Nhiều người lạm dụng kit test Covid-19 khi đã 2 vạch

GD&TĐ - Sở Y tế Hà Nội đăng tải thông tin cảnh báo trường hợp F0 liên tục test nhanh để xem vạch đậm hay nhạt không chỉ gây lãng phí tiền của mà vô tình còn tạo ra sự khan hiếm que test trên thị trường.

Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.
Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

"Từ khi biết mình là F0, ngày nào tôi cũng test nhanh xem bệnh có nặng hơn không", chị N.N.L (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ sau 1 tuần điều trị Covid-19 tại nhà. Hay trường hợp nhà anh N.Đ.T (Ba Đình, Hà Nội), khi test lên 2 vạch, anh T nhờ người mua cho 1 hộp test nhanh dự trữ. Anh test mỗi ngày để xem vạch đã mờ hay chưa. Mỗi lần vạch mờ anh lại mừng vì nghĩ sắp khỏi bệnh.

Với nhiều người, kit test không chỉ là vật tư y tế thông dụng dành cho người có biểu hiện ho, rát họng, sốt... mà còn được xem là công cụ nhằm theo dõi tình hình chuyển biến bệnh.

Tuy nhiên, ở góc độ y học, BSCKII. Trần Văn Đăng - Phó Trưởng khoa khám bệnh, Phụ trách Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho rằng, người dân chỉ nên thực hiện test nhanh tại nhà khi có nguy cơ, triệu chứng. Để biết bệnh nhân có dương tính hay không, có 2 thời điểm cần phải test nhanh. Thời điểm đầu có triệu chứng; thời điểm hai là ngày thứ 7 và ngày thứ 14, người bệnh nên test nhanh Covid-19 để biết âm tính hay chưa.

Khi đã được xác định là F0 chỉ cần test lại vào ngày thứ 7 của bệnh. Nếu ngày thứ 7 test lại cho kết quả âm tính, có thể hòa nhập với cộng đồng bình thường; ngược lại nếu kết quả là dương tính, F0 đã tiêm 2 mũi vắc xin nên bình tĩnh và cần cách ly thêm đủ 10 ngày. Đối với F0 chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin cần thực hiện cách ly đủ 14 ngày là có thể tái hòa nhập với cộng đồng.

Trước thực trạng lạm dụng kit test, khi đã được xác định mắc Covid-19, bệnh nhân không nên test nhiều lần. Bởi việc làm này gây lãng phí và không giúp ích được gì cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Thậm chí, còn tạo nên sự khan hiếm cho thị trường kit test Covid-19.

Việc làm này tạo cơ hội đẩy giá kit test lên cao, trong khi nhiều gia đình khó khăn cần mua kit test với giá thấp hơn. Do vậy, người dân không nhất thiết phải tích trữ nhiều kit test trong nhà và test thường xuyên.

Tùy vào sức đề kháng của mỗi người mà kết quả xét nghiệm cùng lúc sẽ khác nhau. Chính vì vậy, thay bằng việc hàng ngày lạm dụng que test hãy cách ly và theo dõi sức khỏe theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và bồi bổ thức ăn, nước uống đầy đủ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong bối cảnh dịch diễn biến như hiện nay, việc trang bị kiến thức cho cá nhân để tự quản lý và điều trị Covid-19 tại nhà là điều cần thiết.

Bênh cạnh việc uống thuốc đầy đủ và tập một số bài tập để cơ thể khỏe mạnh hơn thì việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh là rất quan trọng.

F0 điều trị tại nhà có thể tự điều trị nâng đỡ bằng cách nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh thông thoáng, vệ sinh mũi họng, giữ ấm, uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung vitamin, hạ sốt bằng paracetamol, tập thở, tư thế nằm sấp, theo dõi sát lâm sàng để xem bệnh có trở nặng hay không để được tư vấn bởi nhân viên y tế và cấp cứu kịp thời.

Liên quan đến xét nghiệm Covid-19, thông tin trên báo chí, PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện nay số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, quá lo lắng, một số người dân ngày nào cũng mua kit test nhanh Covid-19 để xét nghiệm hoặc không tin kết quả test nhanh lại làm xét nghiệm RT-PCR.

Theo bác sĩ Thanh, khi xét nghiệm test nhanh dương tính hay âm tính cũng không nhất thiết phải làm RT-PCR.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, người dân không nên quá lo lắng, ngày nào cũng mua kit để xét nghiệm sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí. Bởi khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để vi rút nhân lên, tiếp xúc xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 1-2 ngày sau. Khi xét nghiệm test nhanh dương tính cũng không nhất thiết phải làm PCR, vạch mờ hay đậm không nói lên được bệnh nặng, nhẹ, nhiều hay ít vi rút.

“Nếu quá lạm dụng việc xét nghiệm sẽ dẫn tới tình trạng khan hiếm kit test và có thể không bảo đảm cho cuộc chiến lâu dài này được” - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo.

Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà thực hiện test nhanh vào ngày thứ 7. Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin.

Với F1 cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo. F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin, thực hiện cách ly 7 ngày, thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 7.

Bên cạnh đó, người dân nên mua và sử dụng kit test có nguồn gốc rõ ràng, thuộc danh sách sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép, có nhãn mác đầy đủ thông tin và tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng việt, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Việc sử dụng bộ kit test nhanh để phát hiện nhằm chữa trị kịp thời bệnh dịch Covid-19 là cần thiết. Song, mọi người dân cần lưu ý sử dụng test nhanh một cách hợp lý, hiệu quả để cùng nhau phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch, tránh gây lãng phí và tốn kém không cần thiết.

Ngoài ra, sau khi hoàn thành việc lấy mẫu, xét nghiệm và đọc kết quả, cần cho tất cả vật dụng đã sử dụng vào trong túi và dán kín lại. Tránh vứt những dụng cụ xét nghiệm này trực tiếp vào thùng rác sinh hoạt của gia đình; chú ý vệ sinh, khử khuẩn tay các bề mặt liên quan theo đúng quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ