Nở rộ thanh toán di động

Các công cụ thanh toán qua thiết bị di động sẽ giúp giao dịch mua bán nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Nở rộ thanh toán di động

Khi giao dịch dịch vụ, mua bán không còn bị bó buộc trong các cửa hàng vật lý cố định hay trên trang trực tuyến mà diễn ra mọi lúc mọi nơi (taxi, bảo hiểm. quán ăn nhanh…) thì phương thức thanh toán cũng phải ứng dụng công nghệ mới - công nghệ di động để đáp ứng.

Các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước gần đây đã liên tục ra mắt dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ trên các thiết bị smartphone, máy tính bảng tạo nên thị trường cạnh tranh sôi động.

Giải nghịch lý thanh toán thẻ

Theo ông Đỗ Văn Khôi - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ MPOS Việt Nam, tại Việt Nam có hơn 60 triệu thẻ ATM, thẻ tín dụng đã phát hành và hàng triệu thẻ tín dụng quốc tế của du khách, người nước ngoài đang giao dịch. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán thẻ hằng năm khoảng 375%.

“Tuy nhiên, thẻ ATM và các thẻ khác ở Việt Nam đang được sử dụng sai mục đích, chủ yếu để rút tiền mặt chứ chưa được dùng để thanh toán cho các giao dịch mua sắm vì thiếu các giải pháp hỗ trợ.

Theo thống kê của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, hơn 99% doanh số sử dụng thẻ ATM tại Việt Nam là giao dịch tại các máy ATM, trong đó 83% dùng để rút tiền mặt, chưa đến 17% chuyển khoản và chỉ có 0,3% thanh toán qua POS (điểm chấp nhận thẻ). 90% các giao dịch bằng thẻ đơn thuần khác là rút tiền tại máy ATM và còn lại là thanh toán qua POS” - Ông Khôi cho biết.

Mới đây, Công ty MPOS Việt Nam kết hợp với VietinBank đã ra mắt dịch vụ thanh toán di động (TTDĐ) MPOS trên smartphone và máy tính bảng trên nền Android, iOS. Đây thực chất là một máy POS nhưng kích thước nhỏ bằng bao thuốc lá và có thể kết nối với thiết bị di động để thực hiện thanh toán.

Người mua hàng thì chỉ cần đưa thẻ ATM, Visa, MasterCard… vào MPOS để thanh toán. Người mua ký tên lên màn hình ảo của thiết bị di động và cung cấp địa chỉ email để nhận hóa đơn điện tử. Bên cạnh MPOS thì gần đây cũng xuất hiện các loại “ví di động” như ví MoMo.

Đây là một ứng dụng di động hoạt động trên smartphone chạy Android, iOS và có thể giúp khách hàng thanh toán mua hàng, dịch vụ ngay từ smartphone một cách nhanh chóng mà không cần dùng tiền mặt hay thẻ tín dụng. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng, cài đặt, sử dụng chính số điện thoại của mình làm tài khoản giao dịch.

Người dùng có thể chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví hay nạp tiền từ các điểm giao dịch vào ví MoMo để sử dụng. MoMo biến chiếc điện thoại thành một chiếc “ví” thật sự để người dùng thanh toán mua hàng, dịch vụ.

Ví điện tử này cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích: thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, ĐTDĐ trả sau, mua mã thẻ ĐTDĐ trả trước, các giao dịch bán lẻ… Ngoài ra, thị trường cũng có nhiều ví di động hoạt động tương tự: ViMo, SohaPay Mobile…

Phù hợp mua bán nhỏ

Ông Phạm Văn Khoa - Phó Giám đốc khối bán lẻ kiêm Giám đốc Trung tâm Thẻ VietinBank, cho biết: “Dịch vụ TTDĐ rất phù hợp cho các hộ, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ do quy trình thanh toán nhanh và có thể triển khai rộng do hoạt động trên thiết bị di động phổ biến. Sản phẩm này sẽ giúp tiết giảm nhiều chi phí cho cơ sở kinh doanh nhỏ, đơn vị cung cấp cũng như ngân hàng so với máy POS truyền thống”.

Chị Võ Thanh Tuyền - Chủ một shop thời trang tại chợ Bến Thành (TPHCM) - cho biết: “Qua sử dụng thử (demo), dịch vụ TTDĐ rất tiện lợi cho tiểu thương. Chi phí sắm máy chỉ bằng 1/5 so với máy POS (từ 5 - 10 triệu đồng/máy), có thể sử dụng điện thoại có sẵn và tiện dụng cho khách hàng có thẻ ATM, thẻ Visa, MasterCard của khách du lịch quốc tế.

Dịch vụ này cũng giúp chúng tôi bán hàng từ xa, khách chỉ cần đặt hàng, chúng tôi đến giao hàng và khách hàng quẹt thẻ thanh toán qua thiết bị nhỏ gọn. Chúng tôi cũng có thể quản lý doanh thu ngay trên điện thoại”.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Di động Trực tuyến M-Service, để TTDĐ phổ biến, phát triển tốt trong thời gian tới thì cần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với công cụ thanh toán điện tử và sự vào cuộc của nhà nước phối hợp với doanh nghiệp để có chính sách truyền thông mạnh mẽ, khuyến khích (ưu đãi về thuế, giảm giá) khách hàng sử dụng dịch vụ. Cần kiên trì thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt của khách hàng.

Theo các nhà cung cấp dịch vụ, thiết bị và quy trình thanh toán phải đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp thẻ thanh toán toàn cầu (PCI-DSS), được các tổ chức thẻ quốc tế cho phép triển khai rộng rãi chức năng liên kết thẻ ngân hàng của khách hàng vào thiết bị TTDĐ nên thông tin cá nhân thẻ không lưu lại trên máy, được mã hóa hoàn toàn.

Theo NLĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...