Nhiều trường học được xây mới
Sau hợp nhất, UBND Thành phố đã phê duyệt Kế hoạch về việc xoá phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp giai đoạn 2009-2010 cần xây mới 5.523 phòng học với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng cho các trường mầm non, tiểu học và THCS tập trung ở 15 quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng; thực hiện Kế hoạch số 166/KH-UBND của UBND thành phố về hỗ trợ các trường học thuộc 14 xã miền núi với kinh phí 650 tỷ đồng.
Nhiều công trình xây dựng cơ bản và một số công trình trọng điểm được tập trung đầu tư, như Dự án THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam kinh phí 429 tỷ đồng; dự án xây dựng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ gần 300 tỷ đồng; Dự án xây dựng trường Trung cấp đa ngành Sóc Sơn tại huyện Sóc Sơn là 158 tỷ đồng. Dự án xây dựng Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục với kinh phí 126 tỷ đồng; Dự án xây dựng Trường THPT Sơn Tây với kinh phí 198 tỷ đồng… được triển khai theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa.
Tăng vọt số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo
Thời điểm mới hợp nhất, ngành GD&ĐT Hà Nội gặp không ít khó khăn trong công tác cán bộ: Tỷ lệ CBQL và giáo viên có trình độ trên chuẩn còn thấp (mầm non: 13,5%, tiểu học: 76,7%, THCS: 49%, THPT: 8,4%). Chất lượng đội ngũ CBQL và giáo viên không đồng đều giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành, đặc biệt là khu vực mới hợp nhất về Hà Nội.
Đến nay, đội ngũ CBQL, giáo viên và nhân viên của ngành đã có bước phát triển vượt bậc: Về cơ bản Hà Nội đã có đội ngũ CBQL, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu. 100% CBQL và giáo viên đứng lớp các ngành học, cấp học đạt chuẩn đào tạo, trong đó tỷ lệ trên chuẩn cao so với tỷ lệ chung của cả nước. Theo đó, mầm non: CBQL 98,2%, GV 63,5%; tiểu học: CBQL 99,5%, GV: 90,3%; THCS: CBQL 98,5%, GV 79,4%; THPT: CBQL 65,8%, GV 28,6 %.
Chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn luôn đạt kết quả xuất sắc
Trước thời điểm hợp nhất, điểm tuyển sinh đầu vào của các đơn vị thuộc khu vực mở rộng thấp.Ví dụ: THPT Bất Bạt: 14,5; Chương Mỹ B: 17,5, Đồng Quan: 27, Lê Quý Đôn - Hà Đông: 42.
Đến năm học 2018-2019, điểm tuyển sinh đầu vào tương ứng là 23; 34,5; 42; 50,5 (số điểm đã tăng sau 10 năm từ 8,5 đến 17 điểm). Năm học 2007-2008, tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở khu vực này mở rộng cũng không cao (Hà Tây cũ là 67,24%).
Với sự quan tâm của Thành phố, Bộ GD&ĐT trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã, trong 10 năm qua chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của Hà Nội luôn đạt kết quả xuất sắc.
Năm học 2016-2017, số học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 98,49% (khối THPT tỷ lệ 99,36% và khối giáo dục thường xuyên là 96,24%) dẫn đầu cả nước về số bài thi đạt điểm 10 với 621 bài thi. Trong đó có 84,57% học sinh xét tuyển vào đại học đạt từ điểm sàn trở lên.
Năm học 2017-2018, tỷ lệ này là 98,82%. Ở một số trường thuộc khu vực sát nhập với Hà Nội, có những đơn vị thay đổi đáng kể, như trường THPT Đồng Quan: tỷ lệ đỗ Đại học tăng từ 36,5% (năm 2009) lên 85% (năm 2017).
Về giáo dục mũi nhọn: trước thời điểm hợp nhất (năm học 2007-2008), Hà Nội có 53 giải HSG quốc gia, 03 giải quốc tế. Hà Tây có 34 giải HSG quốc gia, 01 giải quốc tế. Tổng cộng 2 tỉnh, thành có 87 giải HSG quốc gia, 04 giải quốc tế.
Đến năm học 2017-2018, trong kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia các bộ môn văn hóa, học sinh Hà Nội giành 132 giải (10 giải Nhất); 24 đề tài thi Khoa học Kỹ thuật đạt giải cấp quốc gia (trong đó có 02 giải Nhất); Tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2017, học sinh Hà Nội đã đạt được những thành tích xuất sắc, nổi bật với 138 giải và Huy chương (39 Huy chương Vàng, 42 Huy chương Bạc, 44 Huy chương Đồng, 13 Bằng khen)...