Nhiều chuyện lạ xung quanh việc sa thải giám đốc FBI

Một giờ trước khi thông tin sa thải Giám đốc FBI James Comey được công bố, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer và Giám đốc truyền thông Michael Dubke mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đến để thông báo. 

Bức ảnh về cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 10/5 tại Nhà Trắng gây xôn xao dư luận. Ảnh: Tass.
Bức ảnh về cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 10/5 tại Nhà Trắng gây xôn xao dư luận. Ảnh: Tass.

 Một ngày sau khi sa thải ông Comey, Tổng thống Mỹ tiếp Ngoại trưởng Nga, Đại sứ Nga và cựu cố vấn Henry Kissinger tại Nhà Trắng.

Bí mật

Hôm 10/5, một ngày sau khi Giám đốc FBI bị sa thải, Tổng thống Trump tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak tại Nhà Trắng.

Dù cuộc gặp gỡ này diễn ra ngay tại trung tâm quyền lực của nước Mỹ, nhưng tất cả phóng viên nước ngoài và kể cả phóng viên Mỹ đều không được tham dự, trừ một phóng viên ảnh của hãng thông tấn Nga Tass. Hôm sau, khi truyền thông Nga đăng bức ảnh ba người tươi cười, bắt tay tại Nhà Trắng, đám phóng viên Mỹ mới ngã ngửa.

Theo ông Andrei Sitov, Trưởng đại diện hãng thông tấn Tass tại Washington, ông chính là người đã chụp bức ảnh trên. Ông là người tháp tùng và đi cùng máy bay với Ngoại trưởng Nga trong chuyến công du Mỹ lần này. Ông bước vào Nhà Trắng với tư cách là phóng viên ảnh chính thức.

Việc Tổng thống Trump tiếp Ngoại trưởng Nga tại Nhà Trắng và có sự hiện diện của Đại sứ Nga Kislyak cũng là một sự lạ. Bởi lẽ, ông Kislyak là nhân vật chủ chốt trong các cuộc điều tra về mối quan hệ của ông Trump với Nga.

Sau khi bức ảnh chụp ba người được truyền thông Nga công bố và đăng lên mạng xã hội Twitter, báo giới Mỹ nhận định, đây là cuộc gặp gỡ kỳ lạ và đưa ra những lời châm biếm mỉa mai. Chẳng có gì sai trái khi các tổng thống đương nhiệm mời đại diện nước ngoài đến Phòng Bầu dục, nhưng họ thường không chủ trì các cuộc gặp gỡ với chính khách của những nước liên quan các vụ bê bối trong chính quyền Mỹ.

Công khai

Ngoài việc tiếp đón các quan chức Nga, ông Trump cũng gây ngạc nhiên khi đón tiếp cựu cố vấn Henry Kissinger tại Nhà Trắng, cũng trong ngày 10/5.

Cuộc gặp này không nằm trong lịch trình chính thức của tổng thống và nó cũng gây bất ngờ. Bởi lẽ, hôm đó, các phóng viên được dẫn tới Phòng Bầu dục và tưởng là được tham dự cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Nga Lavrov. Nhưng cuối cùng, họ được chứng kiến cuộc trò chuyện giữa ông Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ 93 tuổi.

Ông Kissinger nổi tiếng nhất với vai trò cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng trong thời kỳ Tổng thống Richard Nixon. Gần đây, ông tư vấn cho Tổng thống Trump về một số vấn đề đối ngoại. Ông Kissinger từng nói rằng, cựu Giám đốc FBI James Comey đã làm không tốt công việc của mình. Tại cuộc gặp gỡ này, ông Kissinger đã nói về Nga và nhiều vấn đề khác, bao gồm Syria, truyền thông Mỹ đưa tin.

Một ngày sau khi sa thải Giám đốc FBI James Comey, Tổng thống Trump công khai cuộc gặp gỡ với ông Kissinger - người từng chê trách ông Comey. Bình thường, các tổng thống đương nhiệm thường tránh gặp gỡ những người có quan hệ chặt chẽ với ông Nixon. Hai việc làm trên khiến giới báo chí Mỹ nhận định, Tổng thống Trump đã phạm phải sai lầm tồi tệ nhất trong 111 ngày nhậm chức của ông.

Bị động

Ông Trump giữ bí mật việc sa thải Giám đốc FBI đến phút chót. Chỉ một giờ trước khi thông tin sa thải được công bố, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer và Giám đốc truyền thông Michael Dubke mới được gọi đến Phòng Bầu dục và được thông báo về quyết định đối với ông Comey. Do đó, đội ngũ truyền thông của ông Trump đã không có một chiến lược truyền thông chính thức về việc thông báo như thế nào và sau đó giải thích vấn đề ra sao.

Theo các quan chức Nhà Trắng, Tổng thống đã tức giận và buộc phải đổ lỗi cho ông Spicer và hoạt động truyền thông của ông Dubke.

Ông Spicer hoàn toàn bất ngờ và hầu như không có thời gian để chuẩn bị. Ông Spicer bị đẩy vào cuộc họp báo bất ngờ và sau đó bị các phóng viên chuyên trách Nhà Trắng “quây” ngay tại lối đi bên ngoài Nhà Trắng, nơi ánh sáng lờ mờ. Trong lúc bối rối, ông Spicer chỉ đồng ý trả lời các câu hỏi ngắn của báo chí với điều kiện phải tắt đèn máy quay, máy ảnh và chỉ cho ghi âm.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ