Nỗ lực ổn định tâm dịch tại Vĩnh Phúc: Khi ngành Y “ra đòn” trúng đích

Nỗ lực ổn định tâm dịch tại Vĩnh Phúc: Khi ngành Y “ra đòn” trúng đích

Bệnh viện dã chiến có thể tiếp nhận tới 400 bệnh nhân

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến sáng 10/2, Vĩnh Phúc có 9 trường hợp dương tính với virus Corona. Trong đó, có 5 trường hợp đang được theo dõi cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Một trường hợp đang theo dõi cách ly tại TTYT huyện Bình Xuyên. Hai trường hợp được theo dõi, cách ly tại Phòng Khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên. Một trường hợp theo dõi, cách ly tại TTYT huyện Tam Đảo. Tình trạng sức khỏe của các trường hợp nói trên đều ổn định.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 54 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV và đang được cách ly, giám sát. Đồng thời 249 trường hợp có liên quan tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính với virus Corona. Hiện Vĩnh Phúc có hơn 500 trường hợp tiếp xúc gần với người dương tính với virus Corona, trên 85.000 công nhân, trên 300.000 học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV.

Chiều 10/2 thông tin với Báo GD&TĐ, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải cho biết, để ứng phó với tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính (bệnh viện dã chiến) tại thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Theo đó, bệnh viện dã chiến đặt tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh (xã Định Trung, TP Vĩnh Yên). Nơi đây, có sẵn cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu của một bệnh viện dã chiến với quy mô lớn, phục vụ yêu cầu điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đã bố trí nhân lực cho bệnh viện dã chiến trên cơ sở các tổ phản ứng nhanh. Trong đó, nòng cốt và chịu trách nhiệm vận hành là Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ghi nhận của PV, ngay trong tối 9/2 và sáng 10/2, công tác chỉ đạo thiết lập các phòng bệnh và vệ sinh môi trường xung quanh bệnh viện mới đã được triển khai gấp rút.

Ngày 10/2, khu vực cách ly với quy mô 200 người này bắt đầu tiếp nhận những trường hợp đầu tiên chuyển đến để giám sát và theo dõi sức khỏe. Những người chuyển đến khu vực cách ly sẽ được cung cấp các vật dụng cá nhân, hằng ngày ăn theo chế độ như quân nhân. Mọi chi phí đều được miễn phí theo quy định.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong trường hợp số người phải cách ly tăng lên, đơn vị sẽ tiếp tục sử dụng các dãy nhà khác của Trường Quân sự tỉnh để triển khai mở rộng khu vực cách ly (có thể đạt hơn 400 người). Cùng với đó, sẽ nghiên cứu triển khai các khu vực khác để đáp ứng nhu cầu cách ly phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Đối với tâm dịch của Vĩnh Phúc tại huyện Bình Xuyên, tỉnh yêu cầu huyện công bố ít nhất 2 số điện thoại đường dây nóng. Thực hiện cách ly đối với những người hợp có nguy cơ lây nhiễm cao. Duy trì các chốt ra vào tại xã Sơn Lôi và các khu công nghiệp. Thực hiện kiểm soát 100% các doanh nghiệp, các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Cùng với đó, tập trung làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch tại các địa phương và các cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện khoanh vùng, cách ly các ổ dịch bằng cách thành lập các chốt kiểm tra.

Bệnh viện dã chiến đặt tại xã Định Trung, TP Vĩnh Yên
Bệnh viện dã chiến đặt tại xã Định Trung, TP Vĩnh Yên 

“Cú đấm” vào tâm dịch

Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải cho biết, sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở tại Đông Anh, Hà Nội), chiều 10/2, 3 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona mới (nCoV) và được xuất viện.

Cụ thể, ba bệnh nhân được xuất viện thuộc nhóm 8 công nhân trở về từ Vũ Hán ngày 17/1 gồm bệnh nhân N.T.D (nữ, 23 tuổi), bệnh nhân T.C.P (nam, 30 tuổi), bệnh nhân V.H.L (nữ, 29 tuổi). Cả 3 đều sống tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước đó, ba bệnh nhân nhập viện với triệu chứng sốt, ho, đau mỏi người, trong đó có một bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi. Song 3 bệnh nhân đều không có tình trạng suy hô hấp. Qua quá trình điều trị, bệnh nhân tiến triển tương đối nhanh. Đến nay, sau 3 lần xét nghiệm các bệnh nhân trên được xác định âm tính với nCoV.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dựa trên nguyên tắc cơ bản và điều trị triệu chứng, nếu người bệnh có biểu hiện sốt thì tiến hành hạ sốt, đảm bảo dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ. Ngoài ra, bệnh nhân cần được theo dõi sát sự bão hòa oxy trong máu, phải có biện pháp can thiệp, nhẹ thì thở oxy, bước 2 là thở hỗ trợ, bước 3 mới thở máy. Không phải bệnh nhân nào mắc cũng thở máy.

Tính đến ngày 10/2, Việt Nam phát hiện 14 người dương tính với nCoV, gồm: 2 cha con người Trung Quốc, 6 người Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, 5 người Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV và 1 người Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán. Bằng phác đồ điều trị của Việt Nam, đã thu được những kết quả tích cực khi 6 bệnh nhân điều trị đã được xuất viện.

Trong ngày 10/2, tại cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách trong công tác phòng chống dịch bệnh nCoV, bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục làm tốt công tác tuyền thông tại cộng đồng; kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo theo đúng chỉ đạo của Trung ương, thành lập Đội cấp cứu lưu động, Đội phản ứng nhanh tại các địa phương. Cùng với đó, công khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của các đồng chí lãnh đạo trong Ban chỉ đạo, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ. Tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp nghi nhiễm, người từ vùng dịch về địa phương. Chỉ đạo phân loại 3 nhóm trong việc cách ly, gồm: Nhóm 1 – người đã mắc bệnh; Nhóm 2 - nhóm ho, sốt cao hoặc có yếu tố dịch tễ; Nhóm 3 - nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, tiếp xúc gần với người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ