Nguyên nhân của bạo lực học đường nhìn từ góc độ gia đình

Gia đình được xem là cái nôi đầu tiên, gần gũi nhất về giáo dục nhân cách, hành vi cho mỗi cá nhân từ thuở ấu thơ cho đến hết cuộc đời. Bởi vậy, sự ảnh hưởng của gia đình đối với mỗi cá nhân là vô cùng lớn: từ tình cảm, tính cách, thói quen, hành vi và những giá trị sống.

Sự ảnh hưởng của gia đình đối với mỗi cá nhân là vô cùng lớn
Sự ảnh hưởng của gia đình đối với mỗi cá nhân là vô cùng lớn

Một khảo sát do khoa Xã hội học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện gần đây tại 2 trường THPT thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) về tình trạng bạo lực nữ sinh cho thấy nhiều kết quả đáng lo ngại. 

Trong đó, có khảo sát về thái độ của cha mẹ khi con cái có hành vi bạo lực, kết quả thật đáng buồn: 41,7% các em nói bị cha mẹ “mắng chửi và đánh” khi con cái có hành vi bạo lực; chỉ có 9,4% cha mẹ dùng biện pháp “khuyên bảo nhẹ nhàng”; 6,3% yêu cầu phải “xin lỗi bạn”; và có đến 42,6% nói rằng “cha mẹ không quan tâm đến hành vi đánh nhau của con cái”. 

Đây là kết quả của một khảo sát nhỏ nhưng cũng đủ cho thấy không ít các bậc cha mẹ hiện nay vẫn chưa thật sự ý thức tầm quan trọng của vấn đề bạo lực học đường và phòng ngừa chúng cho con cái. 

Họ chưa có những kĩ năng, biện pháp đúng đắn, phù hợp để ứng xử khi con cái vướng vào bạo lực học đường hay đứng trước nguy cơ bạo lực học đường. 

Đó là điều rất đáng lo ngại hiện nay. Nếu không thay đổi cách nhìn nhận và hành động của gia đình trong việc giáo dục con cái thì khó có thể đẩy lùi được bạo lực học đường...

Trăn trở về vấn đề này, ThS Nguyễn Thị Hiền (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã khai thác vấn đề bạo lực học đường từ góc độ gia đình: Phân tích nguyên nhân, và đưa ra một số khuyến nghị về phương pháp, kỹ năng cho cha mẹ nhằm giúp con cái phòng tránh bạo lực học đường một cách hiệu quả... Xin giới thiệu bài viết của Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền để độc giả cùng chia sẻ:

NGUYÊN NHÂN CỦA BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TỪ GÓC ĐỘ GIA ĐÌNH

Trong xã hội hiện nay tồn tại đa dạng những kiểu gia đình khác nhau, với điều kiện về kinh tế, học thức rất đa dạng. Những hoàn cảnh gia đình khác nhau sẽ tác động khác nhau đến việc hình thành nhân cách con cái.

Con cái chịu tác động mạnh từ phía gia đình

ThS Nguyễn Thị Hiền cho rằng, đối với những gia đình có tồn tại bạo lực, cha mẹ thường xuyên cãi cọ, nặng lời hoặc bố mẹ thiếu hiểu biết, không kiềm chế được đã coi việc đánh đập với trẻ như là quyền của họ. 

Khi trẻ có lỗi, cha mẹ đã buồn bực, lo lắng và trút đòn roi lên đầu con cái. Với những trẻ phải chứng kiến và chung sống với việc gia đình thường xuyên có bạo lực, cãi cọ thì sự ảnh hướng đến sức khỏe và tinh thần của các em là rất lớn. Từ việc sợ hãi, lo lắng, buồn rầu trước hành vi bạo lực các em là rất lớn.

Từ việc sợ hãi, lo lắng, buồn rầu trước hành vi bạo lực các em dần trở thành những đứa trẻ hay cáu giận, nhút nhát, khó hòa nhập với đời sống. 

Hình ảnh bạo lực gia đình sẽ in dấu trong tiềm thức các em đến khi trưởng thành, làm thay đổi suy nghĩ của các em về ứng xử, các em dễ dàng quen với bạo lực, không ngần ngại sử dụng bạo lực khi có xích mích. 

Nhiều trẻ bị bạo hành nghĩ gia đình không còn yêu thương, bảo vệ mình nữa. Chính cách xử sự này của bố mẹ đã khiến trẻ bị khủng hoảng về tâm lý, tự ti, trẻ trở lên hung hãn, lì lợm, xa lánh mọi người. Đó là lí do vì sao trẻ có thể sẵn sàng gây ra bạo lực học đường.

Bạo lực gia đình vẫn gia tăng, điều này cho thấy không ít những gia đình hiện nay tồn tại bạo lực và đang ảnh hướng rất lớn đến trẻ em. 

Có những gia đình bố mẹ ly hôn, có con ngoài giá thú, một trong hai người chết...dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thương của cha mẹ, không được dạy dỗ và chăm sóc chu đáo trẻ sẽ có tâm lý lệch lạc, tự do ngang bướng, bất cần, học hành yếu kém, dễ dàng vi phạm khi bị rủ rê, lôi kéo... Ở trường học, các em dễ tham gia vào bạo lực học đường khi có bức xúc.

Đối với gia đình cha mẹ mải mê công việc, có quá ít thời gian để trực tiếp quan tâm chia sẻ với con cái cũng có rất nhiều. Cha mẹ chỉ có thể quan tâm đến con bằng việc cung cấp cho con vật chất đầy đủ, chiều chuộng quá đà và giao khoán trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường, giáo viên. Trong khi ngoài xã hội đầy cám dỗ thì trẻ lại được tự do lựa chọn những cách giải trí, vui chơi do thiếu sự quan tâm của cha mẹ.

Trẻ có thể cảm thấy cô đơn, không cần đến sự quan tâm tình cảm của gia đình. Trẻ có thể bị bỏ rơi, xa cách dễ dàng tham gia vào những nhóm bạn xấu, xa đà vào ăn chơi học có những thói quen cư xử sai lệch do thiếu sự hướng dẫn của cha mẹ. 

Trẻ thiếu tình yêu thương, gần gũi của gia đình thường tìm đến bạn bè và những trò tiêu khiển. Điều này làm trẻ dễ sa ngã, có thái độ cư xử không đúng mực, cộng với việc học hành không tốt rất dễ dàng để trẻ tham gia vào bạo lực học đường hoặc cổ vũ cho bạo lực học đường.

Đối với gia đình quan tâm con cái theo kiểu cứng nhắc, quá nghiêm khắc thì cũng hết sức nguy hiểm. Sự cứng nhắc tạo cho trẻ rất nhiều áp lực vì cha mẹ thường hay áp đặt, khắt khe với con cái làm cho con cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, cô đơn, trẻ thiếu sự chia sẻ, lắng nghe của cha mẹ và thường phải làm theo ý cha mẹ một cách miễn cưỡng. 

Giới trẻ bây giờ thì quan hệ bạn bè mở rộng, các em có nhiều nhu cầu về tình cảm khác nhưng cha mẹ lại bó buộc, không hiểu con sẽ làm trẻ có sự chống đối trở lại bằng việc học đối phó, nghe lời đối phó, nếu không đạt được yêu cầu của cha mẹ, trẻ có thể nói dối và tự ý hành động ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. 

Những trẻ này có nhiều bức xúc về tâm lí khi mà trẻ đã dám nói dối, dám tự ý hành động, trẻ có thể tham gia vào nhiều nhóm bạn xấu, tham gia vào ăn chơi và dễ dàng có hành vi bạo lực do tính bất cần, nông nỗi, hoặc do bị lôi kéo rủ rê.

Quan tâm tốt vẫn chưa đủ

Mầm móng bạo lực học đường có nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình
Mầm móng bạo lực học đường có nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình

ThS Nguyễn Thị Hiền cũng thẳng thắn đánh giá: Không ít gia đình hiện nay vẫn giữ được truyền thống giáo dục gia đình rất tốt, ngoài ra họ còn có sự quan tâm, sẻ chia với con cái về tâm lí, tình cảm. 

Tuy nhiên, hầu như bậc cha mẹ nào hiện nay cũng bị cuốn vào vòng xoáy áp lực học tập của con cái. Họ thường chỉ tập trung vào việc học kiến thức của con cái mà không để ý đến việc dạy con kĩ năng sống. 

Cha mẹ hiện nay chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục hành vi cho con cái. Họ chỉ tập chung vào việc con học kiến thức, con có đạt kết quả học tập cao hay không mà không nghĩ nhiều đến việc con sẽ trở thành công dân với trách nhiệm, ý thức thế nào với xã hội.

Bản thân phụ huynh hiện nay cũng thể hiện sự ích kỉ của mình khi chỉ mong con cái có thành tích tốt để khoe với bạn bè, đồng nghiệp mà không nghĩ đến việc con bị áp lực và mất đi tuổi thơ hồn nhiên. 

Chính vì thế mà sau giờ học mệt mỏi cha mẹ thường chiều con cái, không bắt con làm gì, sinh con ra không biết lao động, không biết về cuộc sống thường nhật. 

Thay vào đó, cha mẹ cho con giải trí bằng các phương tiện hiện đại nhanh gọn như chơi điện tử, xem phim, ca nhạc... Chính vì thế, trẻ hầu như chẳng còn thời gian để chơi, để hiểu thế giới và để chia sẻ, tâm sự với bố mẹ. Các em bị cuốn vào vòng học tập và học tập.

Đó là nguyên nhân dẫn đến những áp lực, bức xúc tâm lí cho con cái. Và các con khong được phát triển những kĩ năng phòng vệ trước bạo lực học đường như kĩ năng giao tiếp, tìm sự giúp đỡ, kết bạn... 

Điều này, dễ dẫn đến hoặc là trẻ trốn tránh áp lực học tập theo nhóm bạn xấu, nói dối cha mẹ và tham gia vào bạo lực học đường hoặc là trẻ trở lên ngờ nghệch trong cuộc sống và trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.

Từ những phân tích trên, ThS Nguyễn Thị Hiền khẳng định: “Bạo lực gia đình, sự bàng quan thiếu quan tâm của cha mẹ, sự quan tâm thái quá, cứng nhắc hay việc chỉ quan tâm đến việc học kiến thức của con cái... đều là những nguyên do sâu xa dẫn đến sự thiếu hụt trong tình cảm, sự bức xúc trong tâm lí và sự sai lệch trong hành vi, ứng xử của học sinh hiện nay. Đây chính là những mầm mống cho bạo lực học đường”.

Theo dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ