Những sự kiện công nghệ nổi bật nhất Việt Nam 2016

Những sự kiện công nghệ nổi bật diễn ra trong năm 2016 hứa hẹn sẽ tạo sự khác biệt lớn cho Việt Nam trong năm 2017.

Những sự kiện công nghệ nổi bật nhất Việt Nam 2016
Nhung su kien cong nghe noi bat nhat Viet Nam 2016 - Anh 1

4G rục rịch trình làng

Tháng 10/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G trên băng tần 1800 MHz cho hai nhà mạng Viettel và VNPT Vinaphone. Đây được cho là bước ngoặt mới cho internet trên các thiết bị di động, bởi 4G có tốc độ tăng lên 7-10 lần so với 3G hiện hành.

Dự kiến trong năm 2017, 4G sẽ bùng nổ và thay thế cho dịch vụ 3G hiện tại. Tuy nhiên, cách tính cước của 4G vẫn còn là tranh cãi rất lớn, bởi 4G với ưu điểm tốc độ cao, không thể tính cước theo kiểu vài trăm MB như 3G hiện tại, bởi nó sẽ nhanh chóng được sử dụng hết trong thời gian ngắn, và hơn cả là không tận dụng được ưu điểm vượt trội so với 3G.

Giới công nghệ và người dùng đang hy vọng các nhà mạng sẽ tìm ra cách tính cước 4G hợp lý, nhằm đẩy mạnh các dịch vụ internet đang phát triển mạnh hiện nay, như mạng xã hội, truyền thông đa phương tiện, livestream...

Thu hồi 10,7 triệu SIM rác

Vấn nạn SIM rác được các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, và kết quả là trong 3 tuần cao điểm cuối năm 2016, 10,7 triệu SIM rác đã được thu hồi. Các SIM rác loại này đều được kích hoạt và đăng ký sai thông tin người dùng.

Với việc quản lý SIM theo thông tin người dùng, cơ quan chức năng cũng như các nhà mạng có thể kiểm soát tốt hơn môi trường thông tin di động. Dọn dẹp SIM rác là cách hạn chế được tin nhắn rác và ngăn chặn các hành vi không tốt trong môi trường di động.

Việc dọn SIM rác trong năm 2016 có thể coi là thành công, còn lại việc quản lý để SIM rác không bùng nổ trợ lại sẽ là việc của năm 2017.

Khách hàng di động bị móc túi 230 tỷ đồng

Các dịch vụ giá trị gia tăng luôn là nỗi lo của người sử dụng điện thoại di động. Nếu tài khoản điện thoại của bạn giảm tiền bất thường, đó là bạn đã bị móc túi bởi các dịch vụ giá trị gia tăng mà không biết nó được kích hoạt khi nào.

Vụ lớn nhất trong năm 2016 là việc SAM Media bị phát hiện móc túi 230,5 tỷ đồng từ 94.000 thuê bao di động của Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile, kể từ năm 2013 tới tháng 3 năm 2016.

Phần lớn khách hàng đều không biết mình đang sử dụng các dịch vụ gia tăng và chi phí của chúng ra sao.

Sau vụ việc này, nhiều người mới sử dụng các dịch vụ của nhà mạng để dừng sử dụng các dịch vụ trên, thông qua website hoặc ứng dụng cài trên smartphone. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách này, và hàng ngày vẫn có không ít thuê bao bị hút máu vì các dịch vụ giá trị gia tăng mà không hề hay biết.

Kết thúc truyền hình analog

Những chiếc tivi có ăng-ten râu, hay những dàn ăng-ten quen thuộc trên nóc các khu tập thể, nay sẽ chỉ còn là kỷ niệm. Thời đại truyền hình analog đã kết thúc tại Việt Nam, để chuyển hoàn toàn sang truyền hình digital (kỹ thuật số).

Ngày 15/8/2016 tất cả các kênh truyền hình analog tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. HCM và Cần Thơ đã tắt sóng hoàn toàn. Tới ngày 31/12/2016 sẽ có thêm 26 tỉnh thành ngừng phát sóng truyền hình analog.

Thay vì sử dụng ăng-ten để bắt sóng như trước, người dân cần mua đầu thu kỹ thuật số mặt đất DVB-T2, hoặc mua các loại tivi có tích hợp sẵn DVB-T2 để thu sóng truyền hình số mặt đất miễn phí, với từ 26 đến 70 kênh tùy khu vực.

Thương mại điện tử bùng nổ

Năm 2016 tiếp tục là 1 năm phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam. Duy chỉ có 1 điều, các doanh nghiệp trong nước đang bị đè bẹp bởi các doanh nghiệp nước ngoài, trong sân chơi còn rất giàu tiềm năng này.

Lazada – cái tên nổi bật nhất trong làng TMĐT tại Việt Nam, thuộc sở hữu của Alibaba (Trung Quốc). Zalora thuộc về Central Group của Thái Lan. Lotte cũng đang rục rịch phát triển TMĐT tại Việt Nam.

Adayroi – sàn TMĐT của Vingroup là điểm sáng hiếm hoi, hi vọng có thể trụ lại được trước những đối thủ rất mạnh, có kinh nghiệm kể trên.

Lỗ hổng an ninh mạng

Vietnam Airlines bị tin tặc tấn công vào tháng 7/2016, là sự việc lớn nhất và cũng là lời nhắc nhở đối với an ninh mạng tại Việt Nam. Thời điểm đó, màn hình thông tin chuyến bay và cả hệ thống phát thanh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị chiếm hoàn toàn, đăng các thông tin xuyên tạc và kích động.

Website của Vietnam Airlines cũng bị tấn công, thay đổi nội dung, bị đánh cắp thông tin của hơn 400.000 thành viên Golden Lotus. Vụ tấn công được cho là bởi 1 nhóm tin tặc Trung Quốc thực hiện.

Vụ việc trên khiến cộng đồng lo ngại về khả năng bảo mật thông tin cũng như bảo vệ tài khoản ngân hàng của mình. Đến nay, các lỗ hổng an ninh mạng vẫn chưa được giải quyết triệt để, và theo cảnh báo từ các chuyên gia, phần lớn các website của Việt Nam có thể dễ dàng bị đánh hạ bởi các nhóm hacker. Năm 2017 sẽ là năm tiếp tục căng thẳng về vấn đề an ninh mạng.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ