Nhận diện con người qua dáng đi

GD&TĐ - Mới đây, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu triển khai một công cụ giám sát công dân mới: Ứng dụng “nhận diện dáng đi” sử dụng hình dáng và cách đi đứng của một con người để nhận diện họ, kể cả khi mặt của họ có được che khỏi các camera an ninh.

Chiếc máy phân tích dáng đi của con người dựa trên phần mềm Watrix
Chiếc máy phân tích dáng đi của con người dựa trên phần mềm Watrix

Thiết bị này hiện đang được cảnh sát sử dụng trên đường phố của Bắc Kinh và Thượng Hải. “Nhận diện dáng đi” là một phần của chiến lược thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạocông nghệ giám sát theo hướng dữ liệu đang diễn ra trên toàn Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại.

Huang Yongzhen, Giám đốc điều hành của Watrix cho biết, hệ thống của họ có thể nhận diện người ở khoảng cách xa nhất là 50m, kể cả khi đối tượng có quay lưng lại hoặc che mặt. Công nghệ này có thể lấp được lỗ hổng của công nghệ nhận dạng khuôn mặt vốn cần có hình ảnh cận cảnh với độ phân giải cao để hoạt động hiệu quả.

Watrix thông báo trong tháng trước rằng, họ đã huy động được 100 triệu nhân dân tệ để thúc đẩy việc phát triển và bán công nghệ nhận diện dáng đi của họ, theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông của Trung Quốc.

Cảnh sát Trung Quốc hiện sử dụng nhận dạng khuôn mặt để xác định người trong từng đám đông và bắt tận mặt những người vi phạm luật giao thông. Họ đồng thời đang phát triển 1 hệ thống dữ liệu camera giám sát quốc gia tích hợp. Không phải cư dân Trung Quốc nào cũng cảm thấy thoải mái với việc áp dụng công nghệ nhận diện dáng đi.

Các quan chức an ninh ở tỉnh Tân Cương nằm ở rìa biên giới phía Tây Bắc của Trung Quốc - khu vực tự trị nơi cộng đồng Hồi giáo đang bị theo dõi và kiểm soát gay gắt - đã bày tỏ sự chú ý tới phần mềm nhận diện mới. Nhà bình luận người Trung Quốc Shi Shusi cho biết, ông không ngạc nhiên rằng Trung Quốc phát triển công nghệ này nhanh hơn cả thế giới vì nhà chức trách muốn đẩy nhanh việc kiểm soát xã hội tại đất nước đông dân nhất thế giới.

Theo nhận định, công nghệ này không hề mới. Các nhà khoa học từ Nhật Bản, Anh và Cơ quan Hệ thống Thông tin Quốc phòng của Mỹ đã nghiên cứu về nhận diện dáng đi trong hơn 1 thập kỷ, thử nhiều cách khác nhau để vượt qua các hoài nghi rằng con người có thể bị nhận diện qua cách đi đứng. Các giáo sư từ Đại học Osaka đã làm việc với Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản để sử dụng phần mềm nhận dạng dáng đi trên cơ sở thí điểm từ năm 2013.

Tuy nhiên rất ít người đã từng cố gắng thương mại hóa công nghệ này. FST Biometrics có trụ sở tại Israel vừa đóng cửa vào đầu năm nay trước tình cảnh tranh chấp nội bộ trong công ty sau khi gặp khó khăn về kỹ thuật trong sản phẩm của họ, theo cựu thành viên Ban cố vấn Gabriel Tal tiết lộ. Mark Nixon, một chuyên gia hàng đầu về nhận diện dáng đi tại Đại học Southampton ở Anh trao đổi: “Nó phức tạp hơn so với các công nghệ sinh trắc học khác về mặt tính toán. Cần có một máy tính lớn hơn để phân tích dáng đi vì bạn cần một chuỗi các hình ảnh thay vì một hình ảnh duy nhất”.

Phần mềm của Watrix chiết xuất bóng của 1 người ra khỏi video và phân tích chuyển động của bóng để tạo ra mô hình đi đứng của người đó. Hiện nó chưa đủ khả năng để nhận diện người trong thời gian thực. Người dùng phải đăng tải video vào chương trình và sẽ mất khoảng 10 phút để tìm kiếm thông tin trong video kéo dài 1 giờ đồng hồ. Nó không cần máy quay đặc biệt, ứng dụng có thể sử dụng thẳng các đoạn băng thu được bởi camera giám sát thông thường để phân tích dáng đi.

Theo Japantoday

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ