Nịnh “dạo” tăng trên mạng xã hội

GD&TĐ - Theo chuyên gia, mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều người thích nịnh bởi nhu cầu sống ảo tăng cao, và có cầu ắt có cung.

Nhu cầu sống ảo khiến gia tăng trường hợp nịnh dạo trên mạng xã hội. Ảnh minh họa.
Nhu cầu sống ảo khiến gia tăng trường hợp nịnh dạo trên mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Gia tăng “nịnh dạo”

Từ xưa, ông cha ta đã có những bài học cảnh giác với những kẻ xu nịnh. Các cụ khuyên “Thuốc đắng dã tật”, “mật ngọt chết ruồi”. Thế nhưng, thói xu nịnh vẫn còn có đất phát triển vì xã hội còn những người thích nịnh. Nhận ra được bộ mặt thật của người xu nịnh không phải là khó nhưng để tránh được đường mật thì thật không dễ chút nào.

Nịnh được hiểu là một cách để lấy lòng và cầu lợi. Có nghĩa, xu nịnh là khen ngợi quá đáng chỉ cốt để làm đẹp lòng nhau, thường nhằm mục đích nào đó của bản thân. Thói xu nịnh đã có từ ngàn xưa, với muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường và gây nhiều hậu quả, hệ lụy cho xã hội.

Nịnh ngày nay được thấy rõ nhất trên mạng xã hội. Những biểu hiện của nịnh nọt không còn chất phác, thô và phô nữa, mà nó trở nên nhuần nhuyễn, khôn khéo, hiện đại, thực dụng và tinh vi hơn nhiều. Quan trọng là bởi vì nhiều người vẫn thích nghe nịnh.

Bên cạnh những mặt tích cực đáng khích lệ thì mạng xã hội cũng mang lại những hệ lụy đau lòng, biến tướng. Nó đã làm ảnh hưởng đến học tập, công việc, tính cách và tương lai của nhiều người. Dễ thấy nhất là hiện tượng khen nhau thái quá, nịnh nọt trên cộng đồng sử dụng mạng.

Theo các chuyên gia, hiện tượng sống ảo, câu like trên mạng xã hội xảy ra chủ yếu là ở người trẻ. Điều này thể hiện rõ nhất là những người thích “chụp ảnh tự sướng” rồi đăng tải lên các trang cá nhân. Sau đó, họ ngồi dán mắt vào điện thoại, máy tính để đếm xem có bao nhiêu like (thích), bao nhiêu comment (bình luận) để vui buồn theo nó.

Trên thực tế, chẳng xa lạ gì khi các bạn trẻ gặp nhau, cười đùa nhanh chóng rồi chụp, chỉnh sửa ảnh. Sau đó, mỗi người một máy để “tút tát” lại ảnh trước khi đăng Facebook hay bận trả lời các comment mà quên đi cuộc gặp gỡ với bạn bè mình.

Dần dần, sống ảo đã khiến con người trở nên xa cách nhau. Từ đó, họ thích được nghe những lời ngon ngọt trên mạng xã hội hơn những câu chuyện vui buồn của nhau.

Và chính sống ảo đã khiến nhiều người khác có thói quen “nịnh dạo”. Bởi khi người ta muốn sống ảo có nghĩa là thích được khen. Hà cớ gì mà lại chẳng khen một câu. Rồi khen nhiều lại thành thói quen khó bỏ khi giao tiếp trên mạng xã hội.

Phân biệt khen với nịnh

Không thể phủ nhận được sự tiện dụng của mạng xã hội, sự thông minh của công nghệ có thể kết nối mọi người, mọi khoảng cách. Thế nhưng, điều đó khác với sống ảo.

TS Lê Thị Thanh Thủy, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên, chuyên gia tư vấn tâm lý, cho rằng: “Sống ảo nghĩa là phô bày những gì không thuộc về mình, không sống thật với bản thân mình, đăng tải những gì mình không có hay những hình ảnh khác xa với mình ở ngoài cuộc sống.

Sống ảo giống như một sân khấu để các bạn trẻ trình diễn và cần người xem. Chính vì vậy, những lượt like hay comment là khán giả của sân khấu đó. Họ cũng chính là người đem lại cảm xúc cho những tác giả đăng tải hình ảnh sống ảo như vui khi có người khen ngợi, cáu giận khi bị chê bai, bới móc…”.

TS Lê Thị Thanh Thủy cũng cho biết thêm, việc sử dụng nút like cho thấy bạn vô tình trở thành tác nhân của việc nịnh để ai đó sống ảo. Có những điều bạn không thích, chán ghét nhưng vẫn like, vẫn dùng lời lẽ hoa mỹ để comment. Như vậy, bạn không chỉ ảo với chính cảm xúc của mình, mà còn tiếp tay cho người khác thích nghe lời nịnh nọt, đường mật. Vì vậy, việc nịnh này chính là khiến con người cùng nhau sống ảo.

Tại sao người ta lại nịnh? Trước hết, phải là có người thích nịnh. Nó giống như có cung thì ắt có cầu. Nếu nhìn ở góc độ tâm lý, ai cũng thích được người khác khen ngợi, nói tốt. Khi được khen sẽ làm tinh thần phấn chấn, cảm thấy người khác tiếp nhận được giá trị của mình. Nhất là trên mạng xã hội có bao nhiêu người.

Được khen công khai trước đám đông, có mấy ai mà không thích? Vì thế, người dùng mạng xã hội cần phân biệt rõ “nịnh” khác với “khen”.

Thói xu nịnh xưa nay, với muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường. Người xu nịnh rất giỏi ứng biến, bất kể trường hợp nào cũng nịnh được và nịnh rất hay. Một số người nghĩ rằng, chẳng mất gì nên càng “quen miệng” nói lời ngon ngọt. Từ đó, nó làm cho chính người được nịnh xao lòng, mất bản lĩnh, không đánh giá đúng bản thân mình, sinh ra chủ quan, tự mãn, dẫn đến đánh giá sai lệch người khác.

“Nhiều người thích đi nịnh nhưng có nhiều người vì sợ, ngại đi ngược với đám đông mà “nịnh hùa”. Mạng xã hội thấy rõ điều này nhất. Thấy nhiều người đã comment trước mình đều khen hết lời, chẳng lẽ mình lại vào nói đúng sự thật. Thế là người nọ nối tiếp người kia nịnh hùa, nịnh lấy được và tặc lưỡi “chả mất gì, ai cũng vui”. Như vậy khác nào thói nịnh dạo đã tạo nên một cộng đồng sử dụng mạng sống ảo” – TS Thủy chia sẻ.

Theo bà Thủy, điều này không mang đến cho chúng ta một cuộc sống tốt hơn, trái lại còn làm ta mất nhiều thời gian, dần mất đi bản chất thật sự của mình. Mạng xã hội có những lợi ích tốt như giúp chúng ta cập nhật thông tin cuộc sống, giữ kết nối với bạn bè người thân. Thế nhưng, nếu lạm dụng mạng xã hội và quá chú tâm vào chúng sẽ dần khiến người trẻ làm mất đi tuổi trẻ tươi đẹp.

Vì vậy, cha mẹ cũng nên quan tâm, đồng hành cùng con ngay cả trong việc sử dụng mạng xã hội. Thay vì kiểm soát, người lớn cần tạo môi trường tích cực cho con, giúp con thích thú với các hoạt động chung, hướng ngoại và bận rộn với những cuộc vui cùng gia đình hơn là dán mắt vào điện thoại tương tác comment.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.