Công việc là một trong những điều quan trọng của cuộc sống. Nó không chỉ đơn giản là thứ chúng ta làm mỗi ngày, là niềm vui, sở thích, là sự nghiệp cần có được mà thực tế hơn, nó còn mang lại một nguồn thu nhập để đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày.
Khi bạn có gia đình, áp lực về kinh tế càng nhiều hơn gấp bội. Tiền bạc đóng một vai trò then chốt ảnh hưởng khá lớn đến hôn nhân. Cũng bởi vậy nhiều người phải lao vào kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống.
Nhưng trái ngang là ở chỗ, đôi khi chính việc phải kiếm tiền vì gia đình lại mang lại những mối họa lớn cho chính tổ ấm bé nhỏ của bạn. Tiền bạc ai cũng quý, nhưng đừng vì mải mê kiếm tiền mà để tình cảm vợ chồng sứt mẻ, hôn nhân đổ vỡ.
Dưới đây là những lời khuyên vàng ngọc giúp vợ chồng bạn cân bằng giữa công việc và gia đình, đảm bảo được nguồn thu mà hôn nhân vẫn bền vững:
Hãy nhớ: Nhà là nơi quây quần, không phải văn phòng thứ hai
Đừng trở về nhà với hàng tá công việc và biến tổ ấm của mình trở thành một văn phòng thứ hai. Đó là điều kiện đầu tiên cần phải nhớ!
Việc bạn ngồi ôm chiếc máy tính cá nhân và chúi mũi vào làm việc khi đã về nhà, việc bạn nghe điện thoại liên hồi trong bữa tối… tất cả sẽ tạo nên một sự ức chế rất lớn cho người bạn đời. Họ cần bạn hiện diện trong nhà như một thành viên chứ không phải như một nhân viên mẫn cán đang làm việc.
Khoảng thời gian cuối ngày là cần thiết để dành cho những người mình thân yên. Hãy đặt máy điện thoại xuống, xa chiếc máy tính và chia sẻ khoảnh khắc quý giá đó bên những người quan trọng của mình.
Xác định những điều có thể và không thể lặp đi lặp lại nhiều lần
Mặc dù về lí thuyết, chúng ta đều biết rằng công việc không nên mang về nhà. Tuy nhiên đôi khi có những tình huống quá cấp bách buộc bạn phải đứng ra giải quyết, khi đó, sẽ khó lòng tránh được bởi nó có thể tạo ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Vợ chồng sống là phải thông cảm với nhau nhưng trong một giới hạn nhất định. Cả hai nên ngồi xuống, trao đổi với nhau về những việc có thể và không thể lặp đi lặp lại nhiều lần.
Với những tình huống cấp bách, ảnh hưởng nghiêm trọng bạn sẽ vẫn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía người bạn đời. Nhưng việc cứ về nhà là vào phòng làm việc, ôm máy tính đến tận đêm khuya là điều không thể chấp nhận được và cần phải thay đổi. Do đó, vợ chồng rất cần thống nhất với nhau xem điều gì là được phép, điều gì là không khi mang việc về nhà.
Lên kế hoạch cùng nhau
“Em đợi anh lúc 10h đêm nhé”; “10h chúng mình cùng đi ngủ nhé”… là những cụm từ để nhắc nhở đối phương về việc bạn không nên lạm dụng sự thông cảm từ người bạn đời.
Dù cho công việc có nhiều tới cỡ nào, có bận tới đâu, khi người kia đã ngầm đưa ra tín hiệu về “cuộc hẹn đi ngủ” thì đừng phá vỡ sự nhân nhượng cuối cùng đó.
Không một ai có thể mãi thông cảm khi cả ngày đi làm xa nhau, tối về lại mỗi người ngủ một giờ… Sự gắn kết giữa vợ chồng không có sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy khôn lường.
Vợ chồng sống là phải thông cảm với nhau nhưng trong một giới hạn nhất định. Cả hai nên ngồi xuống, trao đổi với nhau về những việc có thể và không thể lặp đi lặp lại nhiều lần. (Ảnh minh họa).
Tự kiểm soát thời gian của chính mình
Khi bạn đã có gia đình, nghĩa là bạn phải có trách nhiệm với tổ ấm của chính mình. Đó cũng là lúc bạn cần điều chỉnh và tự kiểm soát thời gian của bản thân. Hãy tập trung toàn sức để hoàn thành các đầu việc ngay tại cơ quan, hạn chế tối đa tình cảnh phải mang việc về nhà.
Hãy nhớ rằng, việc chấm dứt mọi thứ liên quan đến công việc tại văn phòng và trở về nhà thảnh thơi là một món quà nhưng cũng là trách nhiệm mà bạn cần phải làm với người thân của mình.
Có những ngày bất ngờ trọn vẹn dành cho vợ/chồng
Cuộc sống càng vất vả, công việc càng nhiều, càng áp lực thì bạn càng phải biết cách cân bằng cảm xúc cho người bạn đời của mình.
Để bù lại sự chịu đựng, chia sẻ, thông cảm của đối phương sau những ngày bạn bù đầu vào công việc, đừng quên dành một ngày đặc biệt cho hai người.
Ngày hôm đó, sẽ không có bất cứ thứ gì cuốn bạn đi. Bạn chỉ dành sự ngọt ngào, yêu thương và những điều thú vị nhất cho một nửa của mình. Khi bạn biết cách cân bằng như vậy, hôn nhân sẽ không vì sự bận rộn của công việc mà ảnh hưởng.