1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” (kèm theo QĐ số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ)
Mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường ứng dụng CNTT, đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT; đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học và công tác quản lý tại các cơ sở GD&ĐT trong hệ thống giáo dục quốc dân góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Đây là đề án khung giúp định hướng tổ chức, triển khai ứng dụng CNTT của ngành một cách có hiệu quả và đồng bộ, xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.
Đến nay đã có 52 tỉnh/thành phố ban hành Đề án hoặc Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng, làm cơ sở để các địa phương triển khai có hiệu quả công tác ứng dụng CNTT trong GD&ĐT.
2. Bộ GD&ĐT xếp thứ 3 về chỉ số Vietnam ICT Index
Kết quả này được công bố trong tháng 3/2017, qua đó, Bộ GD&ĐT xếp thứ 3 (tăng 9 bậc so với năm trước) về ứng dụng CNTT trong tổng số 25 bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ.
Về đánh giá các chỉ số thành phần: Bộ GD&ĐT xếp thứ thứ 02 về ứng dụng CNTT, xếp 05 về hạ tầng kỹ thuật và xếp thứ 09 về hạ tầng nhân lực.
Vietnam ICT Index là báo cáo do Bộ Thông tin và Truyền thông và Hiệp hội tin học Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá và công bố xếp hạng hàng năm, với mục tiêu giúp các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp xác định vị trí, hiện trạng phát triển và ứng dụng CNTT của mình trong bức tranh tổng thể của cả nước, từ đó định hướng, đề ra giải pháp phù hợp cải thiện công tác phát triển và ứng dụng CNTT, xây dựng thành công Chính phủ điện tử.
3. Triển khai thành công Cổng thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng
Cổng thông tin tuyển sinh là một dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp kết nối, giao dịch các thủ tục liên quan đến kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh vào đại học giữa thí sinh, trường ĐH và cơ quan quản lý hoàn toàn qua mạng.
Hệ thống đã công khai đề án tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng của trên 300 trường ĐH, đã tiếp nhận và xử lý thành công yêu cầu đăng ký xét tuyển đầu vào các trường đại học của hơn 860.000 thí sinh.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các sở GD&ĐT tăng cường triển khai xét tuyển học sinh đầu cấp học trên môi trường mạng đối với các cấp học do sở GD&ĐT các địa phương quản lý (mầm non, tiểu học, trung học, thường xuyên).
4. Ban hành mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông và thúc đẩy xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử ngành GD&ĐT
Năm học 2017-2018, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT ban hành mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông nhằm giúp các nhà trường xác định được mục tiêu, nội dung ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục một cách phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại hiệu quả đầu tư và ứng dụng CNTT một cách thiết thực trong trường học; giúp các cơ quan quản lý giáo dục trong việc hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển và đánh giá công tác ứng dụng CNTT trong nhà trường phổ thông khoa học và thực tế.
Cùng với việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử nhằm xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm tổ chức thực hiện, từ đó tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin và cơ sở hạ tầng thông tin, lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT tổ chức thành công Hội thảo về triển khai chính phủ điện tử ngành GD&ĐT.
5. Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành của cơ quan Bộ GD&ĐT
Trong năm 2017, Bộ GD&ĐT đã triển khai thành công hệ thống phần mềm quản lý hành chính điện tử (e-Office) với 7 quy trình nghiệp vụ, giúp công tác giao việc, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ trở nên minh bạch, hiệu quả.
Hàng tháng, có gần 9.000 lượt văn bản điện tử được gửi – nhận thông qua hệ thống; qui trình quản lý và đặt phòng họp, xe ô tô công vụ đều được thực hiện trên mạng...
Hiện nay, hệ thống e-Office của Bộ đã kết nối, liên thông văn bản điện tử qua trục liên thông Chính phủ theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Kể từ ngày 01/01/2018, 63 Sở GD&ĐT cũng đã chính thức sử dụng hệ thống e-Office của Bộ để trao đổi văn bản điện tử với Bộ.
6. Xây dựng kho học liệu mở toàn ngành
Tháng 6/2017, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và đưa vào sử dụng kho học liệu mở điện tử toàn ngành (https://elearning.moet.edu.vn) lưu trữ hơn 5.000 bài giảng điện tử E-learning (về chủ đề các môn học phổ thông và dư địa chí các vùng miền trên cả nước) có chất lượng do chính các giáo viên phổ thông trên cả nước xây dựng, phục vụ đắc lực nhu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học của giáo viên trong các nhà trường.
Các bài giảng chủ yếu được tuyển chọn từ Cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng e-Learning hàng năm (năm học 2016 – 2017 có trên 12.000 bài dự thi và 168 giải thưởng được trao). Kể từ khi Bộ GD&ĐT phát động Cuộc thi thiết kế bài giảng e-Learning, số lượng giáo viên được trang bị những kỹ năng cần thiết để thiết kế bài giảng E-learning đạt khoảng 17% trong tổng số giáo viên trên cả nước.
7. Cục CNTT đạt giải thưởng ASEAN CIO/CSO AWARD 2017
Tháng 10/2017, Lãnh đạo Cục CNTT – Bộ GD&ĐT vinh dự trở thành một trong 19 nhà lãnh đạo CNTT tiêu biểu (CIO) được nhận nhận Giải thưởng Lãnh đạo CNTT và ANTT tiêu biểu Đông Nam Á 2017 (ASEAN CIO/CSO Awards 2017).
Đây là Giải thưởng thường niên được tổ chức từ năm 2005 đến nay, nhằm tìm kiếm và vinh danh những cá nhân tiêu biểu, người có trách nhiệm về quản trị CNTT và ANTT tại các quốc gia Đông Nam Á, nhằm đảm bảo tính liên tục, giảm thiểu tối đa nguy cơ và mở rộng các cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ cũng như các tổ chức dân sự.
Điều này đã thể hiện sự ghi nhận to lớn của các bộ ngành, đơn vị, xã hội đối với những thành tựu ngành giáo dục trong việc nâng cao ứng dụng CNTT trong GD&ĐT thời gian vừa qua, thông qua triển khai các Đề án ứng dụng CNTT đạt hiệu quả tích cực đến xã hội.
8. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin bước đầu được triển khai có hiệu quả
Trong năm qua, Bộ GD&ĐT đã quan tâm và tăng cường năng lực đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng thông qua việc nâng cấp các hệ thống, triển khai các giải pháp ATTT bao gồm cả phần cứng và phần mềm nhằm bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu của Bộ (như cổng thông tin, thư điện tử công vụ của Bộ và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành), đồng thời tăng cường huấn luyện đội ngũ chuyên gia, hướng tới vận hành theo mô hình trung tâm vận hành an ninh (Security Operations Center - SOC).
Việc triển khai đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của cơ quan, tổ chức theo yêu cầu tại Quyết định số 898/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016 - 2020.
Bộ GD&ĐT cũng là một trong 3 bộ đầu tiên trong cả nước đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đảm bảo ATTT cho hơn 100 cán bộ công chức tại các đơn vị trực thuộc Bộ và cho 63 cán bộ chuyên trách CNTT của các sở GD&ĐT.
Cũng trong năm 2017, Bộ GD&ĐT (Cục CNTT) đã phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) và Viettel tổ chức cuộc thi quốc gia Sinh viên với ATTT lần thứ 10, thu hút 58 đội đến từ 24 cơ sở đào tạo đại học trong cả nước.
Đây là một hoạt động quan trọng nhằm triển khai Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 19/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020; Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020”.
Trong suốt 10 năm tổ chức, cuộc thi đã mang lại ý nghĩa to lớn nâng cao nhận thức đảm bảo ATTT đối với học sinh sinh viên. Nhiều thí sinh của cuộc thi đã tham dự và giành giải cao trong các cuộc thi ATTT quốc tế, mang về vinh quang cho đất nước, trong đó nhiều sinh viên ra trường đã được các cơ quan nhà nước và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook tuyển dụng.
9. Ban hành cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực CNTT
Nhằm triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ đại học giai đoạn 2017-2020 để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế (công văn số 5444/BGD&ĐT-GDĐH ngày 16/11/2017).
Qua đó, nhiều qui định về đào tạo nhân lực CNTT được tháo gỡ theo hướng khuyến khích cơ sở đào tạo đại học mở các ngành mới trong nhóm ngành CNTT; đồng thời giúp các cơ sở đào tạo đại học có cơ hội mở rộng, tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực trong quá trình đào tạo, đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, thực hành, thực tập và giảng viên tham gia đào tạo.
10. Triển khai thành công mô hình tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập
Đây là năm thứ hai Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông (Vietnet-ICT) và Microsoft triển khai dự án YouthSpark Digital Inclusion với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng về khoa học máy tính cho giới trẻ trong các trường trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc nội trú ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, giúp các em có cơ hội tiếp cận với thế giới số, thu hẹp khoảng cách tiếp cận nội dung giáo dục và cơ hội việc làm sơ với khu vực thành thị.
Dự án do Microsoft tài trợ được triển khai tại 12 tỉnh/thành phố (Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh) với hơn 400 trường học, gần 1.000 giáo viên và 105.546 học sinh tham dự.
Dự án đã hoàn thiện chương trình, học liệu để giảng dạy ngoại khóa thí điểm với 7 chủ đề, 32 mô đun, làm tiền đề tham khảo cho xây dựng chương trình môn Tin học theo Chương trình phổ thông mới. Ngoài ra, dự án còn kết hợp triển khai các hoạt động ngoại khóa bổ ích như giờ lập trình với sự tham gia của hơn 69.000 học sinh với kết quả rất tích cực.