Những người con trở thành trợ thủ đắc lực cho Tổng thống Mỹ

Lịch sử Mỹ ghi nhận 16 người con của các tổng thống Mỹ từng làm việc ở Nhà Trắng và một số người trở thành trợ thủ đắc lực của cho cha mình.

Anna Roosevelt Boettiger, con gái của Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Ảnh: LIFE.
Anna Roosevelt Boettiger, con gái của Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Ảnh: LIFE.

Jared Kushner - Con rể của Donald Trump - được bổ nhiệm làm cố vấn cấp cao cho bố vợ trong chính quyền mới. Kushner sẽ không nhận lương khi đảm nhận vị trí trong Nhà Trắng.

Trong lịch sử Mỹ có 16 người con của các tổng thống từng làm việc ở Nhà Trắng, theo thống kê của Doug Wead, cựu cố vấn của hai tổng thống George H.W. Bush và George W. Bush.

Franklin D. Roosevelt, tổng thống thứ 32 của Mỹ, bị liệt thân dưới nên các con đã dìu đỡ ông đúng theo nghĩa đen. Ông nhờ cậy sự hỗ trợ của các con trai James and Elliott tại các hội nghị quan trọng trong thời kỳ Thế chiến II, vì vậy, vợ ông có thời gian theo đuổi sự nghiệp của riêng mình.

"Hầu hết mọi người không biết ông ấy bị liệt hai chân và chừng nào còn có thể chống người bằng cánh tay khỏe mạnh của mình, mọi người thấy ông ấy dường như có thể đi" - Doris Kearns Goodwin, tác giả từng đoạt giải Pulitzer, nói.

Cây bút Olivia B. Waxman cho rằng khi Anna Roosevelt Boettiger, con gái của ông Roosevelt, dọn vào Nhà Trắng năm 1943, cô đã thực sự đảm nhiệm vị trí giống như đệ nhất phu nhân trong suốt hai năm cầm quyền cuối cùng của cha cô.

Anna đã chăm sóc sức khỏe của Tổng thống và luôn sát cánh bên ông. "Roosevelt thích tán gẫu và Anna thường xuyên trò chuyện với ông. Điều này giúp phu nhân Eleanor có thể thoải mái đi khỏi Nhà Trắng mà không cảm thấy có lỗi" - Goodwin nói.

Sự thoải mái đó giúp Eleanor trở thành "đệ nhất phu nhân quan trọng nhất trong lịch sử của đất nước" và chuyển từ vai trò có tính nghi thức của mình sang vai trò của một nhà vận động quyền dân sự.

Tuy nhiên, Anna không chỉ chủ trì các quốc yến mà còn được cho là giúp cha cô quyết định các vấn đề quốc gia đại sự.

Đầu năm 1945, ngay sau khi Roosevelt qua đời, tạp chí LIFE có bài viết về Anna kèm theo bức ảnh có dòng chú thích: "Anna Roosevelt Boettiger giúp xử lý nhiều vấn đề tối mật cho cha cô".

John Chamberlain, tác giả của bài viết, đã suy đoán chi tiết về công việc cụ thể của Anna ở Nhà Trắng. Ông kết luận rằng Anna đã thay thế vai trò của Missy LeHand - Thư ký riêng lâu năm của Tổng thống Roosevelt, người đột quỵ vào năm 1941 và qua đời vài năm sau đó. Tuy nhiên, vẫn có một số khía cạnh về công việc của Anna còn khó hiểu.

"Không có chức danh chính thức nào tại Nhà Trắng mô tả đúng công việc của Anna. Anna làm việc tại một bàn đặt trong phòng ngủ và tự đánh máy.

Cô làm việc không theo giờ giấc hành chính và không giống như em trai Jimmy, người nhận lương 10.000 USD/năm nhờ làm việc như một trong những trợ lý giấu tên của cha mình, cô không có lương" -Chamberlain viết.

Bài viết cũng đăng những bức ảnh cho thấy Anna đứng bên cạnh Tổng thống Roosevelt trong cuộc họp với các lãnh đạo nước ngoài như Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Pháp Charles de Gaulle.

Nhung nguoi con tro thanh tro thu dac luc cho tong thong My - Anh 2

Alice Roosevelt Longworth đại diện cho Tổng thống Theodore Roosevelt trong chuyến công du châu Á năm 1905. Cô được kiệu rước vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Ảnh: Harry Fowler Woods.

Alice Roosevelt Longworth, con gái của Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt đã gây nhiều sự chú ý của báo giới nhờ con rắn Emily Spinach mà cô nuôi như thú cưng và những bộ váy xanh da trời - phong cách truyền cảm hứng cho xu hướng thời trang "đầm xanh da trời Alice". Cô đã được cử làm đại diện cho tổng thống trong chuyến công du đến châu Á năm 1905.

Wead đưa ra giả thiết rằng Theodore Roosevelt đã sử dụng con gái để chuyển hướng sự chú ý, giúp các nhà ngoại giao của ông có thể lẻn khỏi tàu và yên ổn thực thi công việc.

Và điều này có tác dụng vì năm 1906, Theodore Roosevelt trở thành chính khách đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình nhờ vai trò trong việc đàm phán kết thúc Chiến tranh Nga - Nhật.

Một trường hợp khác nữa là Webb Hayes, con trai của Tổng thống Mỹ thứ 19 Rutherford B. Hayes, người được thuê làm vệ sĩ đồng thời là"cánh tay phải" cho cha mình, vị trí trên thực tế có vai trò giống như chánh văn phòng Nhà Trắng ngày nay, theo Meghan Wonderly - tác giả của cuốn sách về Webb Hayes.

John Eisenhower, con trai của Dwight Eisenhower, tổng thống thứ 34 của Mỹ, cũng làm việc với vai trò như một trợ lý ở Nhà Trắng và thường xuyên trở thành mục tiêu trút giận của cha mình, theo Joshua Kendall, tác giả của một cuốn sách về cách nuôi dạy con cái của các tổng thống Mỹ.

"Ông ấy có thể thoải mái thể hiện bản thân với John với cách ông không thể làm với những thân tín khác" - Kendall giải thích.

Một số người con của tổng thống thậm chí có văn phòng làm việc riêng tại Nhà Trắng. Wead cho biết các tổng thống né luật chống gia đình trị được ban hành năm 1967 bằng cách thiết lập một văn phòng làm việc cho con cái ở Nhà Trắng và cho họ hưởng biên chế lương từ đảng chính trị của tổng thống chứ không phải từ chính phủ.

"Tôi từng vất vả thuyết phục đưa George W. Bush (Bush con) vào làm việc ở Nhà Trắng dưới thời cầm quyền của George H. W. Bush (Bush cha) theo cách né luật đó vì tôi không biết làm sao Bush cha có thể điều hành chính phủ mà thiếu Bush con. Mọi người nghĩ rằng họ có thể trao đổi với Bush con những vấn đề mà họ không dám nói với Bush cha" - Wead tiết lộ với TIME.

Tuy nhiên, Wead cho biết cuối cùng Bush cha không chỉ không nghe lời khuyên của ông mà còn đặt ra quy tắc không cho phép chủ nghĩa gia đình trị tồn tại trong thời gian ông lãnh đạo.

Tuy nhiên, cuộc sống của con cái tổng thống không luôn tốt đẹp như mọi người hình dung. Ngay sau khi Bush cha đắc cử tổng thống năm 1988, Wead, với tư cách là cố vấn của Bush cha, đã viết một báo cáo 44 trang cho Bush con để nhắc nhở về kết cục u ám của một số người con của tổng thống.

Bản báo cáo liệt kê cụ thể về những người con của tổng thống có xu hướng sa đà rượu chè, bỏ học, nghỉ việc, hoặc bị bệnh tật, tai nạn hay chết trẻ, chẳng hạn như George Washington Adams, con trai của Tổng thống thứ 6 của Mỹ John Quincy Adams, người được cho là tự tử năm 28 tuổi.

Những người con lớn của ông Trump dường như không bị sa ngã vào cái bẫy đó vì họ trung thành với ông và đã vững vàng trong sự nghiệp. Dù vậy, hãy chờ xem tương lai của họ sẽ như thế nào sau lễ nhậm chức của Trump.

"Một trong những điều tồi tệ nhất trên thế giới là trở thành con của một tổng thống. Đó sẽ là một quãng đời kinh khủng mà họ phải trải qua" - Tổng thống Franklin D. Roosevelt có lần đã nói vậy.

Theo VNE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ