Những món hải sản nên thận trọng khi ăn

Hải sản thường được coi là lựa chọn lành mạnh so với các protein động vật khác. Tuy nhiên, do môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm...

Những món hải sản nên thận trọng khi ăn

Hải sản thường được coi là lựa chọn lành mạnh so với các protein động vật khác. Tuy nhiên, do môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm, một số loại hải sản không còn an toàn khi sử dụng nữa. Hải sản cũng thường được chế biến theo những cách có thể khiến nó mất đi những lợi ích với sức khỏe như tẩm bột, chiên. Những cách thức chế biến này có thể làm tăng hàm lượng cholesterol sẵn có trong nhiều loại hải sản. Dưới đây là những loại hải sản kém an toàn nhất bạn cần lưu ý khi sử dụng.

Cá hồi nuôi

Cá hồi nuôi được biết là có mức độ ô nhiễm cao. Polychlorinated biphenyls (PCBs) được sử dụng trong các máy biến áp và các thiết bị điện khác như chất bôi trơn và chất lỏng làm nguội và cá hồi nuôi hấp thu PCBs trong quá trình được cho ăn. Chúng cũng thường chứa hàm lượng cao thuốc trừ sâu. 

Cá hồi chứa hàm lượng PCBs cao hơn gấp 3,5 lần các loại hải sản khác. Chưa kể, cá hồi nuôi lớn lên trong các lồng nuôi chật hẹp nên chúng béo hơn cá hồi hoang dã. Điều đó có nghĩa nhiều PCBs và thuốc trừ sâu được lưu trữ trong mỡ của chúng lâu hơn.

Súp nghêu

Món này gồm nghêu hầm với hành, thịt muối, bơ…. Một số công thức còn cho sữa, kem tươi nhiều chất béo.

Trung bình, khẩu phần khoảng 200g súp nghêu chứa 299 calo, 100 trong số đó là từ chất béo, điều đó có nghĩa khoảng 43% calo là calo mỡ. Trong số lượng calo mỡ này, 35% là chất béo no gây tắc động mạch. Khẩu phần tương tự cũng chứa 910mg natri và 13% lượng cholesterol hàng ngày của bạn (dựa trên chế độ ăn 2.000calo). Với thành phần như vậy, đây cũng là món hải sản không mấy lành mạnh.

Hàu sống

Hàu có hàm lượng kẽm cao, cần thiết để có tuyến tiền liệt khỏe mạnh, nhưng cùng với sự gia tăng mức độ ô nhiễm của biển, ăn hàu có hại nhiều hơn lợi. Hàu hoạt động như một bộ lọc trong chính môi trường sống của chúng. 

Vì vậy, với những người thích loại động vật có vỏ này, bạn có thể đang ăn phải lượng độc tố cao mà hàu hấp thu. Hàu sống cũng chứa nhiều chất purine (là hợp chất hữu cơ cũng được tìm thấy trong các cơ quan lọc khác của cơ thể người như gan và thận) và có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh gút của nam giới. Hàu chín là lựa chọn an toàn hơn nếu bạn thích ăn hàu.

Tôm nuôi

Tôm là loại hải sản được tiêu thụ rộng rãi nhất. Mặc dù nó là nguồn protein tốt và ít chất béo, tôm nuôi có thể gây nguy hại cho sức khỏe nếu được nuôi không đảm bảo vệ sinh ở những nơi các quy định về sức khỏe và an toàn không được thực hiện nghiêm ngặt. Vi khuẩn Salmonella được tìm thấy trong nhiều sản phẩm tôm chế biến sẵn được quảng cáo là “có thể ăn ngay”. 

Lượng lớn kháng sinh và hóa chất đôi khi cũng được sử dụng để nuôi tôm. Ví dụ các thuốc trừ sâu như endosulfan gây tổn thương thần kinh có thể ngấm vào tôm trong quá trình nuôi. Hơn nữa, các kháng sinh được sử dụng để nuôi tôm có thể dẫn tới kháng với các chủng E.coli gây ngộ độc cho người sử dụng hoặc gây ra các phản ứng dị ứng. Tôm đánh bắt tự nhiên là lựa chọn an toàn hơn so với tôm nuôi.

Cá nóc Nhật Bản

Cá nóc thường được sử dụng trong những bữa tiệc đặc biệt vì nó được coi là món đặc sản của Nhật Bản, nhưng nó giết chết khoảng 100 thực khách mỗi năm. Điều khiến cho cá nóc nguy hiểm như vậy là do nó chứa độc tố chết người ở các cơ quan. Nếu việc làm sạch và chế biến không đúng cách, chất độc có thể giết chết bất cứ ai ăn phải. 

Vì lý do này, chỉ những đầu bếp được cấp phép mới được chế biến cá nóc ở Nhật Bản. Tuy nhiên, cá nóc chế biến sẵn có thể được tìm thấy trong các cửa hàng tạp hóa và rao bán trực tuyến. Gần đây đã có những tiến bộ trong quá trình nuôi cá lóc và nghiên cứu đã tìm ra các giống cá không độc.

BS Tuyết Mai

Theo Askmen/Univadis

Theo suckhoedoisong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ