Nhưng ngoài những biểu cảm đó, họ không có những cái ôm hay nụ hôn nào - vì đang đứng ở cách nhau cả một đại dương. Laura ở nhà mình trên đảo Wight (nước Anh), còn Chris ở cách đó 17.000 km tại New Zealand. Cuộc nói chuyện của họ, giống như nhiều lần khác từ khi kết hôn, diễn ra trên Internet.
Mặc dù đã cưới 2 năm, Laura, 35 tuổi và Chris, 38 tuổi, chưa hề sống cùng nhau. Hiện tại họ cũng không có kế hoạch nào đến sống cùng một lục địa, mà vẫn mỗi người một mái nhà. Ngay cả việc mang thai của Laura cũng không làm thay đổi điều đó.
Họ chỉ là một ví dụ cho xu hướng vợ chồng sống xa nhau đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Theo một nghiên cứu của Đại học London và Bradford, cứ 10 người trưởng thành ở Anh thì có một người đang trong mối quan hệ hôn nhân (hoặc chung sống như vợ chồng) nhưng không sống cùng bạn đời - một hiện tượng được gọi là "Chung sống xa nhau".
Nghe có vẻ kỳ lạ với bất cứ cặp đôi đã kết hôn nào, song nhờ nền kinh tế toàn cầu hóa mà công việc thường xuyên ở nước ngoài, và sự dễ dàng đi lại bằng đường không, điều này trở nên hiện thực với nhiều cặp vợ chồng.
Đây cũng không phải là nút chết của hôn nhân như nhiều người tưởng. Đại học Hong Kong ghi nhận các cặp vợ chồng phải sống xa nhau dường như chia sẻ các suy nghĩ và cảm xúc tích cực nhiều hơn những người khác, điều đó dẫn tới cảm giác thân thuộc lớn hơn. Điều này có thể thúc đẩy cuộc sống tình dục khi họ được ở bên nhau, cũng như sự tôn trọng lâu dài.
Vậy làm cách nào để bạn duy trì hôn nhân khi sống ở hai quốc gia khác nhau?
Laura và Chris ý thức được sự khó khăn này. Thực tế, họ cố gắng để điều đó không ảnh hưởng đến mối quan hệ. Laura cho biết cô bị tiếng sét ái tình khi gặp Chris tại một buổi lễ rửa tội của bạn năm 2010. Sau đó họ chỉ có vài ngày hạnh phúc bên nhau trước khi quyết định không bao giờ liên lạc lại nữa, với niềm tin rằng mối quan hệ này sẽ sớm chết yểu.
Laura từng có con gái 6 tuổi trong cuộc hôn nhân trước đó, còn Chris là 2 con trai 11 và 13 tuổi. Tuy nhiên, sau 6 tháng email qua lại và nhiều giờ nói chuyện, "chúng tôi nhận ra mình đã yêu nhau", Laura kể.
Hơn một năm sau họ mới gặp lại nhau, khi Chris bay tới nước Anh tháng 3/2012. Họ còn bay đi bay về vài lần nữa để gặp nhau trong năm sau đó. Laura ước tính họ đã chi ra hơn 40.000 đô la cho các chuyến bay kéo dài 23 tiếng giữa hai đại lục. Và trong chuyến thăm kéo dài 3 tháng của Laura năm 2013, Chris đã ngỏ lời cầu hôn.
"Mỗi lần chia ly là mỗi lần đau đớn. Mỗi chuyến bay xa nhau đều làm chúng tôi kiệt sức và chúng tôi tranh cãi như bất cứ cặp đôi nào khác. Chúng tôi học cách giải quyết xong vấn đề trước khi buông điện thoại xuống", Laura chia sẻ.
Tháng 9 năm ngoái, họ quyết định có con và lên kế hoạch sẽ không bao giờ xa nhau quá 12 tuần mỗi lần.
Tiến sĩ Max Blumberg, một nhà tâm lý tại Đại học Goldsmithsk cho biết "Trẻ cần cả bố lẫn mẹ như là một hình mẫu để học tập theo. Chúng cần những khoảng thời gian trò chuyện thường xuyên mỗi tuần với cha mẹ, và càng tốt hơn nữa nếu có thể nhìn thấy họ qua các công nghệ số như Skype hay Facetime. Tuy nhiên, không có gì thay thế được sự có mặt của cha mẹ". Đây là điều khó thực hiện với các cặp vợ chồng sống xa nhau cả nghìn dặm.
Selina Gabbitas, 55 tuổi, cũng cách xa chồng nghìn dặm
Hai năm gần đây trong cuộc hôn nhân 23 năm và có 2 đứa con, chị ở căn hộ của mình tại Nottinghamshire (Anh) trong khi chồng chị, anh Wayne, 56 tuổi, sống ở Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất).
Selina tin rằng chính khoảng cách xa xôi đó đã mang lại điểm tựa tươi sáng cho hôn nhân của họ. Trước đó, cũng có thời điểm họ đã chuyển đến sống cùng nhau tại Trung Đông, song vì nghĩa vụ với các con đang còn ở Anh, chị chấp nhận trở lại quê nhà.
"Chúng tôi chấp nhận hy sinh mối quan hệ của mình để tôi có thể hỗ trợ các con. Đã có lúc tôi cảm thấy mình như một quả phụ, phải làm mẹ đơn thân. Tôi cũng tiếc nuối sự thân mật với anh ấy".
Vậy là hai vợ chồng trò chuyện trên Skype mỗi ngày. Wayne cũng trở về nước Anh thăm vợ con 5 lần một năm, mỗi lần một tuần, trong khi Selina bố trí 2 lần mỗi năm tới Abu Dhabi. Khoảng cách xa xôi đã có ảnh hưởng tích cực lên tình yêu của họ.
"Không còn gắn với cuộc sống gia đình nữa, Wayne có thể tập trung vào công việc và được thăng chức. Tôi cũng mở cửa hàng mới. Chúng tôi nhìn thấy nhau như những cá nhân độc lập chứ không chỉ ở vai trò bố mẹ nữa, và lại trở thành một cặp đôi.
Trước kia chúng tôi ít khi có thời gian riêng tư của mình, nhưng giờ chúng tôi ở bên nhau để làm những việc yêu thích, như trốn con tới Paris năm ngoái".
"Cuối cùng, mỗi chúng tôi đều thấy bạn đời mình quyến rũ hơn bao giờ hết".
TS Blumberg cho biết những khoảng lặng này có thể đã cứu hôn nhân của họ khỏi việc sụp đổ do ảnh hưởng xa cách về địa lý. Ông lý giải: "Các nghiên cứu cho thấy càng xa nhau lâu ngày, cơ hội sống sót của các cuộc hôn nhân xa cách về địa lý càng thấp".