(GD&TĐ)-Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, từ ngày 1/8 đến ngày 15/9 đã tiến hành xử lý gần 6000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Xử phạt vi phạm nồng độ cồn tại Hà Nội (ảnh MH) |
Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm nay thực hiện chủ đề “Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện”. Để ngăn chặn trường hợp người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông vi phạm quy định này, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã áp dụng biện pháp kiểm tra nồng độ cồn đối với người lái xe. Chỉ tính riêng trong tháng 8, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 5.134 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và nửa đầu tháng 9 đã có gần 500 trường hợp bị xử lý.
Uống rượu bia, là tập quán lâu đời trong xã hội. Pháp luật không cấm người uống rượu, bia nhưng cấm người đã uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc kiểm tra nồng độ cồn người lái xe không chỉ thực hiện trong tháng ATGT mà được thực hiện lâu dài, quyết liệt để tạo cho người dân có ý thức “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Việc này đòi hỏi cả xã hội phải lên án vì sai sót do rượu bia dẫn đến tai nạn giao thông không thể khắc phục.
Tại Hà Nội: Tất cả mức xử phạt về nồng độ cồn trong hơi thở đều được áp dụng theo các quy định của Nghị định 34. Cụ thể, nếu nồng độ cồn đo được từ 0,25 - 0,4mg/lít thì người điều khiển mô tô, xe máy sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng; nếu người điều khiển ô tô với lỗi vi phạm này, sẽ bị xử phạt từ 1 triệu – 1,4 triệu đồng. Nếu nồng độ cồn đo được vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở, ngoài bị phạt 4 đến 6 triệu đồng, người vi phạm còn phải đi học lại Luật Giao thông đường bộ. |
Đối với những người chống đối việc kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử lý kiên quyết. Với những người không hợp tác (ngậm ống đo nhưng không thổi, thổi không đủ hơi…), CSGT sẽ dùng phương tiện đo thế hệ mới để đo qua hơi thở (người bị kiểm tra không cần phải thổi hơi vào ống đo) hoặc kiểm tra qua xét nghiệm máu theo quy định.
Cũng trong thời gian này, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 575.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (trong đó có 37.906 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 5.134 trường hợp vi phạm nồng độ cồn).
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông đã bắt giữ 165 tên tội phạm; thu 8 khẩu súng và 416 viên đạn các loại, 38 dao kiếm, 11 roi điện, 14 bình xịt hơi cay, 15 bánh heroin, 42 kg thuốc nổ, 453 kg pháo nổ, 11 ôtô và 52 môtô. Kiểm tra, phát hiện 166 vụ vận chuyển hàng cấm, hàng trốn thuế và nhiều hàng hóa giá trị chuyển giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Cục cũng tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho cảnh sát giao thông các địa phương trên tuyến Quốc lộ trọng điểm để thực hiện Tháng an toàn giao thông, gắn với việc kiểm tra việc chấp hành điều lệnh, quy trình công tác, phòng ngừa sai phạm tiêu cực trong hoạt động tuần tra, kiểm soát.
Minh Duy