Nhiều chủ xe “vạ lây” do chở động vật hoang dã trái phép

Hoạt động vận chuyển và chuyên chở hàng hóa tại nước ta hiện nay đang tồn tại nhiều rủi ro, phần lớn bắt nguồn từ việc vận chuyển nhầm hàng cấm, hàng lậu và động vật hoang dã trên các phương tiện vận tải, đặc biệt là đường bộ…

Nhiều chủ xe “vạ lây” do chở động vật hoang dã trái phép

Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Quản trị rủi ro trong doanh nghiệp dịch vụ vận tải và hậu cần” do TRAFFIC, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 1/11.

Theo bà Nguyễn Tuyết Trinh, cán bộ của tổ chức TRAFFIC, ước tính trên thế giới mỗi năm buôn bán các loại động vật hoang dã trái phép trị giá lên đến khoảng 24 tỷ USD. Đây là một mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của một số loài động vật hoang dã quý hiếm. Tiếp tay cho các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã, dù vô tình hay cố ý, vai trò của mạng lưới vận tải là không nhỏ.

Tại Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải không được chở các loại hàng cấm, hàng lậu, hàng dễ cháy nổ, chất gây nghiện… cũng không cho phép vận chuyển động vật hoang dã. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, thực tế hoạt động kinh doanh vận tải vẫn tồn tại không ít vi phạm những quy định nêu trên.

Theo các đại biểu, nuyên nhân là do việc tuyên truyền chấp hành pháp luật trong kinh doanh vận tải cho lái xe của các đơn vị vận tải còn yếu kém hoặc chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, do lợi nhuận từ việc vận chuyển các loại hàng cấm lớn nên lái xe đã bất chấp các quy định của pháp luật để thực hiện.

Nhieu chu xe

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình đã dừng và kiểm tra xe tải, phát hiện và thu giữ 61 con tê tê Java và 37 con rùa đầu to bị vận chuyển trái phép vào ngày 4/10. Ảnh minh họa.

Một số lái xe do chủ quan đã vô tình tiếp tay cho tội phạm buôn bán động vật hoang dã và vô tình chủ xe phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Ông Nguyễn Tòng, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Hoàng Kim chia sẻ kinh nghiệm "để đời" của mình. Năm 2013, hợp tác xã có xe chở khách từ Sơn La về Hòa Bình đã chuyển 2 thùng hàng của 1 chủ hàng đựng trong thùng xốp. Theo quy định của pháp luật, nhà xe không được kiểm tra hành lý hàng hóa của khách nên lái xe không biết là hàng cấm, đến thị trấn Mộc Châu xe bị cơ quan chức năng kiểm tra, chủ hàng bỏ trốn, cơ quan chức năng phát hiện đây là tê tê và rùa hoang dã là động vật cấm nên hệ lụy là lái xe phải chịu trách nhiệm, hợp tác xã phải đứng ra chịu trách nhiệm và giải quyết với cơ quan chức năng.

Trong xu thế toàn cầu hóa, doanh nghiệp nào kinh doanh có trách nhiệm với xã hội và môi trường sẽ nâng cao được uy tín và vị thế cạnh tranh. Một trong những giải pháp thiết thực có thể giúp các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nâng cao uy tín với khách hàng, xã hội và phát triển bền vững là tỏ thái độ không khoan nhượng, không tiếp tay vận chuyển hoặc buôn bán các loại động vật hoang dã cũng như các loại hàng cấm khác.

Để làm được điều đó, doanh nghiệp vận tải cần phải nắm vững quy định của pháp luật trong nước và quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, pháp luật trong kinh doanh vận tải…. Trên cơ sở đó tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho lái xe chấp hành nghiêm túc pháp luật và chủ trương của công ty là “nói không” với những hành vi tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã và các loại hàng cấm khác.

Theo Tin Tức TTX

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ