Ung thư buồng trứng là một trong các loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Tổ chức Ung thư toàn cầu dự đoán, đến năm 2035, tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân mắc loại ung thư này lên tới 67%.
Nguyên nhân của tỷ lệ tử vong cao do các dấu hiệu ung thư buồng trứng khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Mọi người rất dễ bỏ qua các triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng bởi chúng tương tự các bệnh thông thường khác hoặc chúng xuất hiện rồi lại biến mất.
Những triệu chứng quen thuộc của căn bệnh này là chảy máu âm đạo bất thường, đau bụng, táo bón, đi tiểu nhiều lần, sút cân không có lý do.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy một người có nguy cơ bị ung thư buồng trứng khi trên da đột nhiên phát triển những mảng mẩn đỏ.
Hiện tượng phát ban có thể là dấu hiệu của viêm bì cơ (một dạng bệnh tự miễn hiếm gặp, viêm chủ yếu ở da và cơ). Các nhà khoa học cho rằng bệnh này có liên hệ với ung thư buồng trứng.
Nốt phát ban thường tụ lại thành mảng và có thể tím xanh. Tình trạng đó có thể đi kèm với việc nuốt khó khăn và đau cơ.
Tất nhiên, phát ban cũng xảy ra do một số nguyên nhân khác, không nhất thiết vì ung thư. Các nốt có thể xuất hiện trên mặt, ngực, đầu gối, khuỷu tay, đốt ngón tay.
Tuy nhiên, mọi căn bệnh, đặc biệt là ung thư, sẽ được chữa trị hiệu quả nhất khi phát hiện sớm. Bởi vậy, bạn nên tư vấn bác sĩ nếu có những triệu chứng mới, bất thường.
Người phụ nữ có hai buồng trứng nằm trong khung chậu với chức năng nội tiết (sản xuất nội tiết tố progesterone, estrogen) và ngoại tiết (rụng trứng).
Các đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng là người lớn tuổi (50-60 tuổi), đột biến di truyền, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, tuổi bắt đầu kinh nguyệt sớm hoặc mãn kinh muộn.
Bệnh không lây từ người mắc ung thư sang người khỏe mạnh nhưng con cái có khả năng bị bệnh nếu mang gen đột biến di truyền của mẹ.