Khuyến học đồng hành cùng giáo dục

GD&TĐ - Trong thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài được các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát huy hiệu quả. Nhờ làm tốt công tác này, nhiều HS, SV hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường...

Quỹ khuyến học huyện Hồng Ngự trao quà, học bổng cho HS nhân Tháng Khuyến học năm 2020.
Quỹ khuyến học huyện Hồng Ngự trao quà, học bổng cho HS nhân Tháng Khuyến học năm 2020.

Nở rộ phong trào khuyến học

Mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại các địa phương ĐBSCL vẫn được duy trì và mang lại hiệu quả thiết thực. 

12 tỉnh ĐBSCL có hơn 1.400 Hội Khuyến học cơ sở xã, phường, gần 20.000 chi hội và hơn 8.700 ban khuyến học với trên 3,6 triệu hội viên (tăng gần 98.000 hội viên). An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre là những địa phương phát triển được nhiều hội viên. Trên 2,8 triệu hộ đăng ký gia đình học tập, hơn 7.200 dòng họ học tập, gần 7.800 đơn vị học tập.
Hội Khuyến học các tỉnh, thành đã vận động hơn 210 tỷ đồng cho quỹ khuyến học.

Nhiều địa phương kịp thời cấp học bổng, hạn chế tình trạng HS bỏ học sau đại dịch Covid-19. Tại TP Cần Thơ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 đã vận động hơn 9,7 tỷ đồng cho quỹ khuyến học, khuyến tài. Từ nguồn kinh phí này, thành phố trao 35.653 suất học bổng, quà, phần thưởng (tổng kinh phí gần 7,9 tỷ đồng), hỗ trợ cho HS, SV vượt khó học tốt và những em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nguy cơ bỏ học… Đến nay, Hội Khuyến học thành phố có 6.285 tổ chức hội, với 320.938 hội viên (chiếm 26,29% tổng số dân).

HS Trường TH Hàm Giang B, huyện Trà Cú (Trà Vinh) nuôi heo đất giúp bạn nghèo.
HS Trường TH Hàm Giang B, huyện Trà Cú (Trà Vinh) nuôi heo đất giúp bạn nghèo.

Quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) là một trong những đơn vị triển khai công tác khuyến học, khuyến tài hiệu quả, tích cực. Quận đã triển khai thực hiện các mô hình tiêu biểu về khuyến học như: Phong trào nuôi heo đất khuyến học; mô hình 1+1; mô hình trồng cây chuối, thu gom phế liệu gây quỹ khuyến học; chương trình Chắp cánh ước mơ…

Từ năm 2016 - 2019, Hội Khuyến học quận vận động các cơ quan, đơn vị, các tổ chức tôn giáo, mạnh thường quân… đóng góp trên 3,1 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội trao tặng trên 3.600 suất học bổng cho HS, SV có hoàn cảnh khó khăn và HS, SV, thầy cô giáo có thành tích trong các kỳ thi, hội thi, với số tiền 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội Khuyến học cơ sở đã vận động tiền, hiện vật trị giá hơn 6,8 tỷ đồng và trao trên 34.700 suất quà cho HS, SV có hoàn cảnh khó khăn.

Phong trào khuyến học, khuyến tài ở tỉnh Hậu Giang cũng được quan tâm hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh thời gian qua có chuyển biến tích cực. Năm học 2019 - 2020, Hội Khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh vận động được hơn 61 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, Hội đã vận động được hơn 19 tỷ đồng để thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài…

Nhiều hoạt động thiết thực

HS Trường THPT Lai Vung 2 (Đồng Tháp) đập heo đất khuyến học.
HS Trường THPT Lai Vung 2 (Đồng Tháp) đập heo đất khuyến học.

Phong trào khuyến học, khuyến tài còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các nhà trường, GV và HS. Tiêu biểu là phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo” của Trường Tiểu học Hàm Giang B (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, Trà Vinh). Phong trào này được thầy, trò nhà trường duy trì hơn 10 năm qua. Đây là ngôi trường nằm trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, có gần 100% HS là con em đồng bào.

Từ năm học 2007 - 2008, ban giám hiệu nhà trường tổ chức phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo” và “Hũ gạo tình bạn”. Theo đó, nhà trường trang bị cho các lớp 1 con heo đất và 1 hũ gạo, các lớp tự chia nhau quản lý, đóng góp vào nuôi heo đất và góp gạo. Đồng hành cùng HS, tập thể GV trong trường cũng sắm một con heo đất để cùng nhau đóng góp.

Thầy Cao Văn Tần - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Giang B cho biết: “Để giúp HS nghèo, thầy trò các lớp tiến hành bỏ ống heo và góp gạo. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và mạnh thường quân. Đến dịp bế giảng năm học, khai giảng năm học mới và tết, thầy trò cùng với các lớp sẽ tổ chức đập heo đất, mua áo mới, gạo cho các em. Chỉ tính dịp Tết Nguyên đán vừa qua, thầy trò nhà trường quyên góp được hàng trăm kg gạo tặng cho HS; hàng chục áo xuân và nhiều suất học bổng. Đây là nguồn động viên lớn giúp các em hoàn cảnh khó khăn thêm gắn bó với trường lớp, bạn bè”.

Tại Trường THPT Lai Vung 2 (huyện Lai Vung, Đồng Tháp), phong trào “Nuôi heo đất khuyến học” cũng được duy trì nhiều năm qua. Thầy, trò nhà trường đồng lòng triển khai phong trào nhằm tạo nguồn quỹ giúp đỡ HS hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Theo đó, phong trào “Nuôi heo đất khuyến học” được triển khai đến các lớp trong trường. Các chi đoàn sẽ tổ chức cho “heo ăn” số tiền mà mình đã tiết kiệm được trong mỗi tuần. Mặc dù, việc nuôi heo đất không tích lũy được số tiền quá lớn, nhưng qua đó thể hiện tinh thần tập thể, ý thức tiết kiệm trong cuộc sống và hỗ trợ kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần cho HS gặp hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm nghị lực, giúp các em vượt khó và vươn lên trong học tập…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.