Cũng có nhiều thăng trầm, thậm chí lao đao do dịch bệnh, thậm chí do những tin đồn thất thiệt nhưng người chăn nuôi gà Yên Thế đã đứng vững và sản xuất ổn định, cung cấp cho thị trường khoảng 5 triệu con gà mỗi năm…
Chuyện ông Vượng “gà”
Nhiều người hay gọi ông Lưu Xuân Vượng, Bí thư Huyện ủy Yên Thế là ông Vượng “gà”, bởi ông đã gắn bó và “lăn lộn” với con gà Yên Thế từ khi còn là Phó Chủ tịch UBND huyện. Xuất phát từ đặc điểm Yên Thế là huyện miền núi, sản xuất nông nghiệp phần nhỏ lẻ, không chủ động được nguồn nước tưới. Trồng rừng thì lâu được thu hoạch trong khi đời sống người dân rất khó khăn, cần có nguồn thu nhập ngắn ngày…
Những yếu tố khách quan như thế khiến ông Phó Chủ tịch khi ấy trăn trở nhiều mà chưa tìm được hướng đi. Tình cờ trong một lần đi khảo sát kinh tế đồi rừng, leo dốc lội suối vừa mệt vừa đói, ông cùng anh em dùng bữa ngay giữa rừng bằng món xôi gà. Nhìn đùm thịt gà xếp khéo trong vuông lá chuối, ông ngẩn người một hồi và ý tưởng phát triển đàn gà chợt lóe lên trong đầu.
Ừ nhỉ, lâu nay người dân ở vùng đồi rừng Yên Thế nhà ai chẳng nuôi đôi chục con gà thả chạy khắp vườn. Số gia cầm ấy chủ yếu để dùng, số bán ra không đáng kể. Mình có đất, có người, sao phải mất công đi đâu tìm hướng phát triển, phải tập trung cho đàn gà thôi, làm gà thương mại, đưa gà đồi ra phố, xuống tỉnh, sang tỉnh bạn, thậm chí là thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng…
Thế là từ ý tưởng đó của ông Vượng, Yên Thế chủ trương vận động nông dân có đồi rừng nên tổ chức nuôi gà tập trung số lượng lớn, tạo thành thực phẩm sạch, chất lượng cao. Ban đầu, huyện đã giao cho một số hộ có kinh nghiệm, kỹ thuật tổ chức nuôi gà đẻ, ấp trứng tạo giống gà con địa phương (loại gà ri) cung cấp cho các trang trại và hộ nông dân nuôi gà thịt. Song song với đó là các hoạt động tập huấn kỹ thuật, tìm nguồn cung cấp thức ăn, phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là tìm kiếm thị trường.
Tất nhiên, ông Vượng được giao làm “kiến trúc sư trưởng” thực hiện đề án này. Sau một thời gian ngắn có thành công, do sự phát triển quá ồ ạt, trong khi quy hoạch vùng sản xuất cũng như các biện pháp khác còn chưa theo kịp khiến giá gà tụt dốc thê thảm, nguy cơ “vỡ trận” hiển hiện.
Ông Vượng đã kịp thời đề xuất với Thường vụ Huyện ủy, ủy ban hướng tái quy hoạch vùng sản xuất. Ông làm việc với các xã, căn cứ vào địa bàn có điều kiện vườn đồi, kỹ thuật, năng lực về vốn đầu tư khoanh vùng tổ chức lại mô hình chăn nuôi gà đồi theo quy trình VietGAP nhằm hạn chế số lượng gà, tổ chức sản xuất gà thịt đảm bảo chất lượng, giữ uy tín trên thị trường.
Cùng với đó là các bước phối hợp, phải nói là quyết liệt của chính quyền, lực lượng chức năng nhằm bảo vệ đàn gà, bảo vệ giá trị thực đối với sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Từng bước, đàn gà Yên Thế dần ổn định lại, người dân yên tâm hơn cũng như bước đầu có ý thức giữ thương hiệu cho vùng sản xuất bằng cách thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật đối với đàn gà, không bán “lúa non” dù có lãi hơn…
Đối với sản xuất đã thế, khó như tìm thị trường ông Vượng cũng cùng với các trợ thủ của mình lặn lội tìm kiếm, mời gọi khắp các tỉnh, thành phía Bắc, nhất là Hà Nội. Thành quả là từ những đàn gà nhỏ lẻ, Yên Thế có trung bình 5 triệu con gà thương phẩm được gắn mác chất lượng bán ra thị trường mỗi năm. Đến nay, Yên Thế có khoảng 80% số hộ nuôi gà hoặc làm việc liên quan đến gà. Tính ra, tổng giá trị đàn gà đạt khoảng 250 tỷ đồng mỗi năm, chưa kể nguồn thu từ các ngành nghề liên quan khác. Đàn gà đã đưa Yên Thế thoát nghèo.
Thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” được hình thành và phát triển như thế, tên gọi ông Vượng “gà” cũng được bắt đầu như thế…
Và chuyện bảo vệ thương hiệu
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lưu Xuân Vượng vẫn canh cánh nỗi lo về việc phải bảo vệ thương hiệu cho con gà Yên Thế. Bởi chỉ một vài lần sơ suất, chất lượng gà không đảm bảo thì lập tức người tiêu dùng sẽ tẩy chay, doanh nghiệp sẽ e ngại mà không dám liên kết nữa. Vì lẽ đó mà huyện Yên Thế kiên quyết sản xuất đúng chuẩn từ hộ gia đình.
Các hộ bắt buộc phải cam kết từ nhập giống, sử dụng thức ăn đến thời gian xuất chuồng. Nếu hộ nào không thực hiện, hoặc vi phạm sẽ không cấp chứng nhận, đàn gà đó sẽ không được dán tem và khó có cửa đi khỏi địa bàn. Được cái, hầu hết các hộ dân nuôi gà Yên Thế đều chấp hành nghiêm, nhiều năm nay cả huyện không có tình trạng người nuôi trong danh sách đăng ký thương hiệu “bán lúa non” xuất ra thị trường gà kém phẩm chất.
Hộ ông Vương Văn Hoạt, ở bản Đồng Chinh (Tam Tiến, Yên Thế) mỗi năm xuất chuồng 3 lứa gà, khoảng 10.000 con. Với thời giá hiện nay, nếu ổn định, trừ chi phí cũng lãi được gần 100 triệu. Đó là số tiền lớn đối với một hộ dân ở vùng đồi rừng này. Hơn nữa, đó là cơ sở để hàng chục nghìn hộ dân có “giống ngắn ngày”, có thu nhập ổn định trước khi diện tích rừng trồng cho thu hoạch.
Xã Tam Tiến có khoảng 300 hộ chăn nuôi gà tập trung trong vùng quy hoạch của huyện. Từ gà (và rừng), tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 30% năm 2000 đến nay còn chưa đầy 10%. Không những thế, nhiều hộ còn vươn lên khá giả cũng từ những đàn gà. Nếu không có gà, có lẽ Yên Thế không thể có bước phát triển “kỳ diệu” như ngày hôm nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Thành công trong việc khởi tạo đàn gà, xây dựng thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” không có nghĩa là kết thúc. Chúng tôi rất chú trọng phát triển và bảo vệ thương hiệu, giữ vững uy tín về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Để làm điều đó, huyện triển khai đề án hỗ trợ máy chế biến thức ăn tại hộ cho nông dân; thường xuyên kiểm soát tốt dịch bệnh; hàng năm đều tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với người chăn nuôi gà; đào tạo nghề cho người dân. Hàng tuần, lãnh đạo UBND huyện cũng giao ban với các xã nắm bắt tình hình, chỉ đạo định hướng chăn nuôi gà, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đàn gà; tạo điều kiện cho người chăn nuôi vay vốn.
Tuy nhiên, nghề nuôi gà vẫn chưa bền vững bởi giá cả bấp bênh, dịch bệnh đe dọa. Có thời điểm, gà nhập lậu, nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường nên cung vượt cầu, giá bán giảm. Trong bối cảnh đó, giá thức ăn nhiều năm nay chỉ tăng mà không giảm. Ngoài ra, giá thuốc thú y, tiền điện, giá nhân công cũng tăng. Đây là những yếu tố đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi lên cao, khiến một số hộ bỏ nghề, hoặc bán gà kiểu “lúa non” khiến hình ảnh gà Yên Thế bị ảnh hưởng không ít.
Câu chuyện bảo vệ thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” là cả một quá trình, từ khâu lựa chọn giống đến khi xuất bán. Từ khi có thương hiệu, con gà Yên Thế đã phải “thượng đài” hàng chục lần với các đối tượng gian thương mua gà Trung Quốc giả mạo, dịch bệnh cũng như các tin đồn thất thiệt. “Quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm, gà mình ngon thì người tiêu dùng vẫn sẽ sử dụng cho dù có tin đồn như thế nào.
Do vậy, chúng tôi đặc biệt chú trọng khâu sản xuất tại địa phương”, ông Vượng tâm sự. Đơn cử như có lần chợ gà Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) xuất hiện một số cửa hàng bán trà trộn vào gà đồi Yên Thế khiến người dân bức xúc. Biết được thông tin, lãnh đạo huyện Yên Thế lập tức cắt cử cán bộ ra tận nơi, làm việc với ban quản lý chợ, cơ quan chức năng địa phương, kiên quyết dẹp bỏ điểm vi phạm; hay như lần hệ thống BigC vi phạm bản quyền thương hiệu, huyện Yên Thế kiên quyết làm rõ, đề nghị hệ thống siêu thị đưa khỏi danh sách hàng hóa, biển bảng bán trong siêu thị ghi “Gà đồi Yên Thế”; cũng để phát triển thương hiệu, hằng năm huyện đều mời đại diện hệ thống các siêu thị, các chợ đầu mối, nhà khoa học, cơ quan thông tin, tuyên truyền về để lắng nghe ý kiến góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại...