Nhận biết và hiểu đúng cách phòng độc từ kiến ba khoang

GD&TĐ - Các triệu chứng ban đầu do kiến ba khoang gây ra bao gồm đỏ da, có cảm giác bỏng rát. Tiếp theo là ngứa và kích ứng.

Vết thương do kiến ba khoang gây ra có thể để lại sẹo.
Vết thương do kiến ba khoang gây ra có thể để lại sẹo.

Sau 3 - 4 ngày, có thể xuất hiện mụn mủ lan rộng và phồng rộp trên da.

Kiến ba khoang không đốt

Theo các bác sĩ, hiện là mùa sinh sản của kiến ba khoang. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, số ca đến khám và điều trị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng nhiều so với các tháng khác. Tuy nhiên, nếu không chẩn đoán đúng bệnh, hoặc tự điều trị bằng phương pháp dân gian, chà xát mạnh, người dân có thể gặp nhiều biến chứng nặng nề.

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Độ ẩm cao sẽ thuận lợi cho kiến phát triển.

Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm. Do đó, chúng thường bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da). Chất này cũng có thể được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc chà xát.

Do đó, người dân không được để dịch tiết của kiến ba khoang dính vào. Trong trường hợp nhìn thấy kiến ba khoang trên người, không nên dùng tay để đập. Cách tốt nhất là dùng tờ giấy để kiến bò ra, sau đó lấy khỏi người.

Bác sĩ Đoàn Thu Hồng, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết, kiến ba khoang không cắn hoặc đốt. Tuy nhiên, máu của chúng có chứa một chất độc mạnh gọi là pederin. Chất này có thể gây kích ứng da và mắt nếu con người tiếp xúc.

Khi tiếp xúc với chất này, các triệu chứng ban đầu bao gồm đỏ da, có cảm giác bỏng rát. Tiếp theo là ngứa và kích ứng. Sau 3 - 4 ngày, có thể xuất hiện mụn mủ lan rộng và phồng rộp trên da. Các khu vực bị ảnh hưởng vẫn bị kích thích, phồng rộp và đau trong vòng 10 ngày sau. Chất độc trên tay hoặc tiếp xúc gần các khớp trên cơ thể có thể lây lan sang các vùng khác và cho cả những người khác.

Trong trường hợp tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang, người dân được khuyến cáo rửa ngay vùng bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước. Chất độc sẽ từ từ thẩm thấu qua da. Do đó, rửa sạch ngay sau khi tiếp xúc sẽ loại bỏ nhiều độc tố trước khi có thời gian gây hại cho da.

“Không có cách sơ cứu cụ thể nào có sẵn khi tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang. Bạn hãy cố gắng tránh tiếp xúc với kiến ba khoang càng nhiều càng tốt.

Nếu tiếp xúc với chất độc của kiến ba khoang, hãy rửa vùng bị ảnh hưởng ngay lập tức bằng nước xà phòng, sau đó dùng gạc lạnh, thuốc kháng histamine hoặc đắp lô hội để giảm bớt các triệu chứng trên vùng da tiếp xúc. Đến gặp bác sĩ ngay nếu da có phản ứng nghiêm trọng với chất độc của kiến ba khoang”, bác sĩ Hồng khuyến cáo.

Cách nào phòng chống?

BSCKI Dương Ngọc Vân - Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cho biết, các vết thương do kiến ba khoang gây ra có thể mọc thành vệt dài hoặc thành đám. Vết thương chủ yếu xuất hiện ở các vùng da hở như tay, chân, mặt... Vết thương ban đầu là những nốt ban nhỏ sau đó lớn lên có phần mủ màu trắng đục ở giữa. Người bị thương do kiến ba khoang sẽ có cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Nếu là trẻ em, có thể xuất hiện thêm triệu chứng nổi hạch, sốt nhẹ.

Giải đáp về việc vết thương do kiến ba khoang gây ra có để lại sẹo không, bác sĩ Vân cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào cách xử lý và chăm sóc vết thương.

Do trong kiến ba khoang có chất độc nên khi bị đốt sẽ xuất hiện mụn nước, nghiêm trọng hơn sẽ bị chảy mủ. Ngoài ra, vùng da bị đốt sẽ bị phỏng nặng kèm theo cảm giác đau đớn và ngứa rát, khó chịu. Đồng thời, nguy cơ để lại sẹo là rất cao.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, để phòng tránh kiến ba khoang, người dân nên hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn. Lưu ý nên ngủ trong màn. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng.

Ngoài ra, người dân cần chú ý khi làm việc dưới ánh đèn. Bởi, kiến ba khoang thường xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể, cần bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

“Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: Quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng. Có thể xử lý diệt kiến bằng phun deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người”, bác sĩ Thùy cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ