Nhanh chóng kiện toàn lại ngành xuất bản

GD&TĐ - Thực trạng nhiều nhà xuất bản gặp khó khăn về nguồn vốn, hoạt động cầm chừng, quản lý còn lỏng lẻo đã khiến cho ngành xuất bản chưa phát huy được thế mạnh của mình. 

Nhanh chóng kiện toàn lại ngành xuất bản

Bởi vậy việc đưa ra những giải pháp kịp thời trong vấn đề kiện toàn lại ngành xuất bản là những yêu cầu cấp thiết cần được đặt ra.

Vẫn khó khăn trong xuất bản

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” ngay đầu tháng Tám vừa qua, các con số thống kê cho thấy: Trong lĩnh vực xuất bản, nhịp độ phát triển được duy trì, chất lượng một số mảng sách có chuyển biến tích cực.

Năm 2015, toàn ngành đã xuất bản 29.000 đầu sách, trên 369 triệu bản, đạt 4,1 bản sách/đầu người/năm (tăng 1,4 lần so với năm 2004).

Lĩnh vực in có sự phát triển nhanh về quy mô, số lượng, tốc độ tăng tưởng từ 8% đến 10%/năm. Lĩnh vực phát hành cũng đạt được một số thành tựu như phát triển mạnh số lượng, mở rộng quy mô, năng lực hoạt động...

Chất lượng sách được nâng lên một bước. Cụ thể sách lý luận chính trị đã phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo từng năm.

Sách pháp luật đã góp phần tích cực vào phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng trong xã hội. Sách khoa học – công nghệ đã đi vào được một số lĩnh vực quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Chị Thu Hương - Biên tập viên của NXB Kim Đồng - nhận xét: Những năm gần đây, các thể loại sách văn hóa, văn học, nghệ thuật, sách cho thiếu niên, nhi đồng tiếp tục có bước phát triển mới, phong phú hơn, mở rộng cả về phạm vi, thể loại đề tài.

Bên cạnh các đầu sách văn học kinh điển thì nhiều tủ sách về danh nhân, lịch sử, sách viết cho đối tượng thiếu niên, nhi đồng được ra mắt với nội dung và hình thức phù hợp.

Nhìn một cách tổng thể thì số lượng sách xuất bản vẫn chưa đạt chỉ tiêu phát triển, cơ cấu sách còn bất hợp lý, chất lượng một số mảng sách còn hạn chế.

Đến năm 2015, số bản sách trên đầu người chỉ 4,1 bản/người/năm (ở các nước phát triển, tỉ lệ thường là 15 bản sách/đầu người/năm), 70% là sách giáo dục.

Mô hình tổ chức hoạt động nhiều bất cập, hiệu quả kinh tế chưa cao, năm 2015 chỉ có 33/61 nhà xuất bản (chiếm 55%) đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật.

Số lượng nhà xuất bản theo mô hình doanh nghiệp giảm nhanh (từ 45% năm 2004 còn 29% năm 2015). Lĩnh vực in phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững, hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp.

Hệ thống phát hành quốc doanh sau quá trình cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, mất vai trò chủ đạo trên thị trường. Lực lượng phát hành sách tư nhân phát triển nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều hạn chế, khó kiểm soát.

Phải siết chặt quản lý

Rõ ràng đi đôi với những kết quả đạt được của ngành xuất bản thì vẫn còn những tồn tại. Sự gia tăng các nhà xuất bản (từ 48 nhà xuất bản vào năm 2004 tăng lên tới 64 nhà xuất bản năm 2014) cũng mang đến những lỗ hổng trong quản lý.

Bởi năm 2014 cũng là năm mà có tới 399 ấn phẩm khi ra mắt bạn đọc đã bị xử lý do hình thức và đặc biệt là nội dung các ấn phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục hay như chất lượng các ấn phẩm này quá kém.

Như vậy chúng ta không nên chạy theo số lượng mà lơi lỏng về chất lượng trong các khâu biên tập. Điều này đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước cần được tăng cường hơn nữa.

Trên thực tế ở Hà Nội tại nhiều quầy sách trên vỉa hè các con phố như Nguyễn Quý Đức, Đinh Lễ, Láng Hạ, Xuân Thủy… vẫn ngang nhiên bày bán các loại sách kém chất lượng với giá giảm tới 20, 30% thu hút khá đông người mua. Và ngay bản thân một số nhà xuất bản cũng có hiện tượng bán lại giấy phép kinh doanh còn lại thì hoạt động khá cầm chừng.

Đứng trước tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần có các giải pháp mạnh để siết chặt các khâu quản lý. Đối với các nhà xuất bản không đủ điều kiện hoạt động, trình độ thấp, làm chiếu lệ, sai phạm nhiều quá thì các cơ quan chủ quản chắc chắn phải xem xét chấn chỉnh lại bộ máy hoạt động để ngăn ngừa các sai phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ