Nhiễm Covid-19, cúm và viêm phổi đồng cấp nguy hiểm đến tính mạng

GD&TĐ -Người mắc Covid-19 bị đồng nhiễm với các bệnh hô hấp có nguy cơ tử vong cao gấp 5,82 lần so với bệnh nhân Covid-19 không bị đồng nhiễm.

Tiêm vắc-xin có thể giảm nguy cơ bệnh nặng khi mắc Covid-19 hoặc cúm.
Tiêm vắc-xin có thể giảm nguy cơ bệnh nặng khi mắc Covid-19 hoặc cúm.

Tình trạng đồng nhiễm, bội nhiễm có thể dẫn đến biến chứng hoặc thậm chí gây tử vong ở những nhóm có nguy cơ cao.

Nguy cơ các bệnh đường hô hấp bùng phát

Việt Nam đang ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca bệnh Covid-19, với nguy cơ xuất hiện BA.2.75 - biến chủng phụ lây nhanh của Omicron. Trong bối cảnh này, bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC - cảnh báo, vào mùa thu - đông, các mầm bệnh truyền nhiễm đường hô hấp khác, nhất là phế cầu khuẩn và cúm, cũng có thể bùng phát mạnh mẽ.

Theo bác sĩ Chính, Covid-19 và các bệnh hô hấp này có điểm chung là đều tấn công, tàn phá các mô phổi nặng nề. Nếu đồng nhiễm, bội nhiễm cả Covid-19 và các bệnh như cúm, viêm phổi do phế cầu, phổi sẽ bị tàn phá nặng nề, tỷ lệ tử vong tăng cao. Chuyên gia này dẫn chứng, các nhà nghiên cứu phát hiện trong đại dịch Covid-19, một nửa số ca tử vong do Covid-19 có biểu hiện đồng nhiễm virus, vi khuẩn.

Trong đó, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là tác nhân gây bệnh đồng nhiễm phổ biến nhất trong đại dịch Covid-19. Bệnh nhân Covid-19 bị đồng nhiễm với các bệnh hô hấp có nguy cơ tử vong cao gấp 5,82 lần so với bệnh nhân Covid-19 không bị đồng nhiễm. Tình trạng đồng nhiễm, bội nhiễm có thể dẫn đến biến chứng hoặc thậm chí gây tử vong ở những nhóm có nguy cơ cao gồm: Phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, phế cầu khuẩn nguy hiểm không kém Covid-19. Những người từng mắc Covid-19 hoặc mắc nhiều lần, nếu tái nhiễm virus này hoặc để phế cầu tác động thêm một lần nữa, phổi sẽ quá sức chịu đựng gây viêm phổi nặng. Từ đó, tắc mạch phổi và thậm chí suy hô hấp cấp tiến triển.

Chuyên gia nhấn mạnh, trước làn sóng Covid-19 đang nóng lên trên toàn thế giới, số F0 nhập viện tăng cao trở lại, việc chủ động bảo vệ phổi là vô cùng cần thiết. Không chỉ vắc-xin Covid-19, hiện nay, Việt Nam cũng đang lưu hành một số loại như vắc-xin cúm và phế cầu có tác dụng bảo vệ phổi.

Đồng thời, phòng ngừa các bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa cấp tính... Nhờ đó, tránh đồng nhiễm Covid-19, loại trừ những triệu chứng dễ nhầm lẫn. Ngoài ra, có khả năng bảo vệ chéo với Covid-19.

“Đối với vắc-xin phế cầu, người lớn chỉ cần tiêm một mũi là đã tạo được kháng thể bảo vệ lâu dài. Vắc-xin cúm cần nhắc lại hằng năm để duy trì khả năng bảo vệ tốt nhất cho cơ thể vì virus cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên”, bác sĩ Chính khuyến cáo.

Covid-19 khó có nguy cơ bùng phát trở lại

Theo BS Bạch Thị Chính, bên cạnh chủ động tiêm vắc-xin tăng cường đề kháng hô hấp, người dân cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Đồng thời, rửa tay sạch với xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và thông thoáng. Có chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý tăng cường sức khỏe.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, nếu theo dõi các nước trên thế giới, có thể thấy, sau khi có sự xuất hiện của biến chủng BA.2, BA.2.75 hoặc BA.5, mọi sinh hoạt tại những quốc gia này vẫn bình thường. Những nước này cũng không còn giãn cách, cách ly do đã có miễn dịch cộng đồng. Thay vào đó, nhóm đặc biệt cần chú ý là người trên 80 tuổi, nhiều bệnh nền.

Các thống kê cho thấy, BA.5 thường gây bùng phát dịch khoảng từ 2 - 3 tuần. Sau đó, dịch bệnh sẽ tự đi xuống. Cũng theo bác sĩ Khanh, tỷ lệ nhập viện ở người mắc BA.5 thấp hơn nhiều so với các chủng trước. Chuyên gia này nhận định, dịch khó có thể bùng phát như cách đây 1 năm.

“Nghiên cứu cho thấy, sau khi nhiễm Delta, mọi người vẫn có thể mắc Omicron. Tỷ lệ này là dưới 10%. Người từng nhiễm BA.2 cũng có thể mắc BA.5. Tỷ lệ cũng là dưới 10%. Tình trạng nhẹ hơn tức là khả năng nhập viện thấp hơn. Tuy nhiên, đó là ở người có miễn dịch tốt”, bác sĩ Khanh cho biết.

Trong khi đó, chia sẻ về bệnh cúm, theo bác sĩ Khanh, một người có thể mắc bệnh trong năm nay và tiếp tục cả sang năm. Chuyên gia này dẫn chứng, ở Việt Nam, một nghiên cứu từng xét nghiệm trên những trẻ ho nhẹ cho thấy, có 30% bé mắc cúm. Tuy nhiên, virus cúm thay đổi cấu trúc hằng năm. Do đó, người dân cần tiêm phòng cúm hằng năm, đặc biệt là nhóm có bệnh nền, trẻ nhỏ.

Giải thích về nguy cơ đồng nhiễm Covid-19, cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn, bác sĩ Khanh cho biết: “Thông thường, trong họng và không khí có rất nhiều tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, con người sống cùng với nó, do sức khỏe tốt nên không bị xâm lấn.

Khi mắc bệnh nào đó, sức đề kháng giảm, những con vi khuẩn đó sẽ tấn công. Khi đó, chúng ta gọi là đồng nhiễm. Tùy theo tác nhân kèm theo, bệnh có thể sẽ nặng hơn. Xác suất nặng hơn khá nhiều. Do đó, người dễ mắc bệnh phổi nên tiêm phòng vắc-xin cúm, phế cầu. Nhờ đó, giảm trường hợp đồng nhiễm và biến chứng”, chuyên gia khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.