Nhà Trắng sẽ phát động “chiến tranh thương mại”?

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Mỹ đã bị đánh cắp hàng ngàn nhà máy và giờ là lúc phải điều chỉnh - Hãng tin Đức n-tv đưa tin. 

Nhà Trắng sẽ phát động “chiến tranh thương mại”?

Ông Trump nói như vậy khi ký 2 nghị định mới liên quan đến thương mại với nước ngoài. Theo các nhà phân tích, trong tương lai, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nước liên quan là khó tránh khỏi.

Điểm danh “tội phạm” của Mỹ

Trong nghị định đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một danh sách các nước và các sản phẩm “có tội” làm thâm hụt cán cân thương mại lớn của Mỹ với trị giá 502 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross điểm danh thủ phạm trực tiếp gây ra tình trạng trên. Đó là Đức, Nhật Bản, Canada, Pháp và Mexico…

Tuy nhiên, vị trí đặc biệt trong danh sách này chính là Trung Quốc, nước đã gây ra những thiệt hại lớn nhất đối với Mỹ. Trong nghị định thứ hai, Donald Trump đã yêu cầu những người chịu trách nhiệm về ngoại thương của chính quyền Mỹ phải kiểm tra số lượng thuế hải quan và các loại phí khác mà nước này chịu tổn thất do chính sách của các nước nêu trên.

Và số tiền này, theo chuyên gia tư vấn của Trump về các vấn đề thương mại Peter Navarro, người đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thương mại quốc gia, là 2,8 tỷ USD.

Trong số những “nước phạm tội”, Đức là nước được quan tâm đặc biệt, bởi đó là nền kinh tế và tài chính mạnh nhất của EU. Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel là người ủng hộ việc ký kết Hiệp định Thương mại và Đầu tư Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Đó là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Mỹ. Những người ủng hộ TTIP tin rằng, thỏa thuận này sẽ đẩy mạnh sự phát triển kinh tế đa phương, trong khi những người phản đối lại quả quyết, TTIP sẽ dẫn đến sự gia tăng quyền lực của các công ty và gây khó dễ cho các chính phủ trong việc điều tiết thị trường vì lợi ích của xã hội.

Tại Đức, những cuộc biểu tình của những người phản đối TTIP cho rằng, các sản phẩm biến đổi gen của Mỹ xuất hiện trên các kệ của các cửa hàng Đức làm hại sức khỏe con người.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương ở Đức đang hy vọng sẽ tăng cường tiếp xúc với chính quyền Donald Trump.

Trả lời phỏng vấn tờ “Nezavisimaya Gazeta”, một nhà ngoại giao cao cấp của Đức cho rằng, những hy vọng được hình thành trên cơ sở những tuyên bố hồi vận động tranh cử của Donald Trump. Châu Âu đang hy vọng sẽ có thể ký thỏa thuận mới về tự do thương mại với chính quyền Donald Trump.

Đức sẽ là “nạn nhân đầu tiên”?

Điều dễ hiểu rằng khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết" của Donald Trump đồng nghĩa với việc chính quyền mới sẽ bảo vệ quyền lợi của tất cả các ngành công nghiệp Mỹ.

Chính vì vậy, kể từ ngày 31/3, chính quyền Mỹ bắt đầu điều tra việc chống bán phá giá đối với những tập đoàn thép của Đức (Salzgitter và Dillinger Huette). Quyết định của Washington gây phản ứng dữ dội từ Berlin.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cảnh cáo Donald Trump không tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hứa sẽ gửi đơn khiếu nại.

Trong khi các nhà lãnh đạo của Salzgitter cho rằng, những thông tin về việc bán phá giá còn “chưa được kiểm chứng” thì Mỹ đã dọa áp đặt tiền phạt đối với các công ty của Đức.

Salzgitter bị cáo buộc bán phá giá hơn 20% giá trị sản phẩm, còn Dillinger Huette - hơn 6%. Người ta cho rằng mức phạt sẽ được áp dụng hồi tố, tức là trong cả những năm trước.

Điều này đã đặt dấu chấm hết cho việc xuất khẩu các sản phẩm thép của Đức sang Mỹ. Đối với nhà sản xuất thép hàng đầu của Đức - Salzgitter, doanh thu của họ sẽ giảm 6%.

Theo n-tv, Đức và Mỹ có thể lún sâu vào “cuộc xung đột thương mại khốc liệt nhất”. Tuy nhiên, chính phủ Đức cho rằng, quyết định cuối cùng về mức phạt người Mỹ với các công ty Đức vào ngày 15/5. Giờ là lúc phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Mỹ trên tất cả các lĩnh vực nhằm tránh một cuộc chiến “không đáng có”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ