Sự khác nhau
Thú chơi tranh Tết, như thông lệ xưa nay, qua câu thơ khái quát của Tú Xương:
“Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách, bức tranh gà.”
So với các con vật khác như gà, lợn, trâu... đề tài “chuột” được phản ánh trên tranh dân gian khá ít ỏi.
Trước hết có lẽ phải kể đến bức tranh “Chuột múa rồng”, phản ánh hoạt động vui chơi múa rồng qua phương thức nhân hóa cả đám rước toàn là chuột, hân hoan nhảy múa, thổi kèn, đánh trống, gõ phèng la... cờ giong trống mở múa rồng đón xuân vui Tết. Bức tranh thể hiện sự khát khao hoà bình, cầu cho mưa thuận gió hoà và mong cho toàn dân được mùa, cuộc sống bình an, no đủ.
Hai bức tranh nữa có nhân vật chính là chuột, là bức “Đám cưới chuột” (Tranh 1) và “Chuột vinh quy” (Tranh 2), vốn là hai bức tranh khác nhau, thế nhưng, xưa nay khá nhiều người nhầm lẫn, cho rằng đó chỉ là hai tên gọi của cùng một bức tranh dân gian Đông Hồ.
Quả thật, thoạt trông thì 2 bức tranh có vẻ giống nhau, nhưng nếu đặt cạnh nhau và quan sát kỹ thì ta mới cảm nhận được sự khác biệt giữa chúng.
Tranh 1 diễn tả một “đám cưới chuột” khá long trọng, tưng bừng, rộn rã. Giữa không khí tưng bừng, “chuột anh” cưỡi ngựa hồng đi trước, “chuột nàng” ngồi kiệu theo sau. Lũ lượt theo hầu hạ, đón rước là đông đảo họ hàng nhà chuột. Tranh bố cục theo kiểu bình đồ dân gian, phân làm 2 tuyến. Tuyến trước (gần) là chuột anh, chuột nàng và quân sĩ theo hầu trong dáng vẻ sợ hãi, thấp thỏm, ngơ ngác, mắt lấm la lấm lét, ngó trước, nhìn sau. Tuyến sau (xa) là “phái đoàn” họ nhà chuột đi “lót tay” cho lão mèo già, đang khúm núm “cống nạp” phẩm vật là những “đặc sản” khoái khẩu của họ nhà mèo như: Chim câu, cá chép… Bố cục hai tuyến gần như cân bằng trên - dưới, miêu tả 2 sự việc khác nhau diễn ra ở 2 không gian khác nhau nhưng vẫn không hề gây cảm giác bức tranh bị cắt đôi. Lão mèo già đang giơ chân, phồng má, trợn mắt, giương râu, múa vuốt ra uy doạ dẫm được bố trí ở góc trên bức tranh, là “nhân vật trung tâm” được các tác giả dân gian tập trung khắc họa, tạo sự chú ý tập trung của người xem.
Đáng lưu ý thêm là những chữ Hán làm rõ thêm nội dung bức tranh: Miêu (mèo), tống lễ (lễ biếu), tác nhạc (tấu nhạc), lão thử thủ thân (chuột già giữ mình), chủ hôn, nghênh hôn…
Đám cưới chuột |
Tranh 2 lại diễn tả một “đám rước chuột” vinh quy, cũng tưng bừng, rộn rã với đông đảo họ hàng nhà chuột. Tranh cũng bố cục theo kiểu bình đồ phân tuyến, nhưng không có đường phân cách giữa tranh. Và phẩm vật “cống nạp” cho lão mèo già đã bị lược đi bớt con chim câu, chỉ còn mỗi cá chép.
Các chữ Hán trên tranh cũng đổi khác cho phù hợp với nội dung bức tranh: Trước con chuột xách cá có ba chữ hiệu thủ lễ (lễ đi cống nạp), hai con chuột theo sau thì kèn, trống inh ỏi. Hàng dưới có con chuột rước cờ ngũ sắc ghi hai chữ vinh quy dẫn đầu, và con chuột thứ 3 vác tấm biển ghi hai chữ tiến sĩ.
Chuột vinh quy |
Cả 2 tranh “Chuột vinh quy” và “Đám cưới chuột” cùng là những minh họa sống động và hóm hỉnh cho quan hệ mạnh hiếp yếu trong xã hội.
Tranh “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy” cùng có nội dung phê phán hiện tượng:“Cá lớn nuốt cá bé”. Cả 2 bức tranh đều là minh họa sống động cho quan hệ kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu trong xã hội phong kiến. Người ta mượn hình ảnh chuột để châm biếm chua cay, hài hước về một tệ nạn mà xã hội cần lên án và loại bỏ. Ý tưởng sâu xa của 2 bức tranh là chất châm biếm, đả kích sâu cay, lên án, tố cáo tệ nạn nhũng nhiễu, tham ô, hối lộ, ăn của đút lót của bọn quan lại phong kiến thống trị.
Nhân vật chuột được yêu mến
Qua tranh dân gian Đông Hồ, con mèo như là đại diện cho thế lực quan lại, thống trị; con chuột thuộc tầng lớp hạ đẳng bị cai trị, áp bức, bần cùng. Cả đời nhà chuột từ lúc sinh ra, cả khi học hành “đỗ đạt thành tài”, vinh quy bái tổ, hoặc lúc lập gia thất “cưới vợ” sinh đàn, khi nào cũng phải sống nhẫn nhục trong nguy cơ, đe dọa của loài mèo. Do vậy, loài chuột trong bức tranh, vô hình trung lại trở thành nhân vật được người xem tranh thương cảm, yêu mến.
Hai bức tranh dân gian Đông Hồ tuy cùng tái hiện đám rước chuột có vẻ giống nhau, nhưng nội dung phản ánh qua tên tranh cũng như qua hình ảnh minh họa, chữ viết trên tranh gợi nên 2 nội dung không hoàn toàn giống nhau về ngày vu quy và ngày vinh quy.