Những căn bệnh chỉ có ở đàn ông

GD&TĐ - Một số bệnh chỉ có ở… phái mạnh, gồm các bệnh phì đại tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt. 

Những căn bệnh chỉ có ở đàn ông

Một số bệnh chỉ có ở… phái mạnh. Đó cũng là những bệnh thường gặp, nhất là với người cao tuổi, gồm các bệnh phì đại tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt.

Tuyến tiền liệt là một tuyến chỉ có ở phái mạnh. Tuyến tiền liệt có kích thước khá nhỏ, cỡ bằng hạt dẻ, nằm bao quanh niệu đạo. Về cấu trúc, có 70% mô tuyến và 30% lớp đệm mô sợi cơ. Xung quanh tuyến được bao quanh bởi một lớp vỏ.

Tuyến tiền liệt có hai chức năng chính:

Tiết dịch: Dịch tiết của tuyến tiền liệt góp phần cùng dịch tiết của các tuyến khác tạo thành tinh dịch là môi trường sống của tinh trùng và giúp làm nhờn niệu đạo.

Kiểm soát: Tuyến tiền liệt có khả năng co bóp nhờ vậy, ngăn chặn được nước tiểu và tinh dịch trào ngược vào lại bàng quang khi xảy ra các hoạt động liên quan.

Phì đại tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt) là sự gia tăng kích thước của tuyến tiền liệt. Sự phình to này gây chèn ép niệu đạo mà nó bao quanh, làm ảnh hưởng đến việc tiểu tiện. Người < 30 tuổi hiếm mắc bệnh này. Từ tuổi 30 nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Theo các báo cáo khoa học, trong độ tuổi 60, có khoảng 60% quý ông bị phì đại tuyến tiền liệt ở các mức độ khác nhau. Tỉ lệ này gia tăng dần theo số tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chưa được hiểu một cách rõ ràng.

Một số nghiên cứu cho rằng, khi tuổi càng cao, chức năng sinh dục giảm gây mất cân bằng hormone sinh dục: Testosterone giảm, Estrogen tăng nên gây ra phì đại tuyến tiền liệt.

Ngoài ra còn có một số yếu tố tác động mạnh mẽ khác như sự lão hóa theo thời gian, sự bất thường và các bệnh lý ở tinh hoàn nhất là hiện tượng viêm và can thiệp phẫu thuật ở vùng này gây tác động đến tuyến tiền liệt.

- Các biểu hiện thường gặp ở người bệnh: Điển hình là tiểu buốt, tiểu khó, tiểu són, tiểu ngắt quãng, không thành dòng hoặc thành tia nhỏ. Vì tiểu không hết, nên vừa đi xong lại muốn đi tiếp. Nhất là vào ban đêm, nên gây mất ngủ.

Các phương tiện góp phần xác định bệnh gồm siêu âm, nội soi bàng quang, chụp CT… Tùy theo mức độ của bệnh mà bác sĩ chỉ cho toa uống thuốc và theo dõi. Các trường hợp tuyến tiền liệt bị viêm, chèn ép gây đau thì được chỉ định chiếu sóng viba nhằm mục đích dùng nhiệt để giãn cơ, giảm đau, giảm viêm và diệt khuẩn.

Những bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt trong thời gian dài bất trị dần với các phương pháp trên sẽ được các bác sĩ hội chẩn, cân nhắc chọn giải pháp cuối cùng là phẫu thuật.

Hiện nay, nhờ có phương pháp mổ nội soi qua đường niệu đạo mà người bệnh xuất viện nhanh chóng và các chức năng liên quan đến tuyến tiền liệt sớm được hồi phục. Người bệnh cần tuân thủ ý kiến của những nhà chuyên môn hơn là sự mách bảo rỉ tai mà tiền mất tật mang!

Ung thư tiền liệt

Các lưu ý liên quan và lời khuyên: Bệnh ung thư tuyến tiền liệt có liên quan đến chế độ ăn. Đây là điều có thể “cải thiện” được để phòng tránh. Do đó, quý ông cần sớm cải thiện chế độ ăn, hạn chế ăn nhiều mỡ động vật để phòng tránh bệnh ung thư. Góp phần phòng bệnh còn có các yếu tố: Quan hệ tình dục điều độ, uống nhiều nước và đi tiểu ngay khi có biểu hiện buồn tiểu, không nên nín tiểu trong khoảng thời gian kéo dài. Chế độ ăn uống hợp lý, khoa học và thường xuyên thể dục thể thao rèn luyện thân thể.

Nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Điều này cũng nằm trong đặc điểm chung về nguyên nhân của hầu hết các loại ung thư khác.

Tuy nhiên, có một yếu tố mà các nhà nghiên cứu quan tâm là đặc tính di truyền, bởi bệnh hay gặp ở những người có ông, cha, bác, chú, anh em trai mắc bệnh này. Một chế độ ăn nhiều mỡ động vật cũng là nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt có các biểu hiện ban đầu tương tự như phì đại tuyến tiền liệt. Bệnh được chẩn đoán xác định nhờ sinh thiết hoặc xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt, viết tắt là PSA (Prostatic Specific Antigen).

So với các loại ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt tương đối khả quan hơn về mặt điều trị, bởi hầu hết vẫn còn khu trú khi được phát hiện. Càng phát hiện sớm thì việc chữa trị mang lại hiệu quả càng cao.

Thông thường, phẫu thuật được chỉ định sau khi xác định chẩn đoán ung thư. Tuy vậy, việc chỉ định phẫu thuật còn phụ thuộc vào kích thước khối u, mức độ xâm lấn, đặc biệt là tuổi tác và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân.

Nếu không có chỉ định phẫu thuật thì dùng xạ trị để kiểm soát và kiềm chế hoạt động tế bào ác tính. Sau đó có thể điều trị nội khoa bằng các hóa chất hoặc nội tiết tố để làm giảm kích thước khối u tránh sự chèn ép niệu đạo để bệnh nhân có thể tiểu tiện được dễ dàng hơn.

Việc cắt bỏ hai tinh hoàn nhằm mục đích hạn chế tối đa quá trình tiến triển của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Bởi tinh hoàn là nơi sản xuất ra Testosteron, trong khi đó các tế bào ung thư tuyến tiền liệt lại rất cần Testosteron để phát triển. Việc triệt nguồn cung cấp này khiến cho tế bào ung thư kiệt quệ và tan biến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ