Niềm khao khát ánh sáng của một gia đình nghèo

Niềm khao khát ánh sáng của một gia đình nghèo

(GD&TĐ) - Gần 40 năm sống trong bóng tối, niềm khao khát lớn nhất của anh Trần Mạnh Thư (sinh năm 1971) là khao khát ánh sáng. Khi những người thân xung quanh mình cũng đối diện với cảnh sống đó thì niềm khao khát ấy càng cháy, dữ dội trong sự hi sinh thầm lặng.

Mỗi khi đứa con gái lên 5 tuổi đi học về hỏi: Tại sao bạn bè có bố mẹ đi đón mà bố mẹ lại không đi đón con? Tại sao bố mẹ lại bị mù?... Anh Thư chỉ biết im lặng. Căn nhà cấp 4 của gia đình anh nhiều năm nay vẫn nằm lặng lẽ cuối con đường tại đội 11, xóm Trịnh Thủy, Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng, lặng lẽ như chính cuộc đời của những con người sống trong ngôi nhà đó. Vợ anh là chị Phí Thị Tuất (sinh năm 1982) cũng bị khiếm thị. 

Ôm bé Trang trong lòng, anh Thư kể tôi nghe những bất hạnh đến với gia đình anh
Ôm bé Trang trong lòng, anh Thư kể tôi nghe những bất hạnh đến với gia đình anh

Anh Thư bắt đầu câu chuyện từ những bất hạnh xẩy đến với mình. Năm lên 3 tuổi, anh lên sởi, không được chạy chữa kịp thời khiến đôi mắt của anh cứ mờ dần, mờ dần rồi không còn chút cảm giác gì với ánh sáng quanh mình. Khi đó anh còn quá nhỏ để nhận biết được khuyết tật của bản thân. Chỉ khi anh hiểu được mọi chuyện, thấy mỗi bước chân mình đi khi gặp vật cản đều vấp ngã, rồi bạn bè đi học còn mình ở nhà, đòi đi thì nhận được lời giải thích của gia đình “Không nhìn thấy gì đi học sao được”, anh Thư chỉ biết khóc và ngậm ngùi cho số phận. Gia cảnh khó khăn nên bố mẹ cũng không có điều kiện quan tâm tới đôi mắt của Thư. Năm 21 tuổi, anh vào học tại trường Thanh thiếu niên mù Hải Phòng, được đi khám mắt miễn phí cũng là lúc bác sĩ kết luận: Đôi mắt anh bị teo dây thần kinh và không còn hi vọng. 

Bệnh mẹ Thư mỗi ngày một nặng khiến kinh tế gia đình ngày càng suy kiệt. Năm 1995 bà mất. Bố anh lo nghĩ nhiều, làm việc quá sức nên cũng mắc đủ thứ bệnh, nặng nhất là viêm phổi mãn tính, ho sù sụ suốt ngày đêm. 

Không còn hi vọng về ánh sáng nhưng anh Thư lại có niềm tin vào hạnh phúc. Với đôi tay khéo léo, anh làm được mọi việc từ đan các loại chổi đót, chổi lông, tăm tre, thảm lót, võng dù thậm chí khoét sáo. Anh cùng những người bạn của mình trong trường Thanh thiếu niên mù Hải Phòng đi bán những thứ hàng đó để có thu nhập và thấy cuộc sống của mình vẫn còn ý nghĩa. Và anh Thư đã gặp chị Tuất cũng trong một lần đi bán chổi đót. 

Anh Thư cùng mẹ vợ và hai đứa con út ở quán tẩm quất anh mới mở
Anh Thư cùng mẹ vợ và hai đứa con út ở quán tẩm quất anh mới mở

Cuộc đời của cô gái Phí Thị Tuất cũng là chuỗi bi kịch. Sinh ra và lớn lên ở xóm Kim Sơn, xã Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng, Tuất sống cùng người mẹ già cũng bị mù như mình. Hai mẹ con sống tựa vào nhau với những buổi mò cua bắt ốc, rồi đi ăn xin ở đình, ở chùa. Cuộc sống chỉ có chút “khởi sắc” khi Tuất được đi học ở trường Thanh thiếu niên mù Hải Phòng và có được cho mình nghề bán chổi. 

Sau lần gặp gỡ định mệnh ấy và khi những câu chuyện cuộc đời được cả hai người chia sẻ cho nhau, tình cảm trong họ đã vượt qua giới hạn của tình bạn. Bỏ qua những suy nghĩ về tương lai những người con, họ đến với nhau để cùng vun đắp cho hạnh phúc mà nhiều năm qua cả hai cùng đi kiếm tìm. Khi Thư dẫn về ra mắt gia đình cô gái cũng bị khiếm thị như mình, cả gia đình anh như chết lặng. Họ luôn mong anh tìm được người bạn đời sáng mắt để san sẻ bớt những bất hạnh mà anh gặp phải. Nhưng… Trước những quyết tâm của anh chị, họ đành tặc lưỡi “Để chúng đến với nhau, sướng khổ tự chúng nó chịu”. 

Anh và chị đi thuê nhà nay ở chân cầu Bính, ngày mai lại ra Sở Dầu, rồi cùng nhau chống gậy đi bán chổi. Nhiều khi bị người đi đường đâm phải, những hôm va vào contenner cát dính đầy mặt và cả trong miệng, thậm chí bị lừa hết sạch tiền… nhưng anh chị vẫn dặn nhau phải vượt qua tất cả để chiến thắng số phận. Khi họ trở về bên cạnh gia đình, hình ảnh chị đẩy xe đi bán chổi trên khắp các ngả đường, anh đi làm tẩm quất thuê đã không còn xa lạ với người dân Thiên Hương.

Nhưng dường như mọi bất hạnh cứ đeo bám lấy gia đình anh. Đứa con lớn của anh chị, bé Trần Thu Trang cất tiếng khóc chào đời năm 2004 trong niềm hân hoan của cả hai bên nội ngoại nhưng khi biết tin đôi mắt của bé cũng bị hỏng thủy tinh thể cả gia đình lại một lần nữa như chết lặng. Đến nay, bé Trang mặc dù đã được thay thủy tinh thể một bên mắt nhưng đôi mắt bé vẫn chỉ nhìn được mọi xung quanh mờ mờ. Hiện tại, Trang đang học lớp 1 tại trường Thanh thiếu niên mù Hải Phòng. 

Khi Trang được một tuổi, em trai anh Thư bị mất trong tai nạn tàu. Nghĩ về những tháng ngày đã qua, anh Thư chỉ biết thở dài. Đó là cú sốc lớn với gia đình anh, trên tàu có 9 người thì em trai anh là người duy nhất thiệt mạng. Các chị gái cũng xây dựng hạnh phúc riêng của mình, trách nhiệm gia đình lại nặng gánh trên đôi vai anh. Bố anh vì lo nghĩ nhiều nên ngày càng yếu hơn. Giấy tờ chứng minh cho những năm tháng ông tham gia chiến đấu trên các chiến trường cũng mất hết nên ông sống cảnh già đơn thân mà không có được sự “quan tâm” của xã hội.

Thêm tiếng cười của hai bé Trần Kiều Anh và Trần Văn Trung, ngôi nhà cũng bớt đi phần cô quạnh nhưng cảm giác thấp thỏm vẫn luôn sống trong mọi người mặc dù đôi mắt của hai bé vẫn sáng. Những ngày này, bé Kiều Anh có những biểu hiện đau và nhức mắt. Nhưng kinh tế eo hẹp anh chị cũng chỉ biết ngậm ngùi ôm con và lòng và thầm mong phép màu sẽ mỉm cười với đứa con nhỏ.

Chia tay ngôi nhà vốn đơn sơ và nghèo nàn từ những vật dụng trong nhà, nay càng trống trải hơn khi mọi đồ vật “không cánh mà bay”, bàn ghế và bộ ấm chén trở thành vật đáng giá nhất cho bố trông coi, vợ chồng anh chị thuê địa điểm tại ngã 3 Trịnh Xá, Thủy Nguyên để mở cửa hàng tẩm quất hội người mù Minh Thư. Chị đi học thêm nghề tẩm quất để về phụ giúp chồng. Mẹ vợ cũng ra giúp hai con từ việc nấu nướng cho tới đưa đón các cháu đi học, tranh thủ lúc rảnh rỗi bà lại đẩy xe chổi đi bán. Khách ít mà tiền thuê nhà, tiền đóng học cho con vẫn phải đều đặn hàng tháng, nhiều tháng số tiền kiếm được không đủ trang trải cuộc sống, chị Tuất quyết tâm để lại hai con nhỏ ở quê, mình xin sang 57 Hàng Kênh làm thuê, vừa gần chăm sóc bé Trang vừa có thêm thu nhập. Mỗi lần con nhớ mẹ, vợ nhớ chồng, họ chỉ biết tự dằn nỗi nhớ đó vào sâu trong lòng.

Với hoàn cảnh hiện tại, anh Thư chưa bao giờ dám nghĩ về tương lai. Tương lai với anh chính là sự trưởng thành và cuộc sống bình yên trong ánh sáng sẽ đến với các con. 

Nguyễn Huệ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ