Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) ghi nhận, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song đội ngũ giáo viên vùng khó vẫn “bám lớp, bám trường” tận tâm, tận hiến với nghề.
Thầm lặng cống hiến
- Ông nhìn nhận như thế nào về những đóng góp, cống hiến của giáo viên vùng khó nói chung và giáo viên cắm bản nói riêng?
- Có thể khẳng định, nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã và đang có những cống hiến thầm lặng nhưng hết sức vinh quang cho sự nghiệp giáo dục. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhiều nhà giáo xung phong mang ánh sáng văn hóa đến với các thôn, bản xa xôi nơi vùng cao, biên giới, hải đảo.
Thầy, cô giáo đã vượt qua muôn vàn khó khăn, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục - đào tạo các tỉnh miền núi. Từ đó, giúp cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết; nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, trở thành cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Nhiều thầy, cô giáo công tác ở vùng cao, đặc biệt là giáo viên cắm bản phải sống xa gia đình, người thân; tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì bám trụ ở thôn, bản xa xôi, để cho giấc mơ học chữ của học trò vùng cao được trọn vẹn.
Các thầy, cô phải thực hiện “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng sử dụng tiếng bản địa với các em); chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, dạy tiếng, dạy múa, dạy nói, dạy chữ cho trẻ. Họ tận tình, trách nhiệm như chính những đứa con yêu quý của mình; trong khi chính con ruột của các thầy, cô đang phải gửi bố mẹ ở quê trông nom giúp.
Các thầy, cô phải vượt qua những chặng đường quanh co, khúc khuỷu, trơn trượt, thậm chí phải vượt suối, vượt sông trong mùa nước lũ để đến trường. Nhiều nơi nhà ở tập thể, công trình nước sạch, vệ sinh cho giáo viên còn thiếu thốn nhưng không ngăn được những bước chân của nhà giáo đến tận những điểm trường lẻ xa trung tâm của xã hoặc băng núi, vượt rừng đến tận nhà phụ huynh để vận động trẻ đến trường.
Trong chuyên môn, các thầy, cô phải khắc phục sự thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy học, tài liệu, sách vở...; phải tự tay tạo ra đồ dùng dạy học từ nguyên liệu tại chỗ để giúp học sinh nắm được nội dung, kiến thức của bài học. Đã có những nhà giáo ra đi trong quá trình thực hiện sứ mệnh “trồng người” cao cả.
Nếu không yêu thương học trò, tận tâm với nghề, có lẽ chẳng ai đủ nhiệt thành để bám trụ ở những nơi khó khăn như vậy. Chính các thầy, cô đã làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ. Những hy sinh, cống hiến thầm lặng đó xứng đáng được xã hội mãi tôn vinh.
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT). |
Cần động lực để giáo viên yên tâm cống hiến
- Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đội ngũ giáo viên vùng khó vẫn “bám lớp, bám trường” tận tâm, tận hiến với nghề. Có câu chuyện nào khiến ông xúc động?
- Những tấm gương hy sinh, cống hiến thầm lặng của các nhà giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có rất nhiều và tất cả đều đáng trân trọng. Đó là tấm gương các thầy giáo ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Nghệ An) ngày dạy học, tối đi bắt cá để nuôi học trò; hay cô Nguyễn Thị Như Thảo, ở Trường Tiểu học DTBT xã Hang Chú (Bắc Yên, Sơn La) dù bị tai nạn gãy chân trong khi di chuyển giữa 2 điểm trường nhưng vẫn gắn bó với việc dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc...
Còn rất nhiều thầy, cô giáo nữa đang thầm lặng cống hiến, không phải vì tên tuổi được nêu gương mà là “tất cả vì học sinh thân yêu”.
- Là Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, ông có kiến nghị gì để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo?
- Nhiều năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục, cấp ủy, chính quyền địa phương, điều kiện sinh hoạt, làm việc của các thầy, cô giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa.
Trước hết, về chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi phải thực sự là động lực thu hút giáo viên tình nguyện lên công tác ở vùng khó khăn; đủ để đảm bảo cuộc sống, chăm lo cho con cái, giúp họ yên tâm công tác.
Về phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lý về cơ cấu, tăng cường giáo viên là người dân tộc thiểu số. Đào tạo đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, dân tộc.
Xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên - cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương. Hình thức tuyển dụng giáo viên cần linh hoạt, có ưu tiên hợp lý đối với giáo viên là người địa phương, dân tộc thiểu số;
Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc; đổi mới sinh hoạt chuyên môn, chú trọng hình thức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, khối, tổ, nhóm, tập trung và qua mạng. Phát triển mô hình “Trường giúp trường, phòng giúp phòng” giữa các địa phương thuận lợi với nơi vùng sâu, vùng xa để kịp thời hỗ trợ, động viên, chia sẻ đối với đội ngũ giáo viên.
Về cơ sở vật chất, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư Chương trình kiên cố hóa trường học; đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn. Quan tâm xây dựng nhà công vụ, công trình nước sạch, công trình vệ sinh… để giáo viên có cuộc sống ổn định, đảm bảo nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Các địa phương nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ đất sạch cho giáo viên làm nhà ở, gắn bó lâu dài với địa phương.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đến chính sách tôn vinh, khen thưởng, ghi nhận những cống hiến của nhà giáo công tác ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn; kịp thời biểu dương, ghi nhận và lan tỏa các tấm gương sáng của nhà giáo trong việc phát triển giáo dục miền núi, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, cần sự chung tay, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; khắc phục tình trạng “trăm sự nhờ thầy, cô”.
Chính quyền địa phương theo thẩm quyền và điều kiện kinh tế - xã hội có thể ban hành các chính sách riêng để thu hút, chăm lo đội ngũ giáo viên công tác ở địa bàn khó khăn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
“Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành, trong số hơn 1,2 triệu nhà giáo trên cả nước, có gần 400 nghìn thầy/cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Trong đó, có hơn 70 nghìn giáo viên mầm non, trên 96 nghìn giáo viên tiểu học; đặc biệt có hơn 93 nghìn giáo viên đang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, ông Vũ Minh Đức thông tin.