Nguy cơ Tổng thống Trump đi vào "vết xe đổ" của người tiền nhiệm

Theo mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor, mặc dù những phát biểu hùng hồn của Washington về Triều Tiên bắt đầu mang âm hưởng "mất kiên nhẫn một cách chiến lược", song có thể Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chịu chung số phận của những người tiền nhiệm.

Bom hạt nhân được đánh giá là vũ khí nguy hiểm nhất của Triều Tiên.
Bom hạt nhân được đánh giá là vũ khí nguy hiểm nhất của Triều Tiên.

Ông Trump đã loan báo với cả thế giới rằng bằng cách gây áp lực mậu dịch lên Trung Quốc, ông sẽ xử lý được cuộc khủng hoảng Triều Tiên theo cách "chưa từng có". Tuy nhiên, việc gắn mậu dịch với chính sách đối ngoại đã nhanh chóng thất bại. Đối với Trung Quốc, một Triều Tiên bất ổn đáng ngại hơn nhiều so với một Triều Tiên có hạt nhân.

Mặc dù Trung Quốc có đòn bẩy kinh tế đáng kể đối với Triều Tiên, song có những giới hạn rõ ràng cho việc Bắc Kinh áp dụng các lệnh trừng phạt với nước này. Trung Quốc không muốn phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng người tị nạn trên biên giới của họ, và không muốn khiến chính phủ tại Bình Nhưỡng sụp đổ nếu như điều đó đồng nghĩa với kịch bản là Trung Quốc phải chấp nhận một Triều Tiên thống nhất dưới cái ô an ninh của Mỹ.

Các nhà hoạch định kế hoạch quân sự tại khu vực và Mỹ biết rằng không có phương án quân sự để kiểm soát hành động của Bình Nhưỡng khi mà Hàn Quốc nằm trong tầm ngắn của số lượng pháo binh khổng lồ của Triều Tiên, và cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều nằm trong tầm ngắm của kho tên lửa của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã làm được một việc khác thường là khiến Trung Quốc (và phần còn lại của thế giới) phải đau đầu xem xét những ước tính của tình báo khi hoạch định kế hoạch quân sự sao cho tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất là một cuộc chiến tranh khu vực.

Sau khi đã vận dụng hết áp lực kinh tế có thể lên Trung Quốc, chính quyền Trump sẽ phải hủy phương án quân sự rủi ro cao, đó là tấn công phủ đầu Triều Tiên trong trường hợp Washington phát hiện thấy Bình Nhưỡng chuẩn bị tiến hành tấn công liều chết nhằm vào Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Về phần mình, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển khả năng răn đe hạt nhân.

Mỹ sẽ tìm cách vô hiệu hóa mối đe dọa này bằng cách chú trọng vào những biện pháp ngầm nhằm phá hoại chương trình này, tăng cường phòng thủ tên lửa tại khu vực và hỗ trợ khả năng phòng thủ của Nhật Bản cũng như Hàn Quốc. Sự hiện diện dày đặc hơn của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ làm xấu hơn căng thẳng giữa một bên là Trung Quốc với một bên là Mỹ và các đối tác an ninh của họ. Và trước thực tế Triều Tiên có hạt nhân, những cam kết an ninh của Washington tại khu vực sẽ được thử thách. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc có lý do để nghiêm túc đặt câu hỏi về chiếc ô hạt nhân của Mỹ đang bảo vệ họ, hai nước này có thể sẽ có những bước đi tiến tới phát triển các chương trình hạt nhân của riêng mình, đúng như điều ông Trump đã công khai kêu gọi trong chiến dịch tranh cử.

Trong khi đó, theo một bài viết đăng trên tờ The New York Times, ê kíp an ninh quốc gia của ông Trump đã đề ra chiến lược như sau: Gây sức ép áp đảo lên Tiều Tiên cả về quân sự và kinh tế để ngăn nước này thử vũ khí đồng thời làm giảm kho vũ khí của Bình Nhưỡng, sau đó mở cánh cửa đàm phán, với mục tiêu cuối cùng là thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tất cả các vũ khí. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng chiến lược này hoang đường vì ông Kim Jong-un cho rằng chỉ cần có một kho vũ khí nhỏ cũng đủ để giúp ông ta sống sót. Do đó, ông Trump sẽ khó có thể thực hiện được cam kết "giải quyết vấn đề" Triều Tiên. Và ngày nào cũng có nguy cơ tính toán sai lầm, hoặc xảy ra tai nạn.

Nếu không có gì thay đổi, vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể chạm mức 50 vũ khí, bằng một nửa quy mô của Pakistan. Các quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên đã chứng tỏ họ có thể thu nhỏ những vũ khí này để lắp vừa các tên lửa tầm ngắn và tầm trung - đặt Hàn Quốc, Nhật Bản và hàng nghìn binh sĩ Mỹ tại hai quốc gia này vào tầm bắn. Theo ước tính khiêm tốn nhất, Triều Tiên có khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo. Tờ The New York Times dẫn lời TS Hecker - GS trường Đại học Stanford, từng 7 lần được Triều Tiên cho phép đến thăm các cơ sở hạt nhân của nước này, cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng hạt nhân đang thực sự hiện hữu.

Theo Hải Quan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.