Nhà thơ Thanh Tùng: Khép lại mộng mơ thời hoa đỏ

GD&TĐ - Từng làm giáo viên dạy thể dục ở trường Thái Phiên – Hải Phòng một thời gian, nên Thanh Tùng rất thiện cảm với báo ngành giáo dục. Từ khi định cư ở Sài Gòn, nhà thơ Thanh Tùng rất gắn bó với cơ quan đại diện báo Giáo dục & Thời đại cùng tạp chí Tài Hoa Trẻ.

Nhà thơ Thanh Tùng: Khép lại mộng mơ thời hoa đỏ

1.

Nhà thơ Thanh Tùng khởi nghiệp với tư cách một công nhân Nhà máy cơ khí kiến thiết Hải Phòng tham gia sáng tác văn học: “Mai tôi đi rồi/ Để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố/ Cùng mộng mơ bảng lảng cuối con đường/ Những giọt mồ hôi từng hát lên trong suốt/ Những lưng thợ đã bết mãi vào nhau”.

Bài thơ “Thời hoa đỏ” được viết năm 1972, đã đưa tên tuổi Thanh Tùng lan tỏa rộng khắp, và đã khai quật một tố chất tiềm ẩn của Thanh Tùng, đó là sự nhạy cảm đến mức đắm đuối và dễ tổn thương:

Hoa đặt vào lòng ta những vệt đỏ/ Như vết xước của trái tim/ Sau bài hát rồi em lặng im/ Cái lặng im rực màu hoa đỏ/ Anh hiểu mình vô nghĩa đi bên em. /Sau bài hát rồi em như thể/ Em của thời hoa đỏ ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa”.

Năm 60 tuổi, nhà thơ Thanh Tùng bồi hồi rời xa thành phố cảng “tôi để lại Hải Phòng giàu có của tôi/ bước ra cửa là rơi vào trái tim bè bạn” chuyển vào Sài Gòn định cư.

Mảnh đất mới với duyên phận mới, đã cho Thanh Tùng nhiều cảm hứng mới để sáng tác “tôi đang ở trong căn nhà/ mà em mua với giá của một thời cô đơn thiếu nữ” và “tôi còn phải hôn lên từng chiếc lá/ ngã tư nào cũng đầy ắp tình yêu”. Đặc biệt, ở đô thị phương Nam nhiều nắng gió, Thanh Tùng phô diễn được khả năng ứng tác khá độc đáo.

Có nhiều giai thoại về kỹ năng ứng tác của Thanh Tùng, nhưng có một trường hợp bộc lộ rõ ràng nét đẹp thi sĩ ở ông nhất. Đó là dịp ông được mời dự tiệc chiêu đãi của một công ty sản xuất bột giặt.

Quan khách đều sang trọng và thơm phức nước hoa, còn Thanh Tùng ngơ ngác trong một bộ quần áo cũ kỹ và một đôi giày còn cũ kỹ hơn. Thanh Tùng như yếm thế ngồi thu mình một góc, và xung quanh nhìn ông cũng không mấy thiện cảm.

Bất ngờ, người ta mời nhà thơ Thanh Tùng lên góp vui một tiết mục văn nghệ. Ông rụt rè bước lên sân khấu, tuyên bố: “Tôi không đọc thơ viết sẵn, tôi xin ứng tác một bài. Xin các bạn ra đề tài!”.

Có yêu cầu làm thơ về buổi gặp gỡ hôm nay, Thanh Tùng không cần đi 7 bước như Tào Thực thời Tam Quốc bên Trung Hoa, mà đứng nguyên tại chỗ ứng khẩu luôn. Khi Thanh Tùng chốt hạ bằng hai câu: “Tôi mong các anh tìm ra một thứ xà phòng/ Có thể giặt sạch nỗi buồn Việt Nam” thì cả hội trường vỗ tay vang dậy. Từ một nhân vật có vẻ khép nép bên lề, Thanh Tùng trở thành gương mặt trung tâm của bữa tiệc.

2.

Thanh Tùng đánh đổi không ít hạnh phúc cá nhân để lấy thơ, nên ý tứ từ tâm hồn đổ sang trang giấy có sức lay động vượt qua bất trắc, vượt qua lầm lạc: “Hy vọng phát ra từ muôn nhịp trống căng/ từ tiếng búa tôi vang, từ lời thơ tôi cất/ thành bao bông hoa tím nở bên đường”.

Cảm xúc thi sĩ bẩm sinh của Thanh Tùng là thứ tài sản quý giá mà không phải người làm thơ nào cũng được sở hữu. Cảm xúc của người trở về rón rén nôn nao, “thành phố gầy như ngực mẹ tôi/ tôi không dám mạnh chân sợ mặt đường long nhựa/ không dám cả cười buông thả/ sợ bao vết thương bom đạn vẫn chưa lành”, mà cảm xúc của kẻ ra đi cũng dâng tràn hư ảo:

tôi úp mặt dòng xanh ngàn năm/ thả bóng mình lưu lại dấu hôm nay/ tôi giật thột khi tiếng còi tàu rời bến/ như phải dứt ra từ môi người yêu”, vì vậy Thanh Tùng có cách nhận diện buổi chiều độc đáo: “có bao nhiêu chiều trong một chiều/ mà ngổn ngang mặt gió/ có bao nhiêu nhớ hòa trong nhớ/ mà dáng cây nghiêng lệch hoàng hôn”.

Thanh Tùng có được một lần duy nhất xuất cảnh tham dự Liên hoan thơ quốc tế ở Hy Lạp vào tháng 9-1996. Và chỉ cần qua những bài thơ trong chuyến đi ấy, đã có thể thấy được chân dung Thanh Tùng luôn thổn thức và đa đoan. Với một bộ veston mượn được từ bạn bè, Thanh Tùng bước lên máy bay bằng tâm trạng “Lần đầu ra nước ngoài” nặng lòng dân tộc:

“Tôi đã ở ngoài vòng tay Tổ quốc/ Bây giờ tôi phải là tất cả/ Từ ngọn cỏ dại quê hương đến máu những anh hùng/ Như người thủy thủ sắp ra khơi, kiểm tra lại phần nước ngọt/ Tôi hát thầm bài Tiến Quân ca”. Dù đã chuẩn bị sẵn mấy bài thơ được dịch sang tiếng Anh, nhưng Thanh Tùng góp mặt ở ngày hội thơ hơn 40 quốc gia kia theo kiểu của riêng ông: đọc ngay bài thơ vừa sáng tác.

Thanh Tùng kể, hồi nhỏ ông được học tiếng Pháp, dù chỉ còn bập bõm nhưng ông vẫn khiến cử tọa cực kỳ hào hứng qua những câu thơ lả lướt miêu tả xứ sở Rhodes: “Thành phố những giấc mơ trôi/ Những vỉa hè thơm mùi thiếu nữ/ Bao đương viền của biển gợi đến những vòng ôm/ Quá khứ trẻ trai trở lại/ Thả vào tôi sương khói quanh co”.

Ngày chia tay Rhodes, Thanh Tùng viết: “Dây nho kia cũng khóc lên rồi/ Khi tôi rời xứ bạn/ Bầu trời Địa Trung Hải và mắt em xanh đến làm tôi nín thở/ Sóng vỗ về chẳng an ủi được đâu/ Cối xay gió làm cả góc phố chóng mặt/ Bông hoa nào vừa rụng để theo tôi”.

Thế nhưng, khi đã “Ở sân bay Thái Lan” thì chính ông cồn cào quê nhà: “Đã gần lắm tưởng có thể nghe/ Tiếng mẹ xưa những chiều chạng vạng/ Ngửi được mùi thơm trong quán rượu đêm/ Đồng hồ trên tay tôi thay đổi mấy lần/ Sắp được lấy lại múi giờ Tổ quốc…/ Không vì hồi hộp của riêng mình/ Mà máy bay kia không xuống nổi Nội Bài!”.

Những ngày cuối cùng, Thanh Tùng vẫn rất minh mẫn. Ông vẫn có thể đọc cho con gái chép hộ những câu thơ ông viết sau tuổi 80, như bài thơ viết về trẻ con “đầu giường của tôi không treo chiếc roi/ vì da thịt các em đều làm bằng nước mắt”.

Bây giờ Thanh Tùng vẫy tay vào cõi khác. Thanh Tùng ra đi theo miền kỷ niệm “hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ/ không cho ai có thể lạnh tanh” vào lúc trời đất sang thu như ông từng viết “tôi rơi xuống bất ngờ từ cao lắm/ nơi thu về mơ mộng đã dâng lên”.

Khóc Thanh Tùng

Thôi thế là xong một kiếp người

Từ rày đừng tính chuyện rong chơi

Câu thơ viếng bạn còn chưa viết

Bạn đã đi rồi mới tám mươi

Trăm bận ta cùng bên chiếu rượu

Anh em nâng cốc uống la đà

Dáng anh cao lớn ngồi như gấu

Đất Cảng mùa này phượng vẫn hoa

Nhớ lại tháng ngày còn lam lũ

Câu thơ đói một mẩu bánh mỳ

Nhà thơ áp tải vùng Đông bắc

Nắm đấm cần dùng đến, có khi

Em ở ngoài này xa vắng lắm

Chẳng kịp bên anh phút nghĩa tình

Một nén tâm nhang từ Hà Nội

Khóc tiễn anh về cõi tử sinh

                                        TRẦN ĐĂNG THAO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ