Theo ông Minh Thạnh, tác giả của nhiều sách và bài viết về Phật giáo, hiếu thảo với cha mẹ không phải là nghĩa vụ mà là quyền lợi đem lại hạnh phúc cho chính đứa con.
Không có bất hạnh nào to lớn bằng nỗi đau mất cha mẹ, nên khi cha mẹ còn sống hãy vì cha mẹ mà hạnh phúc. Báo hiếu cha mẹ không phải cần đợi khi trưởng thành, giàu sang mà có thể làm bất cứ khi nào. Muốn báo hiếu cha mẹ, hãy:
Sống tốt để cha mẹ không phải lo lắng, đau khổ vì mình.
Cha mẹ đâu cần con báo đáp mà chỉ muốn con mình thực sự đàng hoàng và biết lo cho bản thân.
Có mặt khi cha mẹ cần
Đừng nghĩ phải đi làm xa, kiếm nhiều tiền và mua cho cha mẹ nhà cao cửa rộng, quần áo xum xuê, thức ăn ê hề mới là báo hiếu. Sự có mặt của đứa con là niềm vui mà cha mẹ chờ mong nhất.
Nhiều người mải lo cho cuộc sống riêng mà quên đi phụng dưỡng cha mẹ. Khi còn nhỏ ở với cha mẹ, lớn lên lo ăn học, đến khi ra trường lại lập gia đình sớm và lo cho gia đình mình, cha mẹ vì thế ít có cơ hội được phụng dưỡng. Đến khi biết làm cha mẹ thì cha mẹ đã qua đời.
Luôn lắng nghe và hỏi ý kiến cha mẹ với thái độ cung kính, ôn hòa, tôn trọng và yêu thương.
Cha mẹ luôn muốn cảm nhận được "sự cần thiết" và "được kính trọng" từ con cái đối với mình.
Muốn hiếu thảo với cha mẹ thì hiếu thảo ngay bây giờ, không đợi khi kiếm được tiền mới nghĩ đến chuyện đó.
- Hiếu thảo không cần đợi tuổi. Khi còn nhỏ, kể cả 5 tuổi thôi, con đã có thể báo hiếu được rồi. Báo hiếu sớm bởi nếu chờ đến khi trưởng thành, vật chất ê hề, chưa chắc cha mẹ đã còn tại thế để nhận thành báo đó.
- Thể hiện tình yêu, lòng thương với cha mẹ bằng lời nói và hành động:
Thương thì phải nói ra, gặp cha mẹ và nói một cách chân tình với đấng sinh thành rằng con thương cha mẹ. Nhưng nói không chưa đủ mà phải hành động cụ thể. Không cần những thứ cao siêu, mời một tách trà, hỏi thăm sức khỏe, đỡ đần công việc, bên cạnh cha mẹ mỗi khi họ cần đến là cha mẹ đã thấy đủ.
Một người khi đã 70 hay 80 tuổi vẫn cảm thấy thấm thía nỗi đau mất cha mẹ, cho nên lúc cha mẹ còn sống hãy cứ sung sướng và vui đi vì chẳng có gì bao la bằng tình mẹ và mênh mông như tình cha.
Nguồn gốc lễ Vu Lan
Theo Phật thoại: Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong số ít đệ tử xuất chúng của Đức Phật. Ngài có quyền pháp vô biên. Ngài tưởng nhớ tới người mẹ đã qua đời của mình, dùng phép quan sát "bốn phương tám hướng" và thấy mẹ đang chịu cảnh tội đồ, thân thể gầy héo, khổ đau. Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác mẹ đã gây nên, ngài vẫn không khỏi thương xót.
Ngài rất đau lòng, nhờ Đức Phật cứu vớt để linh hồn mẹ được siêu thoát và được dạy rằng: Đến rằm tháng Bảy, sửa soạn lễ vật cúng, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện.
Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật và nhờ đó mẹ ngài được siêu thoát. Từ đó, cứ ngày rằm tháng bảy hàng năm, các tín đồ Phật tử khắp nơi lại tổ chức ngày lễ Vu Lan với tín tâm cầu cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình sẽ được thoát khỏi tội đồ.