Dịch vụ phục hồi sẽ tạo đà phát triển chung cho nền kinh tế
Trước đó (chiều 22/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cả nước sẽ bước vào giai đoạn bình thường mới, cần sớm tạo năng lực để khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và bảo đảm kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để khôi phục sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không thể cào bằng hỗ trợ từ Chính phủ.
PGS. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng đa số ngành hàng phải chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó những ngành đòi hỏi giao dịch trực tiếp hoặc trong quá trình làm việc cần sự can thiệp của con người như vận tải, hàng không, môi giới, giáo dục tư nhân, dịch vụ khách sạn hay nhà hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tuy nhiên sau giãn cách xã hội, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ sớm tự phục hồi. Riêng ngành vận tải, hàng không sẽ không tăng vọt ngay, mà từng bước phát triển trở lại. Còn việc các ngành hàng, lĩnh vực tự phục hồi thể hiện qua giao dịch trực tiếp được nối lại. Thị trường sẽ sắp xếp ngành, lĩnh vực nào phục hồi trước, phản ánh qua nhu cầu của người dân.
Chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp Phạm Việt Anh cho rằng, thời gian qua, dịch vụ thường chiếm tỷ trọng gần 50% cơ cấu GDP, đồng thời tạo việc làm cho hơn 30% lực lượng lao động. Tuy nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực này lại chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ, có tiềm lực yếu và dễ bị tổn thương trong giai đoạn dịch Covid-19.
Do đó, nếu được hỗ trợ phục hồi, dịch vụ sẽ tạo đà phát triển chung cho nền kinh tế, đồng thời giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho lượng lớn lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh. Ông Phạm Việt Anh đánh giá các ngành dịch vụ như F&B và du lịch đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân sau thời gian giãn cách xã hội.
Kích cầu du lịch nội địa
Dịp nghỉ lễ vừa qua cũng trùng với thời điểm chấm dứt giãn cách xã hội nên lượng người đi du lịch, tham quan đã tăng vọt. Nhiều địa phương trong nước đã nhanh nhạy đưa ra các chính sách kích cầu du lịch, giảm giá nhiều sản phẩm, dịch vụ, kết hợp với các chương trình chăm sóc du khách. Trong bối cảnh hiện nay, kích cầu du lịch nội địa hiện nay đang là giải pháp rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch.
Ngay trong dịp nghỉ lễ, nhiều địa phương đã đón số lượng khách tăng cao, mặc dù nếu so với cùng kỳ những năm trước vẫn còn kém xa, thậm chí có nơi thấp hơn nhiều, nhưng so với khung cảnh vắng tanh khi giãn cách xã hội thì đây đã có thể được coi là dấu hiệu khả quan trong việc thúc đẩy du lịch trong nước phục hồi trở lại sau một thời gian dài im ắng.
Theo số liệu báo cáo, Đà Lạt đón 58 nghìn lượt khách, Bình Thuận đón 35 nghìn lượt khách, Quảng Bình đón 35 nghìn lượt khách, Kiên Giang gần 38 nghìn lượt khách, Ninh Thuận tới 30 nghìn lượt khách. Kỳ nghỉ lễ năm nay trùng với thời điểm nắng nóng nên số lượng du khách đi nghỉ ở các bãi biển tăng cao. Khu du lịch Sầm Sơn đạt 50% công suất phòng, có những ngày bãi biển Sầm Sơn kín đặc với hàng nghìn người xuống tắm biển.
Du lịch Khánh Hòa đón gần 3 nghìn lượt khách. Đặc biệt là Nghệ An, địa phương này đón tới 110 nghìn lượt du khách, trong đó 55 nghìn lượt khách tới nghỉ ở bãi biển Cửa Lò, còn lại là tham quan ở các điểm du lịch khác như Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên; huyện miền núi Con Cuông, Khu di tích Truông Bồn (Đô Lương), khu du lịch biển Diễn Thành (Diễn Châu), khu du lịch biển Quỳnh (Quỳnh Lưu)…
“Hồi sinh” trở lại cho các nhà hàng nhóm ngành F&B
Có thể nói, 0 giờ ngày 23/4 là dấu mốc bỏ giãn cách xã hội, các hàng quán nhà hàng ăn uống được mở cửa trở lại, khách hàng hưởng ứng “xông quán” nhiệt tình. Cả chủ quán lẫn thực khách đều hân hoan trong ngày mở cửa trở lại khi mà nhu cầu gặp mặt, ăn uống bên ngoài của người tiêu dùng dự đoán sẽ tăng cao sau giãn cách xã hội, nhưng vẫn đảm bảo trong khuôn khổ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn.
Vui mừng và được người tiêu dùng hưởng ứng nhiều nhất có lẽ là các cửa hàng kinh doanh ăn uống. Thị trường F&B (nhóm hàng phục vụ ăn uống) từ các cửa hàng đơn lẻ đến những chuỗi nhà hàng tên tuổi đều đồng loạt hoạt động trở lại cùng những ưu đãi hấp dẫn tới khách hàng. Không chỉ hệ thống chuỗi, các hàng quán ăn uống cũng khai trương trở lại, nhịp sống thành phố bắt đầu nhộn nhịp sau thời gian dài yên ắng.
Xét về kinh doanh, việc bỏ giãn cách xã hội trong giai đoạn này nhằm hỗ trợ các chủ quán tăng nguồn thu trở lại, bù đắp hao hụt sau chuỗi ngày chật vật do dịch bệnh gây ra. Có không ít các hệ thống nhà hàng cà phê gửi đơn kêu gọi chủ cho thuê mặt bằng giảm/giãn thậm chí miễn tiền thuê do áp lực duy trì hoạt động kinh doanh. Và những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, đồ uống sống sót tồn tại sau những ngày giãn cách xã hội chắc chắn sẽ phục hồi nhanh bởi đó là những người thích ứng nhanh, chuyển đổi mô hình kinh doanh đúng đắn hiệu quả.
So với các thị trường khác, tương lai dài hạn của F&B được đánh giá là tươi sáng và khả quan hơn cả do ảnh hưởng văn hoá ẩm thực đặc trưng của người Việt. Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam với rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá hết, là miền đất hứa cho các thương hiệu F&B phát triển hậu đại dịch Covid-19, biến những khó khăn thành động lực để thay đổi mô hình hoạt động theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cũng như tạo nên những trào lưu trải nghiệm ẩm thực mới.