Nhiều ý kiến về quy định đặc xá đối với người nước ngoài

GD&TĐ - Sáng nay (8/8), trong khuôn phổ của phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, các đại biểu cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), trong đó có quy định về quyết định đặc xá đối với người nước ngoài và đặc xá trong trường hợp đặc biệt.

Ảnh minh họa/báo Tây Ninh
Ảnh minh họa/báo Tây Ninh

Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc về điều kiện được đặc xá đối với người nước ngoài phải có Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự đến nhận người được đặc xá; cân nhắc quy định về lưu trú theo hướng trong trường hợp người nước ngoài được đặc xá nhưng Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của họ chưa đến nhận thì Cơ quan công an tạo điều kiện cho họ tự trở về nước, bảo đảm phù hợp với Công ước Viên, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các điều ước khác mà Việt Nam là thành viên.

Cũng có ý kiến đề nghị rà soát lại quy định này để bao quát hết đối tượng được đặc xá là người nước ngoài (cả trường hợp người không có quốc tịch).

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để không làm phát sinh thêm điều kiện đặc xá với phạm nhân là người nước ngoài và tránh cách hiểu có sự phân biệt đối xử giữa phạm nhân là người Việt Nam với phạm nhân là người nước ngoài, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng cơ bản giữ lại quy định của Điều 19 Luật hiện hành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Đồng thời, bỏ quy định tại khoản 5 Điều 14 của dự thảo Luật: Đối với người nước ngoài, trong hồ sơ đề nghị đặc xá cần có văn bản đồng ý tiếp nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân nếu được đặc xá.

Về đặc xá trong trường hợp đặc biệt được quy định trong các điều 22, 23 và 24 dự thảo Luật, Ủy ban Tư pháp cho biết, Báo cáo tổng kết Luật Đặc xá nêu, trong 10 năm qua chỉ có 14 người được đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước và quá trình thực hiện không phát sinh vướng mắc.

Do đó, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị tiếp tục giao cho Chủ tịch nước quyền chủ động quyết định mà không quy định cụ thể thế nào là “trường hợp đặc biệt”.

Đồng thời, Điều 22 của dự thảo Luật chỉnh lý đã quy định rõ các đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phạt tù chung thân để phân biệt với các đối tượng được đặc xá nhân ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước.

Ngoài các vấn đề đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trên đây, UBTP và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật như: trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động đặc xá; phân biệt rõ thẩm quyền của Tổ thẩm định liên ngành, thẩm quyền của Hội đồng tư vấn đặc xá; làm rõ vai trò, nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá; bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Văn phòng Chủ tịch nước...

Đồng thời, đã chỉnh lý về bố cục, kỹ thuật văn bản để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua gồm có 5 chương, 40 điều.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.