Nhen lên ngọn lửa công nghệ giữa núi rừng Tây Nguyên

Nhen lên ngọn lửa công nghệ giữa núi rừng Tây Nguyên

Say mê với công nghệ thông tin, yêu trò, tâm huyết với nghề giáo chính là động lực giúp cô luôn cố gắng làm tròn nhiệm vụ. 

Tấm lòng thiện nguyện

Cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, bởi vậy những em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi, cái ăn, cái mặc còn chưa đủ đầy. Thế nên, với vai trò là Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ của trường, cô Sen luôn mong muốn có thể mang thêm nhiều niềm vui đến cho các em. Vào đầu năm học mới, hay những dịp lễ, tết, cô thường kết nối với những “tấm lòng vàng” để vận động hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn.

Đầu năm thì sách vở, giấy bút, áo quần, dịp Tết Trung thu là những món quà chứa đựng bao yêu thương... Có năm quà vận động được trị giá lên tới hơn 40 triệu đồng, thế là những HS trong trường có thêm niềm hạnh phúc. Nhìn những ánh mắt thơ ngây, lấp lánh nụ cười khi được vui chơi và đón nhận những món quà từ nhiều tấm lòng thiện nguyện, cô giáo trẻ hiểu và cảm nhận được những nỗ lực của mình đã được đáp đền.

Cô Hồ Thị Sen tâm sự: “Việc chọn theo nghề giáo bắt nguồn những kỷ niệm thời học trò. Tôi luôn nhận được sự yêu thương, quan tâm từ thầy cô giáo của mình cũng như gia đình. Chính sự ân cần, tận tâm ấy đã nhen lên trong tôi ước mơ phấn đấu để có thể trở thành cô giáo. Tôi mong ước mang đến cho học trò những tri thức, gieo vào tâm hồn các em những ước mơ về cuộc sống như tôi đã từng nhận được từ thầy cô của mình. Ơn nghĩa của thầy cô tôi luôn khắc ghi và tự nhủ lòng: Hãy sống và làm việc như các thầy cô, yêu thương HS như thầy cô đã yêu thương quan tâm đến mình”.

Vượt ra khỏi nương rẫy

Nhen lên ngọn lửa công nghệ giữa núi rừng Tây Nguyên ảnh 1
Cô giáo Hồ Thị Sen.

CNTT là cánh cửa mở ra thế giới, vì thế cô giáo Hồ Thị Sen từng ngày trang bị kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết cho HS, giúp các em có thể tiến xa hơn, vượt ra khỏi nương rẫy để có thể đổi thay buôn làng của mình. Cô Sen chia sẻ: Kiến thức về CNTT vẫn còn là những điều xa lạ với những đứa trẻ nơi này. Nhiều em còn lạ lẫm khi nhìn thấy chiếc máy vi tính và ngạc nhiên với những tính năng của máy. Nhưng dần dần, khi được giới thiệu và làm quen, các em cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong thao tác.

“Ngoài việc giúp HS hiểu được vai trò của từng phím trên máy tính, tôi đã áp dụng một số cách thức đơn giản nhất trong quá trình giảng dạy để giúp các em biết cách khai thác thông tin trên mạng một cách hiệu quả nhất. Chính sự kết nối thông tin qua máy tính giúp HS của tôi biết thêm nhiều điều mới lạ ở thế giới rộng lớn mà không chỉ bó hẹp với cuộc sống xung quanh các em.

Để HS có cái nhìn đúng đắn khi sử dụng Internet, trong các bài dạy trên lớp, tôi không quên dành thời gian lồng ghép các kiến thức liên quan đến việc sử dụng Internet an toàn, tôn trọng bản quyền của người khác khi tìm kiếm thông tin… Tôi định hướng và gửi cho các em những trang thông tin hữu ích, có liên quan và phù hợp với lứa tuổi, khích lệ các em hỗ trợ lẫn nhau nhằm tìm kiếm thông tin và hoàn thành các yêu cầu của bài học. Ngoài các phần mềm để thực hành chính khóa như Microsoft Paint, Microsoft Word, tôi cung cấp thêm cho các em một số phần mềm khác như Scratch, Lập trình cùng Dariu. Ngoài ra, tôi còn cung cấp các trang em yêu tin học, tự học Tiếng Anh, Toán...”, cô Sen cho hay.

Trong thời gian HS không đến trường do dịch Covid-19, cô Sen đã nỗ lực dạy học trực tuyến cho những HS có điều kiện về thiết bị CNTT. Đặc thù của môn Tin học là cần được thực hành. Tuy nhiên, việc cùng với HS tham gia học trực tuyến để hoàn thành các nội dung bài tập là một điều khó khăn, nhất là đối với HS ở xã Ea Kuếh.

Do không phải tất cả HS đều có điều kiện về thiết bị kết nối Internet, thế nên trong thời gian này, cô Sen chưa dạy các bài học trong sách giáo khoa mà tổ chức các buổi chia sẻ cùng với các em về cách sử dụng Internet an toàn, sử dụng các công cụ để làm việc cộng tác như Microsoft Word, Sway, đọc sách… Tất cả các nội dung đó đều được truyền tải qua ứng dụng như Zalo, Faceboook… đặc biệt là Microsoft Teams.

“Tôi không tạo áp lực cho các HS của mình. Thay vào đó, tôi khơi gợi, trao đổi và hướng dẫn các em thực hành các thao tác đơn giản nhất với những nội dung thiết thực với lứa tuổi tiểu học. Bởi tôi nghĩ rằng qua việc thực hiện trao đổi qua Internet của các em với thầy cô, bạn bè sẽ hình thành nên các kỹ năng thiết yếu, góp phần phát triển toàn diện cho HS theo đúng mục tiêu chung của giáo dục nhằm phát triển năng lực người học”, cô giáo Hồ Thị sen cho biết như vậy. 

Nhiều năm cô giáo Hồ Thị Sen đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở, cô đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy. CLB Tin học do cô Sen đảm nhiệm luôn hoạt động tích cực và là sân chơi bổ ích cho những HS có năng khiếu và yêu thích môn Tin học. Cô trò đã mạnh dạn tham gia Diễn đàn Giáo dục đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.