hiến thận để tôi được sống và cảm ơn các bác sĩ đã ghép thận cho tôi….”.
Niềm vui cho những bệnh nhân cần ghép tạng
Theo ước tính, cả nước hiện có hơn 10.000 nghìn người chờ nhận thận nhưng hiện nay Việt Nam chỉ ghép được khoảng 1000 ca, chủ yếu từ người cho còn sống, một con số vô cùng ít ỏi so với nhu cầu thực tế.
Kết quả sau ghép thận hết sức tốt đẹp, bệnh nhân được cứu sống với thời gian sống kéo dài, chi phí thuốc men rẻ hơn nhiều lần so với chạy thận. Kể từ đây các bệnh nhân chạy thận rời xa giường bệnh, máy móc, mệt mỏi, thất vọng để trở về cuộc sống bình thường có thể lao động mang lại giá trị xã hội rất có ý nghĩa.
Ở các nước trên thế giới, có đến 90% số ca ghép tạng là từ người cho chết não, nhưng Việt Nam thì ngược lại, chủ yếu nguồn thận có được là từ người còn sống và cũng chủ yếu từ thân nhân người bệnh.
GS. TS Bùi Đức Phú, Anh hùng lao động, GĐ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Ghép tạng là lựa chọn cuối cùng của bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối. Ở các nước phát triển, trình độ văn hóa cao, nguồn tạng hiến chủ yếu lấy từ người chết não, còn ở nước ta chủ yếu từ người sống.
Luật hiến tạng ra đời chưa thật sự đi vào cuộc sống nên sau bao năm chỉ có 12 người chết hiên tạng. Người bệnh thì mòn mỏi suy kiệt lấy bệnh viện làm nhà, thầy thuốc thì sẳn sang cứu chữa nhưng bất lực vì không có nguồn tạng hiến. Sự chênh lệch quá lớn về cung - cầu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cò mồi mua bán tạng xuất hiện trong xã hội khá phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta.
Cho nên đã đến lúc cần có sự điều chỉnh về luật định, chính sách, chế độ nhằm đẩy mạnh chương trình tự nguyện hiến tạng khi còn đang sống, quyền cá nhân tự nguyện hiến tạng sau khi chết não.
Cần có quy định để hỗ trợ bù đắp một cách thiết thực hơn cho người hiến tạng khi còn sống, bảo đảm họ được duy trì sức khỏe và ổn định đời sống. Thực tế cho thấy người nhận được hưởng quá nhiều lợi ích, thì tại sao người cho lại chỉ được coi là làm việc thiện, trong khi họ cũng chịu rủi ro về sức khỏe; dù là có mối quan hệ huyết thống hay không huyết thống.
Đồng thời cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân cởi mở hơn với việc hiến tạng. Hiến tạng cho y học để cứu giúp những người bệnh đang phải ngày ngày chiến đấu với bệnh tật.
Lịch sử Y học Thế giới ghi nhận 2 ca ghép đầu tiên trên người được thực hiện thành công vào những năm đầu của thập niên 50 tại Bệnh viện Boston- Mỹ, do êkip Bác si J.B Merrill và ở Paris- Pháp do êkip bác sĩ J.Hamburger.
Cho đến năm 1962, với sự ra đời của thuốc chống loại thải các cơ quan ghép, đã mở đường cho hàng trăm nghìn ca ghép thận trên thế giới và Việt Nam. Ở Việt Nam, ghép thận trên người được tiến hành đầu tiên vào ngày 4/6 năm 1992 tại Học viện Quân y 103 dưới dự hỗ trợ của GS Chue Shue Lee- Chủ tịch Hội ghép tạng Đài Loan. Sau đó, tháng 12/1992 Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ghép thận, tiếp sau đó là Bệnh viện Việt Đức thực hiện giữa năm 2000.
Tại Bệnh viện T.Ư Huế sau một thời gian dài chuẩn bị chu đáo, được sự chấp thuận của Bộ Y tế và Ủy ban ghép tạng quốc gia cùng các chuyên gia ghép thận trong nước và các chuyên gia Bệnh viện ERASME-Bĩ, Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép đầu tiên vào 31/7/2001.
Từ ca ghép thận đầu tiên của anh Trần Thanh Sơn,(quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình) vào năm 2001, về sau với sự hợp tác với Bệnh viện ERASME- Bỉ trong lĩnh vực ghép tạng, cho phép bệnh viện tiếp tục triển khai ghép thận với sự hổ trợ của các chuyên gia Bỉ, đứng đầu là Gs. Luc De Pauw hỗ trợ cả về kỹ thuật lẫn phương tiện thuốc men. Các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục thực hiện ghép thận, đến nay tại Bệnh viện T.Ư Huế đã có 200 ca ghép thận.
Góp phần vào thành công chung đó, ngoài cái tâm, cái tầm của đội ngũ thầy thuốc còn phải kể đến tấm lòng của những người hiến thận, đa phần họ là thân nhân của người bệnh, nhưng cũng có những trường hợp tự nguyện hiến thận dù không cùng huyết thống.