Nhân viên sợ kết bạn với sếp trên facebook

Với suy nghĩ “Chơi với sếp như chơi với hổ” nên mọi người không muốn kết bạn facebook với sếp của mình.

Khi kết bạn với sếp, đồng nghĩa với việc họ không được thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình trên facebook. Ảnh minh họa
Khi kết bạn với sếp, đồng nghĩa với việc họ không được thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình trên facebook. Ảnh minh họa

Trong môi trường công sở vốn dĩ phức tạp, facebook đóng một vai trò rất quan trọng, đó là gắn kết đồng nghiệp để giúp họ hiểu và gần gũi với nhau hơn.

Đa phần dân văn phòng dùng facebook như một công cụ thám thính thông tin về đồng nghiệp hoặc dùng để trao đổi công việc, những câu chuyện thường ngày. 

Có thể thấy rõ lợi ích facebook mang lại cho dân công sở là sự tiết kiệm thời gian khi trao đổi công việc, hạn chế việc đi lại hay dùng lời nói, cũng như sự kết nối chặt chẽ về tình đồng nghiệp trong môi trường công sở. 

Lúc này, mối quan hệ không còn đơn thuần là xã giao quen biết thực tế, kết nối trên facebook cho mọi người cơ hội tìm hiểu thêm thông tin và tính cách về nhau qua những dòng status được chia sẻ.

Giống như con dao hai lưỡi, facebook khiến không ít doanh nghiệp trở nên e ngại khi nhân viên của họ lạm dụng quá nhiều dẫn đến sự lười biếng trong công việc, hình thành thói “soi mói” khó ưa nơi công sở. 

Vì thế, một số doanh nghiệp chặn facebook nơi làm việc, hạn chế những tiêu cực mà nó mang đến. Tuy nhiên, giống như một loại virus lây lan, facebook vẫn là mạng xã hội phổ biến hàng đầu và được nhiều người lựa chọn.

Đa số dân công sở đều nhận định, việc đầu tiên khi họ truy cập vào máy tính mỗi sáng ở cơ quan chính là lướt facebook để cập nhật tình hình của mọi người, hay các sự kiện “nóng” diễn ra trước đó. 

Họ dành khoảng 30 phút đến một tiếng đồng hồ cho việc "thăm dò" và comment trên facebook của bạn bè, đồng nghiệp. Nhờ cập nhật thường xuyên, họ có thêm nhiều đề tài để “buôn” cùng đồng nghiệp, giảm bớt không khí bí bách nơi công sở.

Chị Hoàng Nga (29 tuổi, nhân viên văn phòng) cho hay, việc truy cập facebook vài phút đầu giờ rất hay, thông qua những status đồng nghiệp cập nhật về các hoạt động trước đó để mình có thể bắt đầu câu chuyện với họ cho một ngày mới thêm vui vẻ. 

Ví dụ, hỏi thăm về buổi hẹn hò của họ tối hôm trước như thế nào, chuyến đi chơi cuối tuần của gia đình họ có thú vị không? Tôi nghĩ những câu chuyện làm quà như thế giúp mối quan hệ đồng nghiệp trở nên thân thiết và cởi mở hơn.

Facebook như một sợi xích gắn kết mọi người đến gần nhau hơn. Nhưng có một thực tế cho thấy, hầu hết nhân viên đều rất thích chia sẻ thông tin với nhau trên facebook. Nhưng khi nói đến chuyện "kết bạn" với sếp, ai cũng lắc đầu có vẻ e ngại.

 - 1

Nhân viên e ngại sếp sẽ biết tường tận mọi suy nghĩ, việc làm của mình. Ảnh minh họa

Vì thế, các sếp thường thắc mắc không hiểu vì sao mình bị nhân viên bỏ ra ngoài cuộc chơi. Tâm sự về vấn đề này, chị Thục Vy - Giám đốc Công ty truyền thông Hoa hồng vàng - cho hay:

Hàng ngày tôi thường lướt facebook, thông qua một vài tài khoản cá nhân, tôi để ý thấy nhân viên công ty thường có những chia sẻ và bình luận rất xôm tụ trên facebook của nhau. 

Riêng facebook của tôi, không có nhân viên nào có "nhã ý" kết bạn, họa chăng có một vài cá nhân để chế độ theo dõi. Tôi từng nửa đùa nửa thật khi hỏi vấn đề này ở các buổi họp của công ty nhưng chỉ nhận lại được cái cười trừ của mọi người. Một số cho rằng “kết bạn với sếp, nhỡ khi than thở chuyện công việc sếp lại biết hết thì không hay ho cho lắm”.

Anh Vinh - Giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội - chia sẻ quan điểm đứng trên cương vị của cấp trên: “Mình thấy mọi người sẵn sàng tìm và kết bạn với những người không quen biết nhưng lại phân vân không biết có nên kết bạn với sếp của mình hay không? 

Nhiều khi mình không lý giải được vì sao trong danh sách bạn bè của mình không có tên của nhân viên, trong khi mối quan hệ bên ngoài giữa mình và nhân viên đâu có tệ đến mức bị cho ra rìa".

Cũng theo anh Vinh, có thể nhân viên “sợ” sếp biết mình "ăn cắp" thời gian chơi facebook.Nhưng thực tế, mọi người có tranh thủ giờ làm việc để vào facebook hay không thì các ông sếp đều biết rất rõ. 

"Tôi nghĩ các bạn nên có cái nhìn khác đi, thân thiện hơn để việc làm bạn với nhau dễ dàng hơn, không chỉ là trên mạng xã hội mà cả trong thực tế.”

Cũng theo khảo sát mới đây của SodaHead và YouTell, họ thực hiện lấy ý kiến trên 723 người, kết quả chỉ ra rằng, có đến 81% cho rằng không nên kết bạn với “sếp” trên Facebook.

Để có cái nhìn khách quan, chúng tôi có lấy ý kiến của một số nhân viên văn phòng về vấn đề này. Hầu hết họ đều cho rằng: “Không muốn bị sếp để ý hay quản lý cả chuyện riêng tư”.

Hoàng Anh - Nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội - chia sẻ: “Mình chỉ bấm theo dõi facebook của sếp chứ không kết bạn. Bởi lẽ tính khí mình khá thất thường, mọi tâm trạng mình thường xuyên cập nhật trên trang cá nhân. Sếp mình sẵn tính tò mò, thích suy đoán và tìm hiểu mọi chuyện. 

Mình sợ khi kết bạn rồi, sếp sẽ cập nhật hoạt động và tâm trạng của mình mỗi ngày, biết đâu có những câu chuyện động chạm nhau dẫn tới hiểu lầm thì khổ”.

Sợ sếp có lẽ là tâm lý chung của nhân viên. Vì thế, họ thường né tránh việc chạm trán với sếp một cách tối đa, dù là ngoài đời hay trên mạng xã hội.

Thái Hòa (Hà Nội) cho hay: “Bạn mình đã từng kể đồng nghiệp cậu ấy bị sếp đuổi việc vì phát hiện chơi facebook trong giờ làm. Mình cũng lo sợ điều đó xảy ra với bản thân nên cho đến tận bây giờ, mình vẫn không dám kết bạn với sếp” .

Còn Phương Thảo - Nhân viên một công ty thiết bị giáo dục ở Cầu Giấy (Hà Nội) giải thích lý do không kết bạn với sếp: “Mình không kết bạn với sếp vì chỉ muốn tránh những hiểu lầm khi đăng những status than vãn của bản thân. “Chơi với sếp như chơi với hổ” né được là tốt nhất”.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, họ thường có thói quen lướt facebook trong giờ làm việc nên không muốn kết bạn với sếp trên facebook, tránh bị sếp đánh giá nhân viên tranh thủ giờ làm để làm việc riêng.

Mai Anh (nhân viên của một công ty tư vấn tại Hà Nội) cho rằng, để giữ hòa khí nơi công sở và bảo toàn vị trí của mình, không làm bạn với sếp trên facebook là điều tốt nhất. Không những thế, mọi người được tự do thể hiện bản thân hay bộc bạch những tâm trạng vui buồn, hờn giận của mình mà không bị cấp trên dò xét.

Theo khampha.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ