Những học sinh tới trường cùng cuốn hộ chiếu

GD&TĐ - Cô bé JoAnna Rodriguez, học lớp 5, ngồi trên xe buýt tới trường chợt nhớ ra quên một thứ vô cùng quan trọng. Không phải là bài tập về nhà hay bữa trưa. Cô bé lấy điện thoại ra và gọi về nhà trong khi vẫn lục tung cặp sách. “Mẹ, con quên hộ chiếu” - cô bé nói.  

Học sinh xếp hàng chờ nhập cảnh vào Mỹ
Học sinh xếp hàng chờ nhập cảnh vào Mỹ

“Vượt biên” tới trường

JoAnna, 11 tuổi cần chứng minh mình là công dân Mỹ để nhập cảnh vào Mỹ trên hành trình tới ngôi trường bên kia biên giới. Cô bé có ước mơ trở thành y tá tương lai là một trong gần 800 học sinh Mỹ sống tại Palomas, Mexico, đi qua biên giới Mỹ mỗi sáng để học trường công tại Columbus gần đó.

Trong hơn 4 thập kỉ, hiến pháp bang New Mexico (nằm phía Tây Nam Hoa Kỳ) bảo đảm miễn phí giáo dục cho mọi công dân Mỹ, bất kể họ sống ở đâu. Điều này cho phép các gia đình có người bị trục xuất cơ hội sống cùng nhau tại Mexico, mà không phải hy sinh việc học của con tại Mỹ. Đồng thời cũng tạo nên khung cảnh hiếm thấy tại cửa khẩu biên giới hàng ngày.

Theo Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, hàng trăm học sinh xuất cảnh qua các cửa khẩu dọc biên giới Mỹ - Mexico đến các trường tại những nơi như El Paso, Texas. Tuy nhiên với những học sinh này, giáo dục Mỹ không miễn phí. Phụ huynh phải trả phí để học trường tư.

Vào lúc 8 giờ sáng, một dãy dài học sinh mang theo đồ ăn trước cửa khẩu Mỹ, nơi các nhân viên trêu đùa học sinh trong khi kiểm tra hộ chiếu và cặp túi. Họ mở các hộp cơm và thẩm vấn. “Túi của cháu có gì?” - một nhân viên hải quan hỏi. “Kẹo”, một bé gái mặc áo hồng đáp.

Khi bọn trẻ qua biên giới bước sang đất New Mexico (Mỹ), các bà mẹ đứng bên phần đất Mexico kiễng chân vẫy tay chào con. Phần nhiều trong số phụ huynh này bị trục xuất và không được phép nhập cảnh vào Mỹ.

Cơ hội đoàn tụ cho những gia đình li tán

Mỗi sáng, xe buýt đợi phía bên đất Mỹ để đưa học sinh tới trường. Quãng đường dài 5 dặm - khoảng cách quá gần nhưng cũng lại quá xa với nhiều phụ huynh như gia đình JoAnna. Bố của JoAnna, Jesus Rodriguez, 35 tuổi, là một thợ cơ khí. Còn mẹ của JoAnna, Arianna Rodriguez, làm giáo viên dạy trẻ khuyết tật. 2 người có sự khác biệt lớn. Mẹ JoAnna là công dân Mỹ còn bố thì không. Jesus sinh ra và lớn lên tại Zacatecas, Mexico. Sau khi sang Mỹ kết hôn, Jesus bị trục xuất khỏi Mỹ năm 2007 sau khi xuất cảnh trái phép vài lần. Arianna, 30 tuổi, vì việc học hành của 2 con gái nên phải chấp nhận cảnh sống chia li và cuối tuần đưa con sang Mexico gặp bố.

“Tôi rất sợ cảnh chia li sau mỗi dịp cuối tuần” - Arianna kể - “Bọn trẻ quyến luyến không muốn xa bố và thậm chí trốn ở xó xỉnh nào đó để mẹ không tìm thấy”.

5 năm sống cảnh chia cách đó đã kết thúc khi một trường tiểu học tại New Mexico, Mỹ, tiếp nhận công dân Mỹ sống tại Mexico. Arianna ngay lập tức đưa 2 con gái sang Palomas, Mexico, sinh sống lâu dài cùng chồng. Từ đây, bọn trẻ hàng ngày đáp xe vượt biên giới sang học Trường Tiểu học Columbus.

Với chính sách thắt chặt nhập cư của Tổng thống Donald Trump, những người bị trục xuất như Jesus khó có cơ hội quay trở lại Mỹ và vì vậy, hành trình vượt biên giới tới trường của JoAnna sẽ còn lâu dài.

2/3 trong số 700 học sinh Trường Columbus sống tại Palomas và đều là công dân Mỹ. Trường học này cũng phải áp dụng chương trình tương đối khác biệt với GD song ngữ Anh và Tây Ban Nha. Mỗi sáng học sinh cam kết trung thành với lá cờ Mỹ bằng cả 2 thứ tiếng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.